16:23 28/03/2023

Nga vẫn xuất khẩu dầu đều đặn, mặc cấm vận và kế hoạch giảm sản lượng

Điệp Vũ

Dù bị phương Tây áp lệnh cấm vận và trần giá, cộng thêm việc Nga tuyên bố giảm sản lượng, nhưng nước này vẫn xuất khẩu đều đặn hơn 3 triệu thùng dầu mỗi ngày...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Hoạt động xuất khẩu dầu thô qua đường biển của Nga vẫn diễn ra mạnh mẽ, đồng nghĩa rằng cam kết của Chính phủ nước này về cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu vẫn chưa ảnh hưởng thực sự đến nguồn cung trên thị trường dầu quốc tế - hãng tin Bloomberg cho hay.

Dữ liệu từ theo dõi tàu chở dầu của Bloomberg cho thấy xuất khẩu dầu thô của Nga qua đường biển giảm 123.000 thùng/ngày còn 3,11 triệu thùng/ngày trong kỳ 7 ngày kết thúc vào hôm 24/3. Mức xuất khẩu bình quân hàng ngày của kỳ 4 tuần cũng giảm với mức tương tự, và đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp Nga xuất khẩu trên 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Theo kế hoạch mà điện Kremlin công bố đầu năm nay, Nga sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 500.000 thùng/ngày trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6. Kế hoạch này được đưa ra sau khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá lên dầu thô Nga.

Tuy nhiên, đến hiện tại, kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Nga vẫn chưa được thể hiện qua số liệu xuất khẩu dầu của nước này. Từ khi Nga tuyên bố giảm sản lượng dầu đến nay, giá dầu đã giảm mạnh - dấu hiệu cho thấy các nhà giao dịch dầu lửa không lo ngại về nguy cơ suy giảm nguồn cung từ kế hoạch này của Moscow.

Theo Bloomberg, bất kỳ sự sụt giảm sản lượng dầu nào của Nga lúc đầu cũng sẽ được bù lại bởi nhu cầu suy giảm của các nhà máy lọc dầu ở nước này trong mùa bảo trì hàng năm. Ngoài ra, xuất khẩu dầu Nga sang thị trường châu Âu qua đường ống giảm xuống cũng đồng nghĩa với việc Nga có thêm dầu để xuất khẩu bằng đường biển.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói sản lượng cơ sở cho việc nước này giảm sản lượng dầu sẽ là khoảng 10 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức giảm thực tế có thể ít hơn con số 500.000 thùng/ngày như được công bố, vì mức sản lượng thực tế của Nga trong tháng 1 và tháng 2 theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều thấp hơn so với con số 10 triệu thùng/ngày mà Moscow đưa ra.

Với giá dầu Brent giao sau tại thị trường London -  giá tiêu chuẩn của thị trường dầu toàn cầu – đã giảm về vùng khoảng 75 USD/thùng và các dự báo cho thấy sự dư thừa cung dầu trong nửa đầu năm nay, các đối tác của Nga trong OPEC+ có thể sẽ hoan nghênh một động thái giảm sản lượng đơn phương của nước sản xuất dầu lớn thứ nhì trong nhóm. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Đầu năm nay, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga tăng lên, có thể do sự chuyển hướng của dòng dầu trước đây Nga xuất khẩu sang Ba Lan và Đức thông qua đường ống Druzhba. Dòng chảy tới Đức đã dừng vào cuối năm 2022 và dòng chảy tới Ba Lan giảm còn khoảng 60.000 thùng/ngày theo hợp đồng cuối cùng còn lại giữa Ba Lan với một công ty Nga.

Số dầu bị cắt giảm qua đường ống nói trên đồng nghĩa có thêm 500.000 thùng dầu Nga mỗi ngày được xuất khẩu qua đường biển, cho dù Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh cấm nhập khẩu gần như tất cả dầu thô và các sản phẩm dầu tinh luyện của Nga và G7 áp trần giá lên dầu Nga. Từ cuối năm ngoái, nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ đối với dầu Nga tăng mạnh đã bù lại việc Nga mất khách hàng mua dầu ở châu Âu.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Refinitiv cho thấy Ấn Độ chiếm hơn 65% tổng lượng dầu thô Urals mà Nga xuất khẩu bằng đường biển. Urals là loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga. Các nhà giao dịch nói rằng nhu cầu gia tăng của các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ là một động lực để Nga duy trì vững được mức xuất khẩu dầu cho dù đã cam kết giảm sản lượng.

Số liệu của Bloomberg cho thấy thu ngân sách của Chính phủ Nga từ thuế xuất khẩu dầu thô giảm 2 triệu USD còn 42 triệu USD/tuần trong tuần kết thúc vào ngày 24/3. Mức thu bình quân của 4 tuần không thay đổi ở mức 43 triệu USD/tuần.

Mức thuế xuất khẩu dầu mà Chính phủ Nga áp dụng cho tháng 3 là 1,94 USD/thùng và cho tháng 4 là 1,95 USD/thùng.