Ngân hàng dâng sóng lợi nhuận ngay quý 1/2018
Tiếp tục xuất hiện những ngân hàng thương mại lợi nhuận tăng đột biến so với cùng kỳ
Vừa kết thúc quý 1/2018, nhiều ngân hàng thương mại lần lượt cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản, trước kỳ công bố báo cáo tài chính chính thức. Thị trường tiếp tục đón nhận những hiện tượng tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ 2017.
Sớm nhất, ngày kết thúc quý 1/2018 cũng là ngày Ngân hàng Phương Đông (OCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Kết quả lợi nhuận ước tính quý đầu tiên của năm được cập nhật tại đây.
Cụ thể, trong quý 1/2018, ước tính lợi nhuận trước thuế của OCB đạt trên 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 30% kế hoạch năm.
Tại đại hội trên, OCB cho biết kế hoạch dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay.
Trước OCB, một thành viên khác cũng đưa thẳng cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE là Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), với mã TPB trong ngày chào sàn 19/4/2018, thay vì bước đệm lên sàn UPCoM như một số ngân hàng thương mại khác thực hiện trong 2017.
TPBank cũng là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2017, đạt 1.205,7 tỷ đồng, tăng tới 71% so với năm 2017.
Đáng chú ý, với thông tin cập nhật trước thềm niêm yết cổ phiếu, TPBank tiếp tục tạo hiện tượng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, kết thúc quý 1/2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước (215 tỷ đồng).
Theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank, thông thường hàng năm, quý đầu tiên kết quả lợi nhuận của các ngân hàng thương mại nói chung có đặc điểm thấp hơn so với các quý sau của năm. Theo đó, với mức thực hiện trong quý 1, TPBank tin tưởng sẽ hoàn thành chỉ tiêu cả năm 2018.
Năm 2018, TPBank đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng tới 82,42% so với 2017, tiếp tục là một mức tăng trưởng đột biến. Song, Chủ tịch TPBank cho rằng đây là tốc độ hợp lý, với những nền tảng tập trung thiết lập và thúc đẩy những năm 2016 - 2017 bắt đầu cộng hưởng và phát huy hiệu quả. Lợi nhuận theo đó phản ánh đúng hơn năng lực của ngân hàng.
Trong nền tảng đó, ông Phú cho biết TPBank tiếp tục tập trung ở phân khúc bán lẻ với tín dụng tiêu dùng khách hàng cá nhân và hộ gia đình, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa; cũng như tăng tỷ trọng thu dịch vụ lên 25% để cải thiện cấu trúc lợi nhuận, bền vững hơn và bớt dựa vào tín dụng truyền thống. Và tỷ lệ lãi cận biên (NIM) hiện chỉ ở khoảng 3%, TPBank có dư địa để tiếp tục nâng lên trong 2018.
Ngoài ra, như xu hướng tại một số ngân hàng thương mại khác vài năm gần đây, TPBank cũng đang là một trong những điểm có nguồn thu từ hoa hồng phí bảo hiểm, với mức tăng trưởng bắt đầu thể hiện trong năm 2017…
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn hơn, Ngân hàng Quân đội (MB) là thành viên đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2018, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.746 tỷ đồng riêng ngân hàng, đóng góp đến 28% lợi nhuận mục tiêu trong 2018.
Trước đó, khi nói về kế hoạch 2018, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cũng nhấn mạnh đến tín dụng bán lẻ sẽ là bước đi chiến lược, trong các hướng thực hiện chỉ tiêu lợi nhuận, cũng như dự tính sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ NIM thêm 0,5% so với 2017.
Bên cạnh đó, ông Thái tin tưởng các công ty thành viên như MCredit, MB Aegus Life, MBS… sẽ bắt đầu có đóng góp lớn hơn cho mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Về kết quả hợp nhất, hiện Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) là thành viên đầu tiên công bố với lợi nhuận hợp nhất quý 1/2018 đạt 1.045 tỷ đồng.
Trong đó, tương tự như OCB và TPBank, lợi nhuận HDBank riêng lẻ tiếp tục tạo tốc độ tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ 2017, đạt 851 tỷ đồng, tăng tới 201,8%.
Cuối tuần này và tuần tới, theo kế hoạch, một loạt ngân hàng thương mại sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Kết quả lợi nhuận quý 1 dự kiến sẽ tiếp tục được cập nhật qua đại hội, với triển vọng nhiều thành viên sẽ có tốc độ tăng trưởng tốt nhất kể từ năm 2011 đến nay.