Ngân hàng "mất đứt" 28 nghìn tỷ đồng chứ không phải chuyện trên ti vi
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, muốn ngân hàng có thể hỗ trợ tiếp doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp khó khăn, dưới chuẩn, cần phải có cơ chế và chính sách ở mức cao hơn...
Phát biểu tại diễn đàn chính sách về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19 do Tạp chí Hải Quan tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, với quan điểm cộng sinh và cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành ngân hàng đã rất nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng ngân hàng sẽ còn tiếp tục chịu hệ quả về sau. Do đó, ngân hàng cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng giúp chính sách được dài hơi, kịp thời và hiệu quả.
Cụ thể, theo ông Hùng, từ khi dịch bệnh bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến Thông tư 01 và các lần sửa đổi bằng Thông tư 03, Thông tư 14 về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, theo ông Hùng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng chính khả năng của mình. Cụ thể, các tổ chức tín dụng tự củng cố nguồn lực bằng cách chuyển đổi cơ cấu nguồn thu, tích cực chuyển đổi số, tăng xử lý nợ xấu… qua đó có nhiều dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Thực tế, các tổ chức tín dụng đã hy sinh lợi nhuận tổng cộng là 28.000 tỷ đồng, trong đó 26.000 tỷ đồng là giảm lãi suất cho vay và khoảng 2.000 tỷ đồng là giảm phí. Đây là việc thực, con số thực chứ không phải câu chuyện lên tivi như mọi người vẫn nói”, ông Hùng chia sẻ.
Nhìn chung, ông Hùng cho rằng, có 3 yếu tố giúp các tổ chức tín dụng đạt được kết quả như trên: (i) chính sách kịp thời đầy đủ; (ii) đủ nguồn lực; (iii) xác định rõ quan điểm cộng sinh với doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.
Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nguồn lực của các tổ chức tín dụng đến nay đã dần suy giảm. Những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu, chỉ khác là ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro ngay. Mới nhất, Thông tư 14 mới sửa đổi năm 2021 yêu cầu các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro 3 năm với mức 30% trong năm nay, lại tạo thành áp lực lớn.
“Dịch bệnh rất khó nói, những khoản nợ đang tốt, tức nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, ngân hàng còn có những khoản lãi dự thu, là những khoản dù quyết toán rồi nhưng không thu được thì vẫn phải thoái thu. Vì vậy, lợi nhuận trong tương lai của các tổ chức tín dụng có thể sụt giảm, ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh doanh”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay.
Thêm một vấn đề nữa theo ông Hùng là từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi dân cư vào ngân hàng liên tục giảm, nên khả năng huy động vốn cũng có chiều hướng giảm. Điều này kéo theo nguy cơ khó khăn về nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch bệnh, dẫn tới áp lực thanh khoản có thể xảy ra trong tương lai.
Với các khó khăn trên, vị lãnh đạo này nhìn nhận, dù xác định rõ mối quan hệ cộng sinh nhưng ngân hàng sẽ phải chịu hệ quả về sau. “Doanh nghiệp muốn hoạt động, thì phải tạo điều kiện hay cơ chế gì cho người ta hoạt động. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang nợ dưới chuẩn, không có nguồn thu, không có lợi nhuận, làm sao có đủ điều kiện để tiếp cận vốn?", ông Hùng nói.
Do đó, ngành ngân hàng đang rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng giúp chính sách được dài hơi, kịp thời và hiệu quả. Chẳng hạn, nếu như có điều kiện thì Ngân hàng Nhà nước nên gộp Thông tư 01, 03 và 14 vào làm một cho thống nhất và phù hợp. Hiện 3 thông tư này cùng có hiệu lực, bản thân ngân hàng hạch toán rất khó khăn, nên doanh nghiệp muốn thực hiện cũng không dễ.
Ông cũng lấy ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có Nghị định 55, Nghị định 116 bổ sung sửa đổi Nghị định 55, đối với trường hợp thiên tai, dịch bệnh thì được khoanh nợ. Thì đến nay vẫn chưa đặt vấn đề rằng khoanh nợ như thế nào đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Về nguồn lực cho tín dụng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho hay, chính sách tiền tệ đã sử dụng hết khả năng, nên cần sự vào cuộc của chính sách tài khóa. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu, vay từ ngân hàng trung ương như các quốc gia khác… để có đủ nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.
Ông Hùng cũng lưu ý, bài học gói hỗ cấp bù lãi suất năm 2009 vẫn còn, khi hậu quả là phải thành lập Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vào năm 2014. Do đó, theo ông Hùng, chính sách phải đủ mạnh để đẩy nguồn tín dụng đến với doanh nghiệp, nhưng cũng cần bảo vệ được ngân hàng trước khoản nợ xấu khổng lồ trong tương lai.
“Ngân hàng có nhiều mối lo khi cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Nên để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước phải ban hành cơ chế, chính sách, đừng đặt doanh nghiệp là đối tượng, phải coi họ là đối tác. Hơn nữa, việc ban hành chính sách cần sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.