16:33 25/04/2022

Nếu tái cơ cấu "ngân hàng 0 đồng" bất thành, MB sẽ bán đi như một khoản đầu tư

Phan Linh

Phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng là chủ đề nóng, được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB - HOSE)...

Cổ đông dự Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội.
Cổ đông dự Đại hội cổ đông thường niên 2022 của Ngân hàng TMCP Quân đội.

Một trong các phương án mà lãnh đạo MB trả lời tại Đại hội là "nếu tái cơ cấu "ngân hàng 0 đồng" bất thành, MB sẽ bán đi như một khoản đầu tư".

Đáng chú ý là ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB, đã chỉ ra những điểm được nhiều hơn rủi ro khi MB nhận chuyển giao "ngân hàng 0 đồng". Hiện nay Ngân hàng chưa công bố danh tính của "ngân hàng 0 đồng" được chuyển giao vì thuộc danh mục bí mật nhà nước. “Tuy nhiên, nó chỉ nằm trong phạm vi dưới 10% tổng tài sản của MB và lỗ luỹ kế không được vượt quá 20.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của "ngân hàng 0 đồng" mà MB tiếp nhận ở mức khoảng 47%”, Tổng giám đốc MB tiết lộ.

NHẬN CHUYỂN GIAO, MB GẶP RỦI RO GÌ?

Cũng theo ông Thái, lộ trình nhận chuyển giao “ngân hàng 0 đồng” đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, xin chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ra nghị quyết về phương án nhận chuyển giao. Sau đó, MB mới đề ra phương án chi tiết, tiếp tục trình Chính phủ lần nữa. Sau khi được phê duyệt phương án chi tiết, MB mới tiến hành nhận chuyển giao.

 

Trong trường hợp tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng hoàn toàn có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

“Thủ tục là vô cùng chặt chẽ, xin ý kiến tất cả các Bộ, ban ngành. Khó đến mức tất cả các lực lượng chính trị đều tham gia”, ông Lưu Trung Thái khẳng định độ khó của việc nhận chuyển giao và tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng.

Theo ông, rủi ro lớn nhất khi nhận chuyển giao liên quan đến quy trình, thủ tục, thẩm quyền… và quá trình này ngốn không ít thời gian.

Rủi ro thứ hai là về kinh tế, ông Lưu Trung Thái khẳng định là có, vì kinh doanh phải có rủi ro: “Tuy nhiên, rủi ro này chỉ nằm ở chỗ quá trình tái cơ cấu nhanh hay chậm. Hiện, MB đang cử một đội ngũ sang rà soát các mặt ở một “ngân hàng 0 đồng”. Cả MB và Ngân hàng Nhà nước đều thuê kiểm toán quốc tế vào kiểm toán”.

"KHÚC XƯƠNG" ĐỔI KHÔNG GIAN TÍN DỤNG 

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc MB thẳng thắn cho rằng “việc không khó thì không đến lượt chúng ta”. Cái lợi lớn nhất khi MB thực hiện nhiệm vụ chính trị này là có thêm không gian tăng trưởng tín dụng.

“Lý do là trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu tăng trưởng của MB đang lớn hơn khả năng được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước cho phép MB tăng trưởng tín dụng từ 20-25%, tuy nhiên khả năng của MB có thể tăng trưởng 30-35% mà vẫn kiểm soát được rủi ro”, Tổng giám đốc MB nói.

 

"Về biện pháp tái cơ cấu, Nhà nước sẽ hỗ trợ một khoản tiền có thể xử lý khoảng một nửa lỗ lũy kế của ngân hàng 0 đồng với lãi suất 0%, phần còn lại sẽ do MB xử lý. Trong giai đoạn đầu, MB sẽ chuyển cho ngân hàng 0 đồng một số khoản dư nợ tốt để hỗ trợ.

(Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB)

Việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng giúp MB có cơ hội tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 đến 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Theo tính toán của ban lãnh đạo, MB mất khoảng 7-8 năm để giải quyết dứt điểm lỗ luỹ kế của ngân hàng này. 

Trong trường hợp tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng hoàn toàn có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần.

Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên.

Ngoài ra, Tổng giám đốc MB cũng cho biết ngân hàng 0 đồng hiện nay có hơn 100 chi nhánh, phòng giao dịch; khi nhận chuyển giao sẽ giúp MB tăng độ phủ, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đặc biệt ở các tỉnh.