Nasdaq gượng tăng khi lợi suất trái phiếu ngừng leo thang
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng tăng sau đợt leo thang chóng mặt vừa qua, giúp Nasdaq hồi điểm
Chỉ số Nasdaq tăng điểm và chỉ số S&P 500 giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/3), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tạm dừng tăng sau đợt leo thang chóng mặt vừa qua.
Đảo ngược xu hướng gần đây trên thị trường chứng khoán Mỹ, các cổ phiếu tăng trưởng tăng vượt trội trong phiên này so với các cổ phiếu giá trị - nhóm được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi nền kinh tế hồi phục từ đại dịch Covid-19.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - sau khi tăng mạnh trong 7 tuần trở lại đây do kỳ vọng tăng trưởng kinh tế khởi sắc - đã chững lại trong phiên này, dao động gần đỉnh của 14 tháng ở 1,742%.
"Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay là môi trường lãi suất ổn định hơn trên khắp đường cong lợi suất sau nhiều tuần lãi suất liên tục tăng. Và chúng ta cũng chứng kiến mức độ nhất định của sự đảo ngược vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán giữa cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu giá trị", Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận định.
Cổ phiếu Facebook tăng 4,1%, trở thành cú huých lớn nhất cho cả Nasdaq và S&P 500 sau khi CEO Mark Zuckerbrg nói rằng thay đổi trong chính sách bảo mật mà hãng Apple sắp triển khai đối với việc bán quảng cáo sẽ đưa mạng xã hội lớn nhất thế giới lên một "vị thế mạnh mẽ hơn".
Nhóm ngân hàng thuộc S&P 500 giảm 1,6% sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ không gia hạn một chương trình bơm vốn hỗ trợ tạm thời - một chính sách được thực thi nhằm giảm áp lực trên thị trường vốn trong bối cảnh đại dịch.
"Cổ phiếu ngân hàng đã tăng nhiều từ đầu năm đến nay, và thông tin này giữ vai trò như một chất xúc tác để nhà đầu tư chốt lời", chiến lược gia Art Hogan thuộc National Securities phát biểu.
Tuần này, lạc quan về gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD và lời hứa của Fed về duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng thêm vài năm đã kích thích nhà đầu tư ở Phố Wall gom mua mạnh những cổ phiếu giá trị có độ liên hệ cao với chu kỳ kinh tế, theo đó đưa S&P 500 và Dow Jones lên những mức cao kỷ lục mới.
Trái lại, Nasdaq hiện đã giảm khoảng 6% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại hôm 12/2 do cổ phiếu tăng trưởng cao, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ, không còn được ưa chuộng trong những tháng gần đây bởi mức định giá "khủng"khiến những cổ phiếu này trở nên kém hấp dẫn khi lợi suất trái phiếu tăng cao.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, xu hướng bán cổ phiếu tăng trưởng để mua cổ phiếu giá trị đã bị đảo ngược trong phiên ngày thứ Sáu. Khi cổ phiếu tăng trưởng được mua trở lại phiên này, chỉ số của các cổ phiếu này thuộc S&P 500 tăng 0,35%, trong khi chỉ số của các cổ phiếu giá trị giảm 0,48%.
Nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư trái phiếu tin rằng tốc độ tăng gần đây của lợi suất là đáng lo ngại và là một nhân tố gây xáo trộn thị trường nếu còn tiếp diễn.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,71%, còn 32.627,97 điểm. S&P 500 giảm 0,06%,còn 3.913,1 điểm. Nasdaq tăng 0,76%, đạt 13.215,24 điểm.
Tính cả tuần, S&P500 và Nasdaq giảm 0,8% mỗi chỉ số, trong khi Dow Jones trượt 0,5%.
Cổ phiếu Visa giảm hơn 6% phiên này, thổi bay khoảng 30 tỷ USD vốn hóa thị trường sau khi có thông tin nói rằng hãng thẻ này đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra.
Cổ phiếu FedEx tăng 6,1%, sau khi hãng vận chuyển khổng lồ tuyên bố lợi nhuận quý tăng mạnh hơn dự báo nhờ giá cước và nhu cầu cùng tăng mạnh trong mùa mua sắm cuối năm.
Cổ phiếu Nike trượt 4% sau khi hãng thời trang thể thao đưa ra mức dự báo doanh thu quý 1/2021 không đạt kỳ vọng của giới đầu tư do vấn đề vận chuyển và sự suy giảm nhu cầu tại các cửa hàng thực tế trong thời gian đại dịch.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gần 1,25 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,7 lần. Toàn thị trường có 16,5 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 14,4 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.