07:26 06/06/2024

NextGen Việt Nam coi AI là đòn bẩy để chuyển đổi kinh doanh

Vũ Khuê

Khảo sát “Thế hệ kế nghiệp Toàn cầu năm 2024 - NextGen Việt Nam: Thành công trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo” của PwC công bố ngày 5/6 cho thấy, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh doanh, áp dụng công nghệ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của NextGen trong hai năm tới...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Khảo sát Thế hệ kế nghiệp (NextGen) toàn cầu được PwC thực hiện lần đầu vào năm 2013, với báo cáo năm 2022 tập trung vào vai trò của NextGen trong thời kỳ đại dịch.

Tại Việt Nam, theo kết quả năm 2024, 52% người trả lời trong cuộc khảo sát đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo, tăng đáng kể so với tỷ lệ 29% vào năm 2022.

Cùng với tín hiệu tích cực đó, nhận thức về kế hoạch kế nhiệm của NextGen cũng ngày càng phát triển với 72% cho biết họ đã tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch chuyển giao và 39% tham gia tích cực vào việc phát triển kế hoạch này (tỷ lệ này vào năm 2022 lần lượt là 58% và 26%).

Dẫn dắt doanh nghiệp trong thời kỳ đầu của kỷ nguyên công nghệ, mục tiêu trọng tâm của NextGen Việt Nam năm 2024 vẫn là đảm bảo tăng trưởng kinh doanh.

Cụ thể, 39% các lãnh đạo trẻ tham gia khảo sát ưu tiên mục tiêu tăng trưởng như một tiêu chí hàng đầu, nhấn mạnh sự cam kết của họ trong việc thúc đẩy động lực phát triển.

Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh doanh, áp dụng công nghệ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của NextGen trong hai năm tới.

Thế hệ lãnh đạo tương lai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng công nghệ (36%) và đảm bảo rằng nhân viên có những kỹ năng cần thiết để nắm bắt công nghệ mới (33%).

82% NEXTGEN QUAN TÂM TÌM HIỂU VỀ GENAI

Trong bối cảnh kinh doanh và công nghệ ngày càng phát triển, sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI - “GenAI”) đóng vai trò như một lực lượng chuyển đổi, giúp tái định hình các ngành công nghiệp và bản chất của vai trò lãnh đạo.

Theo Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 27 khu vực PwC Châu Á Thái Bình Dương năm 2024, những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới như GenAI, đã thúc đẩy các CEO điều chỉnh chiến lược kinh doanh của họ.

77% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán rằng GenAI sẽ ảnh hưởng và tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách thức doanh nghiệp của họ kiến tạo, phân phối và nắm bắt giá trị trong vòng ba năm tới.

Nghiên cứu cho thấy 82% bày tỏ sự quan tâm tích cực trong việc tìm hiểu về GenAI và 55% cho rằng họ am hiểu về GenAI. Không những vậy, 67% NextGen Việt Nam còn chia sẻ sự đồng thuận về tiềm năng của GenAI như là một công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi kinh doanh.

NextGen Việt Nam xem GenAI là chất xúc tác cho chuyển đổi kinh doanh, với các lợi ích được dự đoán như tăng năng suất của nhân viên (39%), tiết kiệm chi phí (39%) và nâng cao trải nghiệm của khách hàng (36%). “Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược ứng dụng AI trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, góp phần định vị doanh nghiệp để đạt được thành công trong thời đại kỹ thuật số”, báo cáo đánh giá.

Bên cạnh đó, trong các cuộc thảo luận về nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, NextGen Việt Nam cũng tái khẳng định vai trò quan trọng của AI.

Hơn một nửa trong số những người tham gia khảo sát tin rằng GenAI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật số cho lực lượng lao động, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41%. Thông qua việc tận dụng những hiểu biết sâu sắc và tự động hóa từ AI, các doanh nghiệp có thể trang bị cho đội ngũ của mình những kỹ năng số cần thiết để thành công.

LO NGẠI KHÓ THEO KỊP SỰ PHÁT TRIỂN CỦA AI

Mặc dù những tiến bộ của AI mang lại những cơ hội không thể phủ nhận, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro tiềm tàng cho NextGen Việt Nam.

Khảo sát cho thấy, 73% dự đoán rằng AI sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong ba năm tới, dẫn đến áp lực duy trì vị thế dẫn đầu ngày càng tăng của doanh nghiệp trong bối cảnh bị chi phối mạnh mẽ bởi AI.

70% các lãnh đạo trẻ tham gia khảo sát nhận thấy sự khó khăn trong việc theo kịp sự phát triển của AI và 48% cảm thấy khó để khai thác AI hiệu quả.

Bên cạnh đó, hơn một nửa số NextGen tại Việt Nam (58%) bày tỏ lo ngại về nguy cơ gia tăng rủi ro an toàn bảo mật thông tin liên quan đến việc áp dụng GenAI. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng cao về các lỗ hổng có thể phát sinh từ việc sử dụng các công nghệ mới này, chẳng hạn như vi phạm dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư và an toàn bảo mật thông tin.

Các rủi ro khác bao gồm truyền tải thông tin sai lệch (52%), trách nhiệm pháp lý và rủi ro danh tiếng (52%) và thiên kiến về nhóm khách hàng hoặc nhân viên cụ thể (39%).

Hơn nữa, báo cáo cũng cho thấy các doanh nghiệp gia đình Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đầu áp dụng những công nghệ mới, với 64% hiện vẫn chưa bắt đầu tìm hiểu về AI.

Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu chuyển đổi đầy hứa hẹn. Gần 1/3 (27%) doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam, cho biết họ hiện đang tìm hiểu và thử nghiệm các sáng kiến liên quan đến AI (tỷ lệ các doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn này trên toàn cầu là 37%).

76% NextGen Việt Nam tham gia khảo sát chia sẻ rằng doanh nghiệp của họ có thể sẽ tham gia vào các sáng kiến liên quan đến AI trong tương lai. Điều này cho thấy triển vọng tích cực về việc áp dụng công nghệ mới nổi này trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam.

Để giảm thiểu những rủi ro trên, báo cáo khuyến khích NextGen Việt Nam thiết lập các khuôn khổ quản trị rõ ràng cho việc sử dụng AI có trách nhiệm, đảm bảo việc triển khai công nghệ AI một cách có đạo đức và hiệu quả.

"Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam củng cố niềm tin với các bên liên quan và định hướng tương lai cho sự thành công lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh AI đang phát triển", PwC nhấn mạnh.