17:00 30/09/2013

Nếu Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động...

Thanh Hải

Sẽ có vô số hệ lụy xảy ra, trong đó đáng chú ý là có tới 1 triệu nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ không lương

Kinh tế Mỹ sẽ loạng choạng nếu Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động do cạn tiền - Ảnh: Reuters.<br>
Kinh tế Mỹ sẽ loạng choạng nếu Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động do cạn tiền - Ảnh: Reuters.<br>
Chính phủ Mỹ đang tiến dần tới thời điểm phải ngừng hoạt động do hết tiền, nguyên nhân là bởi các nghị sỹ thuộc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề ngân sách.

Đây là lần thứ hai Chính phủ Mỹ đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động. Lần thứ nhất vào năm 2011 và nguy cơ được giải trừ vào những phút cuối cùng. Nhiều nhà phân tích tin rằng, cuối cùng thì thể nào Chính phủ Mỹ cũng có thể vượt qua được trở ngại lần này một cách thần kỳ như hồi năm 2011. Tuy nhiên, có vẻ như điều thần kỳ ấy vẫn chưa xảy ra, trong khi hạn chót thì đang tới gần.

Hôm qua (29/9), Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật ngân sách chính phủ tạm thời để cấp kinh phí hoạt động cho chính phủ liên bang tới ngày 15/12, nhưng lại trì hoãn một năm chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Tổng thống Barack Obama, còn gọi là Obamacare. Hành động này được cho là sẽ làm tăng nguy cơ chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động một phần vào 1/10.

Nguyên nhân là bởi Tổng thống Barack Obama và các nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ từng tuyên bố sẽ từ chối mọi dự luật làm trì hoãn hay không cấp ngân sách cho chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giới quan sát nhận định, rất ít có khả năng các nghị sỹ đảng Dân chủ, Cộng hòa đạt được thỏa thuận về ngân sách, trước khi năm tài khóa kết thúc vào cuối ngày 30/9 (giờ Mỹ).

Theo đạo luật được thông qua từ sau nội chiến Mỹ 1865, chính quyền liên bang bị cấm chi tiêu quá số tiền quốc hội phê chuẩn. Lần đóng cửa gần đây nhất của Chính phủ Mỹ là từ 16/12/1995 tới 6/1/1996. Khi đó, đã có khoảng 80.000 nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc. Con số nghỉ việc và các hệ lụy trong sự vụ lần này sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu như mối nguy hiểm đó xảy ra một lần nữa.

Hãng tin Reuters, báo Washington Post và kênh CNBC đã đưa ra một số viễn cảnh khác nhau về nguy cơ này. Mặc dù mỗi báo có cách nhìn nhận khác nhau, nhưng cơ bản, những viễn cảnh này đều không hề sáng sủa.

Nhân viên liên bang

Theo dự tính của hãng tin Reuters, sẽ có tới 1 triệu nhân viên liên bang có thể phải đối mặt với cảnh nghỉ việc không lương từ ngày 1/10. Mặc dù phần lớn nhân viên liên bang sẽ phải nghỉ việc, nhưng một lượng nhỏ những người có liên quan tới việc đảm trách an ninh quốc gia sẽ vẫn làm việc bình thường. Số này bao gồm nhân viên kiểm soát không lưu, giám ngục, thanh tra an toàn thực phẩm, quân nhân...

Trong những lần Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động trước đây, các nhân viên nghỉ việc sẽ được thanh toán bù, khi chính phủ hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, những ai cố gắng làm bất cứ việc gì trong thời gian nghỉ việc, họ có thể phải đối mặt với các hình phạt.

Thị trường tài chính

Những công ty hy vọng thu hút được thêm vốn từ hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), có thể phải trì hoãn kế hoạch của mình. Các doanh nghiệp vẫn có thể đệ trình hồ sơ IPO lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC), nhưng cơ quan này cho biết, việc xử lý và thông qua các đơn xin sẽ phải hoãn lại trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động.

Hoạt động tín dụng

Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, nếu ai đó muốn được chấp nhận một khoản vay liên bang thì họ sẽ phải chờ đợi, tờ Washington Post nhận định.

Bưu chính viễn thông

Theo tờ Washington Post, mặc dù các nhân viên làm việc trong ngành bưu chính vẫn được xem là lao động liên bang, song ngân sách để chi trả lương cho các nhân viên này lại không do Bộ Tài chính đảm trách. Do đó, về cơ bản, cơ quan này gần như không bị ảnh hưởng gì, nếu chính phủ phải ngừng hoạt động.

An sinh xã hội

An sinh xã hội là chương trình chi tiêu bắt buộc và vẫn được duy trì khi chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, trong lần đóng cửa gần đây nhất, 112.000 đơn xin loại phúc lợi này không được xử lý. 212.000 thẻ an sinh xã hội không được phát hành và 800.000 cuộc gọi để hỏi thông tin về chương trình này không có người đáp.

Các nhà thầu chính phủ

Nếu như việc ngừng hoạt động kéo dài chưa tới hai tuần, các nhà thầu quốc phòng sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Họ vẫn có thể “sống sót” tạm thời dù không nhận được sự chi trả của liên bang. Tuy nhiên, nếu thời gian này bị kéo dài hơn thì hồ sơ tài chính cũng như khả năng thanh khoản của các nhà thầu quốc phòng cỡ nhỏ sẽ bị lung lay.

An toàn thực phẩm

Việc thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn được quan tâm như thường. Những viên chức làm việc này thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ được xếp vào nhóm “nhân viên cần thiết cho việc đảm bảo an ninh quốc gia”. Do đó, họ vẫn phải làm việc như mọi khi, bất kể chính phủ có ngừng hoạt động hay không.

Rác rưởi chất đống


Với lượng rác lên tới 500 tấn mỗi tuần, thủ đô Washington D.C sẽ ngập chìm trong rác. Thảm họa tương tự cũng xảy ra với các thành phố khác bởi công nhân thu dọn rác ngừng làm việc.

Lực lượng vũ trang

Tất cả binh sỹ sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ bình thường, nhưng một lượng lớn nhân viên dân sự sẽ tạm thời được nghỉ việc. Đây là thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra vài ngày trước. Thông báo nghỉ việc chính thức sẽ được công bố vào ngày 1/10, nếu không có thỏa thuận ngân sách nào được lưỡng viện đồng chấp thuận.

Tòa án liên bang

Các tòa án liên bang sẽ tiếp tục mở cửa trong khoảng 10 ngày làm việc. Tới ngày 15/10, cơ quan tư pháp sẽ cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Theo hãng tin Reuters, tòa án tối cao đã từ chối bình luận về hoạt động của họ trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo một phát ngôn viên của cơ quan này, trong những trường hợp phải ngừng hoạt động trong quá khứ, tòa án vẫn hoạt động như bình thường.

Thị thực và hộ chiếu

Trong lần đóng cửa cuối năm 1995 đầu 1996, mỗi ngày có khoảng 20.000 đến 30.000 đơn xin cấp thị thực và khoảng 200.000 đơn xin cấp hộ chiếu không được duyệt, ảnh hưởng nặng đến các ngành du lịch và vận tải của nền kinh tế. Hiện chưa rõ con số thiệt hại của lần này sẽ là bao nhiêu.

Cơ quan thuế vụ

Cơ quan thuế vụ vẫn sẽ tiếp nhận việc khai báo và thanh toán các khoản thuế trong thời gian Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động do cạn tiền. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ ngừng hoạt động nhiều mảng khác, bao gồm vấn đề kiểm toán. Thêm vào đó, khoảng 90% trong tổng số 90.000 nhân viên cơ quan này sẽ phải nghỉ việc trong thời gian khó khăn này.

Chương trình Obamacare

Về cơ bản, Obamacare sẽ không bị ảnh hưởng khi chính thức có hiệu lực từ 1/10, do đây là một chương trình thuộc danh sách những khoản chi tiêu bắt buộc của liên bang được yêu cầu bởi pháp luật, mà không cần chấp thuận hàng năm của Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, hiện Obamacare đang trở thành một quân bài quan trọng trong cuộc chiến giữa các nghị sỹ Dân chủ tại Thượng viện Mỹ và các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện, do đó thật khó nói là nó có bị ảnh hưởng hay không. Nếu Tổng thống Obama chấp nhận "xuống nước", chương trình này sẽ bị ngừng hoạt động một năm.

Dữ liệu của chính phủ

Một số dữ liệu kinh tế Mỹ có khả năng sẽ bị chậm công bố. Trong suốt thời gian xảy ra “cuộc chiến ngân sách” năm 2011 giữa Nhà Trắng và quốc hội, đã không có dữ liệu nào từ Bộ Thương mại hoặc Cục Thống kê Lao động được phát hành.

Công viên quốc gia

Trong giai đoạn chính phủ ngừng hoạt động, tất cả các công viên quốc gia, bảo tàng, công trình kỷ niệm sẽ phải đóng cửa. Năm 1995, khoảng 368 điểm tham quan phải đóng cửa tạm thời, làm mất khoảng 9 triệu lượt khách và gây thiệt hại khoảng 14,2 triệu USD.

Sử dụng súng ống


Nước Mỹ đã từng tranh cãi gay gắt về việc cấp phép sử dụng súng. Tuy nhiên, trong giai đoạn chính phủ phải ngưng hoạt động, không cần phải bàn cãi, mọi giấy phép sở hữu súng liên bang sẽ không được duyệt và cấp.