17:06 16/07/2016

NATO tuyên bố ủng hộ chính phủ của ông Erdogan

Thu An

Các nước thành viên của NATO đã tuyên bố ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan

Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong một cuộc gặp năm 2015 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong một cuộc gặp năm 2015 - Ảnh: Reuters
Sau thông tin về cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nước thành viên còn lại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Tayyip Erdogan, theo cập nhật từ Bloomberg.

Ngay trong đêm ngày thứ Sáu (15/7), sau các cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trên truyền hình: “Chúng tôi hết sức quan ngại về những gì đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi khẳng định chính phủ Mỹ ủng hộ tuyệt đối chính phủ của Tổng thống Tayyip Erdogan và các tổ chức dân chủ”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đưa ra tuyên bố ủng hộ tương tự, còn Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, kêu gọi các bên liên quan hãy cùng bình tĩnh và kiềm chế trong mối quan hệ đồng minh chiến lược.

Phát ngôn viên của Liên hợp quốc cũng dẫn lời Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon, đề nghị các bên bình tĩnh và hợp tác: “Tổng thư ký Liên hợp quốc đang theo dõi sát sao tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi kêu gọi các bên không nên hành động vội vàng”.

Là một thành viên quan trọng trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí giao cắt giữa châu Âu và châu Á, là nước cửa ngõ tiếp nhận rất nhiều người di cư Syria. Quân đội Mỹ hiện có khoảng 2.200 lính và nhân viên dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. 1.500 trong số đó hiện đang đóng tại căn cứ không quân Incirlik ở phía Nam nằm gần biên giới với Syria. 

Tại căn cứ không quân Incirlik còn có rất nhiều lính và nhân viên dân sự do chính phủ Italy, Tây Ban Nha và nhiều nước khác trong NATO cử đến. Căn cứ quân sự này được sử dụng để triển khai các cuộc tấn công chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. 

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố ủng hộ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Tayyip Erdogan dù vào đầu năm nay, chính phủ của ông Erdogan đã trấn áp mạnh tay một số phong trào dân sự. 

Và cũng mới trong mùa xuân năm nay, Tổng thống Obama từng từ chối có cuộc gặp riêng với ông Erdogan tại Washington trong cuộc họp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân. Khi đó ông Obama cho biết ông không đồng thuận với quan điểm chính sách của ông Erdogan.

3 năm gần đây, chính phủ Tổng thống Tayyip Erdogan rất cố gắng củng cố quyền lực, nhưng cùng lúc đó các biện pháp trên lại gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước và khiến giới đầu tư tài chính bi quan. Từ năm 1960 đến nay, đã có ít nhất 3 lần quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các vụ đảo chính.

“Ở rất nhiều nước trên thế giới, luôn tồn tại sự bất đồng giữa các giới chức quân đội và chính trị gia cao cấp. Có nhiều khi, quân đội cảm thấy họ bị đẩy vào đường cùng, và đó chính là những gì chúng ta được chứng kiến mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ”, giám đốc chương trình nghiên cứu về chính trị và nhân quyền tại đại học Columbia, Mỹ, ông David L. Phillips, nhận định về nguyên nhân cuộc đảo chính.