Nền tảng AI hội thoại, thiết bị đeo giám sát thời gian thực, xe điện thông minh đã được "gọi tên" tại QVIC 2024
Nền tảng AI hội thoại Vbee, thiết bị đeo được giám sát thời gian thực chống tĩnh điện HSPTek và xe điện thông minh Met EV nhận giải thưởng 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD cho cuộc thi QVIC 2024…
Ngày 23/8, Qualcomm Technologies Inc. đã công bố ba ứng viên chiến thắng tại vòng chung kết mùa thứ tư của Qualcomm Vietnam Innovation Challenge (QVIC).
Theo đó, ba công ty đoạt giải năm nay lần lượt là Vbee - nền tảng AI hội thoại (giải nhất), HSPTek - thiết bị đeo được giám sát thời gian thực chống tĩnh điện (giải nhì) và Met EV- xe điện thông minh với giải pháp hoán đổi pin năng lượng AI (giải ba), gồm các giải thưởng lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD.
Ngoài ra, tất cả những đội tham gia sẽ gia nhập mạng lưới toàn cầu của Qualcomm Technologies, tăng cường tiếp xúc với ngành và cơ hội của họ trong các triển lãm thương mại toàn cầu và các hợp tác với khách hàng tiềm năng.
Chương trình QVIC khuyến khích phát triển hệ sinh thái công nghệ Việt Nam bằng cách xác định và nuôi dưỡng các công ty đổi mới sáng tạo vừa và nhỏ đang thiết kế các sản phẩm trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, IoT, robot và máy bay không người lái, thành phố thông minh, thiết bị đeo được và công nghệ đa phương tiện, đồng thời sử dụng các nền tảng và công nghệ di động tiên tiến của Qualcomm Technologies. Sử dụng ưu đãi nộp bằng sáng chế của chương trình, các công ty khởi nghiệp QVIC đã nộp hơn 101 đơn xin cấp bằng sáng chế.
Ông Sudeepto Roy, Phó Chủ tịch Kỹ thuật - Tập đoàn Qualcomm cho biết, chương trình QVIC 2024 không chỉ có số lượng đơn đăng ký cao nhất trong lịch sử mà còn giới thiệu một đội hình mạnh mẽ gồm các công ty khởi nghiệp chuyên về công nghệ AI tại biên, chiếm 70% số đội lọt vào vòng chung kết năm nay. Các công ty khởi nghiệp này tiên phong trong lĩnh vực bảo mật sinh trắc học, robot, tự động hóa, chăm sóc sức khỏe, di động thông minh, giải trí… được hỗ trợ bởi AI và được ứng dụng trong phân tích bán lẻ, hệ thống nhiều camera, AI đàm thoại và các giải pháp năng lượng bền vững.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết: Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang đứng trước bài toán tăng trưởng “xanh” thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất xanh và lối sống xanh, tiết kiệm năng lượng. Sau bốn năm đồng hành, QVIC đã tạo môi trường thuận lợi cho các tài năng công nghệ trẻ Việt Nam được đào tạo, trải nghiệm và tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu trong bối cảnh mới. Đây là một trong những sáng kiến tiên phong nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tập đoàn theo mô hình đổi mới sáng tạo mở, đưa Việt Nam đi sâu hơn vào chuỗi giá trị kinh tế gắn với chuyển đổi số xanh và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam kể từ khi ra mắt vào năm 2019, QVIC tiếp tục thúc đẩy các công ty khởi nghiệp sáng tạo bằng cách cung cấp các lợi ích sâu rộng như ươm tạo kỹ thuật và kinh doanh, ưu đãi nộp bằng sáng chế, cố vấn chuyên gia.
Được biết, kể từ khi thành lập văn phòng tại Hà Nội vào năm 2003 và sau đó tại TP.HCM vào năm 2014, Qualcomm Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong cách mọi người kết nối, tính toán và giao tiếp tại Việt Nam bao gồm sử dụng công nghệ 2G, 3G, 4G và bây giờ là 5G.