09:08 10/08/2007

Nga hồi hộp đón “chuyến tàu” WTO

Quốc Trung

Nếu không kịp “chuyến tàu” WTO trong năm nay, thời điểm Nga gia nhập WTO có thể phải lùi lại đến năm 2010-2012

Trợ cấp nông sản vẫn là chủ đề đàm phán phức tạp nhất.
Trợ cấp nông sản vẫn là chủ đề đàm phán phức tạp nhất.

Nga và các đối tác vừa thực hiện vòng đàm phán đa phương về việc nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva. Dư luận đang quan tâm liệu Nga có được WTO kết nạp cuối năm nay và sự kiện này tác động thế nào tới kinh tế Nga?

Trưởng đoàn đàm phán của Nga M. Medvekov đánh giá kết quả đạt được là tích cực. Tuy nhiên, trên con đường đến WTO, phía trước còn không ít chông gai.

Đối mặt nhiều khó khăn

Tại vòng đàm phán lần này, các bên hầu như đã nhất trí về 10 chương tiếp theo trong bản báo cáo gồm 46 chương của Nhóm công tác về việc Nga gia nhập WTO. Như vậy đến nay các bên đã thảo luận tổng cộng 34 chương trong báo cáo nói trên.

Đoàn Grudia bảo lưu ý kiến đối với 2 trong số 10 chương thảo luận lần này, chủ yếu liên quan đến các quy định về hải quan và đề nghị Nga viết lại hai chương này để tiếp tục thảo luận. Việc Grudia gây khó khăn cho Nga không khiến dư luận bất ngờ, bởi sau “cuộc chiến kinh tế” giữa hai nước hồi cuối năm ngoái liên quan các vấn đề khí đốt, người nhập cư... Grudia đã tỏ thái độ sẽ cản trở Nga trên đường vào WTO.

Điều bất ngờ là việc Arập Xêút yêu cầu được đàm phán song phương với Nga liên quan các vấn đề cơ chế định giá năng lượng, tiếp cận thị trường tài chính...

Theo ông M.Medvekov, nông nghiệp sẽ là vấn đề phức tạp nhất trong các cuộc đàm phán tới đây với các đối tác để thoả thuận nốt 12 chương còn lại của báo cáo. Đây cũng là vấn đề gai góc mà Nga đã tiến hành đàm phán hơn 10 năm qua với các đối tác chủ chốt như Mỹ, EU, Australia, Canada. Trọng tâm của vấn đề là việc cắt giảm mức trợ cấp nông nghiệp khi gia nhập WTO.

Tại các cuộc đàm phán trước, Nga nêu ra mức trợ cấp nông nghiệp là 9,2 tỷ USD, nhưng các bên vẫn chưa bàn đến số liệu cụ thể. Bởi vì, mức cắt giảm trợ cấp nông nghiệp này còn tuỳ thuộc vào việc vòng đàm phán Doha. Nếu vòng đàm phán Doha thất bại, mức trợ cấp nông nghiệp 9,2 tỷ USD nói trên của Nga sẽ phải cắt giảm 20% liên tục trong vài năm. Nếu Vòng đàm phán Doha thành công, thì Nga phải cắt giảm con số nêu trên hơn 50%.

Nga còn phải đối mặt những khó khăn khác như sự cản trở từ phía Mỹ, EU. Tài liệu nội bộ của khối này tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU hồi tháng 4 vừa qua nêu rõ: “EU sẵn sàng ủng hộ việc gia nhập WTO của Nga nhưng không phải bằng bất cứ giá nào. Các vấn đề song phương và việc coi thường thực hiện các cam kết hiện thời sẽ là các trở ngại chính”.

Đứng ngoài WTO, Nga bất lợi

Nếu Nga không gia nhập WTO trước cuối năm nay, thì khả năng sẽ phải lùi thời điểm được WTO kết nạp lại khá xa, bởi vì tháng 12 năm nay và đầu năm 2008, tại Nga xảy ra một loạt sự kiện chính trị có thể làm ảnh hưởng tiến trình đàm phán WTO, như việc Quốc hội Nga khoá mới sẽ được bầu lại vào đầu tháng 12; bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2008... Với một ê kíp lãnh đạo mới, có thể sẽ có những thay đổi làm chậm tiến trình đàm phán.

Các nhân tố bên ngoài như việc nước Mỹ có Tổng thống mới trong năm 2008; Uỷ ban châu Âu có những thành viên mới và ngay trong bộ máy lãnh đạo WTO cũng sẽ có những thành viên mới... cũng ảnh hưởng đến việc quyết định kết nạp Nga vào WTO.

Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu không kịp “chuyến tàu” WTO trong năm nay, thời điểm Nga gia nhập WTO có thể phải lùi lại đến năm 2010-2012...

Giới quan sát tại Nga cho rằng, nếu Nga vẫn phải đứng ngoài WTO, nền kinh tế nước này sẽ gặp nhiều bất lợi khi mà hàng hoá Nga sẽ vẫn bị phân biệt đối xử.

Đáng lo hơn là khi vòng đàm phán Doha kết thúc, các thoả thuận sẽ được triển khai thực hiện mà Nga không thể tác động vì chưa phải là thành viên WTO. Đứng ngoài WTO, Nga cũng thiếu các công cụ để tiến hành hiện đại hoá kinh tế; cải cách cơ cấu để thoát khỏi mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu nguyên liệu là chính.

Một số chuyên gia kinh tế của Nga cho rằng, nếu Nga gia nhập WTO, những nguyên tắc nền tảng của tổ chức này sẽ giúp Nga bảo đảm sự minh bạch của nền kinh tế, chống tham nhũng và phân bổ nguồn ngân sách nhà nước một cách hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, trái với tâm lý nóng lòng muốn tham gia WTO của nhiều người, không ít nhà chính trị, kinh tế Nga phản đối chủ trương sớm gia nhập WTO và cho rằng Nga không cần gia nhập WTO bằng mọi giá. Trên thực tế, Mỹ đang siết chặt sự kiểm soát của mình đối với các quốc gia khác. Vì vậy, gia nhập WTO, Nga sẽ phải đặt mình dưới sự kiểm soát gián tiếp của Mỹ và buộc phải từ bỏ nhiều lợi ích.