16:28 12/11/2020

Nên ăn những gì thì bổ khớp?

Hoài Phương

Nguyên nhân chính dẫn đến đau nhức xương khớp là lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, điều này tạo nên đau nhức khi cử động hoặc vận động. Tình trạng này là do khi ta lớn tuổi, các tế bào bị suy thoái, ảnh hưởng nhất là các tế bào ở đầu khớp xương để tạo chất sụn và chất nhờn ở đầu khớp xương (sụn ở khớp xương được cấu tạo như một lớp đệm giữa hai đầu khớp xương để tránh va chạm khi cử động, còn chất nhờn ở trong khớp xương giúp cho trơn trượt dễ dàng khi chúng ta cử động).
Dấu hiệu của thoái hóa khớp thường gặp là đau khớp lặp đi lặp lại, cử động khớp có tiếng lạo xạo. Nếu gặp những triệu chứng trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ để có hướng điều trị sớm, và không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau.Nhiều người quan niệm "ăn gì bổ nấy", do vậy, để phòng ngừa thoái hóa khớp, họ thường ăn những món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn. Trong trường hợp bệnh thoái hóa khớp, quan niệm trên hoàn toàn đúng. Về mặt khoa học, nước hầm từ xương ống hay sụn sườn bò và bê có chứa nhiều glucosamin và chondroitin là những hợp chất tự nhiên trong sụn, có tác dụng giúp sụn chắc khỏe. 
Nên ăn những gì thì bổ khớp? - Ảnh 1.
Ngoài ra, các món ăn nấu từ xương ống hoặc sườn còn có thể bổ sung nguồn canxi quí báu cho cơ thể. Việc ăn các món ăn từ tôm, cá hầm cả xương cũng giúp bổ sung canxi. Những người cao tuổi nếu có điều kiện thì nên sử dụng những "dược liệu" tự nhiên này. Ngoài ra, người bị thoái hoá khớp vẫn có thể ăn thịt lợn, thịt gia cầm (gà, vịt), tôm, cua, đặc biệt là nên ăn cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ vì chúng chứa nhiều acid béo omega-3.Người thoái hoá khớp nên ăn đầy đủ các loại ngũ cốc. Ngoài ra, đậu nành, rau xanh, hạt mầm có đặc tính chống bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch, kháng ôxy hóa. Tăng cường ăn đu đủ, dứa, chanh, bưởi vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, hai hoạt chất có tác dụng kháng viêm. Đặc biệt hiện nay, người ta đã phát hiện được tác dụng chữa thoái hoá khớp của quả bơ kết hợp với đậu nành.
Nên ăn những gì thì bổ khớp? - Ảnh 2.
Các loại hoa quả khác nên ăn là cam, xoài, dâu tây, đào, táo và quả anh đào đỏ. Cà chua cũng rất tốt nhờ hàm lượng lycopen và chất carotenoit chống oxy hóa. Cà chua được xem như loại thực phẩm xanh mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể nói chung và sức khỏe nói riêng. Trong thành phần của cà chua có chứa lượng lớn vitamin giúp ngăn ngừa lão hóa và cung cấp collagen cho cơ thể. Đối với cơ xương khớp, cà chua có tác dụng bảo vệ, phòng chống lão hóa và giảm đau các khớp nhanh chóng. Một cốc nước ép cà chua chín mỗi ngày sẽ giúp bạn bảo vệ sụn.Y học hiện đại coi nấm hương như một nguồn bổ sung đáng kể lượng vitamin D2 để phòng và chống bệnh còi xương, trị chứng thiếu máu. Đó là do chất ergosterol có trong nấm hương, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời sẽ chuyển thành vitamin này. Nấm hương, mộc nhĩ kết hợp với súp lơ xanh, cà rốt, ớt đỏ để tạo thành món nấm hương xào thập cẩm, không chỉ ngon mà còn có khả năng phòng bệnh THK. Cà rốt và ớt rất giàu vitamin A và E, hai nhân tố cần thiết để bảo vệ bao khớp và đầu xương. Súp lơ xanh là thực phẩm giàu vitamin K và C, giúp cho xương khớp chắc khỏe.
Nên ăn những gì thì bổ khớp? - Ảnh 3.
Canxi có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xương chắc khỏe và không có gì thay thế được. Canxi có nhiều trong sữa bò, nhưng nó cũng được tìm thấy trong rất nhiều loại rau đặc biệt là rau có màu xanh đậm. Lựa chọn tuyệt vời nhất đó là các loại rau màu xanh đậm như đậu bắp, hoa lơ, rau cải xoăn, rau cải lá,  ray chân vịt, cần tây... Một chén đậu bắp nấu có khoảng 200 mg canxi (đáp ứng khoảng 20% nhu cầu canxi hàng ngày). Ngoài ra, rau có lá màu xanh đậm còn có nhiều vitamin K, có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh loãng xương.