Ngân hàng đồng loạt xin nới “room” tín dụng để triển khai hỗ trợ lãi suất 2%
Với mong muốn có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng...
Như VnEconomy đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đến ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị với các ngân hàng thương mại, tới tất cả các địa phương qua hình thức trực tuyến nhằm quán triệt và tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất này, sớm đưa chính sách đi vào thực tiễn.
Đáng chú ý, tại hội nghị trên, tất cả các ngân hàng được phát biểu ý kiến đều cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và rất ủng hộ việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cũng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ước tính với quy mô dư nợ đến thời điểm hiện tại tháng 5/2022, ở mức trên 1 triệu tỷ đồng, số đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất chiếm xấp xỉ 30% dư nợ, với khoảng hơn 30.000 khách hàng.
Đồng thời, đại diện Vietcombank cho rằng, sau cơn "hạn hán" tăng trưởng do bị ảnh hưởng bởi dịch, thì nhu cầu vốn tăng cao. Đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 9%, do đó, Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới "room tín dụng" phù hợp, để các ngân hàng chung tay hỗ trợ tăng trưởng.
Tương tự, ông Trần phương, Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ, qua rà soát sơ bộ, ngân hàng thống kê thấy có khoảng 10.000 khách hàng ban đầu đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất và con số này sẽ tiếp tục tăng năm nay và năm tới.
“Bắt đầu từ quý 4/2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh, đặc biệt là các khách hàng tốt. Trong khi đó, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng. Rất mong Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho BIDV và các tổ chức tín dụng lớn để triển khai hỗ trợ lãi suất hiệu quả", ông Phương nói.
Theo ông Lê Duy Hải, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Vietinbank, ngân hàng này đã tính toán sơ bộ về mức tín dụng thực hiện chương trình, đang xây dựng và dự kiến tuần tới sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi nội bộ. Đồng thời, đang chạy kiểm thử việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất này.
“Dư nợ gói hỗ trợ lãi suất 2% thực hiện tại Vietinbank ước tính chiếm 30% tổng quy mô tín dụng của ngân hàng. Cần Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tăng hạn mức tín dụng cho ngân hàng để thực hiện tốt hơn”, ông Hải nói.
Tính đến 20/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 7,66%. Nếu tính tới thời điểm sáng nay, con số này có thể lên 7,75%, mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Đề nghị này cũng được lãnh đạo Agribank và MB nhắc tới. Các ngân hàng này cùng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao dù chưa được nửa năm trôi qua. Thậm chí, ở nhóm thương mại cổ phần vừa và nhỏ, nhiều ngân hàng cũng tăng trưởng 60-70% chỉ tiêu.
Nói về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.
“Cơ quan quản lý hiểu rõ việc các ngân hàng thương mại cần tăng hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, thời điểm tăng, mức tăng bao nhiêu cần phải tính toán rất thận trọng, phù hợp với các cân đối vĩ mô”, ông Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Tú cũng khẳng định, toàn hệ thống ngân hàng sẽ tổ chức triển khai ngay việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị định số 31 và Thông tư 03 trong toàn hệ thống.
Đồng thời, các ngân hàng cần đăng ký ngay kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước trong 2 năm 2022, 2023 và từng năm theo quy định tại các Nghị định, Thông tư và văn bản hướng dẫn để Ngân hàng Nhà nước sớm tổng hợp, đăng ký kế hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch hỗ trợ lãi suất.
"Quá trình triển khai có thể phức tạp, mất công sức, không mang lại lợi nhuận, nhưng không được có tâm lý làm cho xong mà cần xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị, cần phải tích cực tham gia, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng", ông Đào Minh Tú lưu ý.