Ngân hàng: Ngoại lãi nhiều, nội lãi ít
Điều gì đã tạo nên sự bứt phá lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài?
Gần đây những chiếc máy rút tiền tự động ATM của các ngân hàng ngoại như ANZ, HSBC xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực trung tâm Tp.HCM. Không giống như trước, máy ATM của ngân hàng ngoại chỉ được đặt ở cạnh hội sở chính, bây giờ họ có thể đặt ở nhiều nơi.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài dần lấn lướt các đồng nghiệp nội địa, đặc biệt trong tăng trưởng lợi nhuận, họ đang để sau lưng một khoảng cách khá xa với các ngân hàng cổ phần.
Năm ngoái, theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, các ngân hàng nước ngoài trên địa bàn có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 168,3% so với năm 2008, với con số tuyệt đối 3.517 tỉ đồng (1.311 tỉ đồng năm 2008).
Trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần chỉ có 20,3%, từ 4.988 tỉ đồng năm 2008 lên 5.999 tỉ đồng năm 2009.
Các ngân hàng cổ phần hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng. So với cuối năm 2008, năm vừa qua tăng trưởng tín dụng của khối cổ phần nhảy lên 59,9%, mức tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng. Còn các ngân hàng nước ngoài vẫn “bình chân như vại” trong mảng tín dụng. Họ dường như không quan tâm lắm đến nâng dư nợ cho vay. Kết quả là tăng trưởng tín dụng của họ năm ngoái âm - 0,66%.
Vậy điều gì đã tạo nên sự bứt phá lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài? Ở một ngân hàng nước ngoài lớn, trong cơ cấu lợi nhuận 40% là kinh doanh ngoại hối và trái phiếu; thu phí thanh toán xuất nhập khẩu và các phí khác của khách hàng doanh nghiệp chiếm 20%; cho vay tiêu dùng cá nhân cộng dịch vụ 20%, dịch vụ khác chiếm tỷ trọng còn lại. Ở một số ngân hàng nước ngoài khác, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ và ngân quỹ cũng chiếm 40% lợi nhuận.
Rõ ràng, dịch vụ ngoại hối và phí mới là nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng nước ngoài. Khi mà ngân hàng nội địa bị ràng buộc bởi hàng loạt các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, không thể lách luật, thì ngân hàng nước ngoài tỏ ra linh hoạt.
Suốt một thời gian dài họ mua bán Đô la Mỹ với doanh nghiệp thông qua một ngoại tệ thứ ba để đạt được tỷ giá mong muốn và khi Ngân hàng Nhà nước cấm nghiệp vụ này, họ vẫn sử dụng ngoại tệ thứ ba thông qua một ngân hàng thứ ba.
Thí dụ doanh nghiệp XYZ muốn mua Đô la Mỹ của họ, thì đầu tiên doanh nghiệp đó phải mua Euro của ngân hàng nội địa XYZ với một tỷ giá thỏa thuận. Họ bán Euro cho ngân hàng XYZ để XYZ bán cho doanh nghiệp. Có Euro rồi, doanh nghiệp bán lại cho họ cũng theo giá thỏa thuận vào ngày hôm sau, làm sao tương ứng với sự chênh lệch của Đô la Mỹ (giữa giá niêm yết của ngân hàng và giá thị trường tự do) mà họ bán cho doanh nghiệp. Trên hợp đồng, giá mua bán Đô la vẫn tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng trên thực tế, sau một sự lòng vòng, giá thực mua - bán đã khác nhiều.
Ngoài ra một số ngân hàng nước ngoài áp dụng phí ngoại tệ linh hoạt (flexible fees) khi doanh nghiệp chuyển khoản ra nước ngoài, mở L/C, bảo lãnh… Với các công ty đa quốc gia, việc đưa ra các mức phí càng thuận lợi hơn, nhất là khi các công ty này nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, triển khai dự án đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên, các công ty của nước nào thì thường giao dịch với ngân hàng của nước ấy mở ở Việt Nam. Chẳng hạn các công ty Hàn Quốc giao dịch với ngân hàng Hàn Quốc, Đài Loan với Đài Loan, Pháp với Pháp, Úc với Úc… Ngân hàng trong nước không thể “bắt chước” cách kinh doanh ấy của ngân hàng nước ngoài vì nếu làm vậy có thể bị thanh tra, kiểm tra liên tục.
Tuân thủ đúng quy định, ngân hàng nội khó tìm lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối. Một khi giá mua bán Đô la Mỹ chuyển khoản và tiền mặt luôn kịch trần và bằng nhau, các ngân hàng cổ phần chỉ còn cách giới thiệu các doanh nghiệp với nhau để tự thương lượng. Hậu quả là doanh thu kinh doanh ngoại tệ năm 2009 của nhiều ngân hàng cổ phần sụt giảm mạnh, có ngân hàng thậm chí lỗ ở mảng này.
Lợi nhuận từ dịch vụ thấp, ngân hàng cổ phần lao vào tín dụng. Cho vay chỉ cung cấp 20% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài, nhưng lại chiếm đến 75-80% lợi nhuận của ngân hàng nội. Sự lệch pha đó dẫn đến sự lệch pha về chất lượng tín dụng của hai khối.
Năm 2009 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nước ngoài ở Tp.HCM chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ. Tuy nhiên với ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này là 1,39%, gấp hơn hai lần tỷ lệ của ngân hàng nước ngoài. Còn so với ngân hàng quốc doanh, nơi nợ xấu chiếm 2,02% tổng dư nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của nước ngoài chỉ bằng một phần ba.
Cùng một môi trường kinh doanh như nhau, cùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như nhau, vì sao ngân hàng ngoại lãi nhiều, ngân hàng nội lãi ít? Phải chăng sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấy chỉ thuần túy do ngân hàng nước ngoài nhiều kinh nghiệm, công nghệ cao hay đằng sau đó còn là sự quản lý ở mức độ khác nhau đối với tổ chức tín dụng nội và ngoại của Ngân hàng Nhà nước?
Hải Long (TBKTSG)
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài dần lấn lướt các đồng nghiệp nội địa, đặc biệt trong tăng trưởng lợi nhuận, họ đang để sau lưng một khoảng cách khá xa với các ngân hàng cổ phần.
Năm ngoái, theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.HCM, các ngân hàng nước ngoài trên địa bàn có mức tăng trưởng lợi nhuận tới 168,3% so với năm 2008, với con số tuyệt đối 3.517 tỉ đồng (1.311 tỉ đồng năm 2008).
Trong khi đó tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cổ phần chỉ có 20,3%, từ 4.988 tỉ đồng năm 2008 lên 5.999 tỉ đồng năm 2009.
Các ngân hàng cổ phần hối hả cho vay, hối hả nâng lãi suất huy động để cạnh tranh lẫn nhau và hối hả phát triển tín dụng. So với cuối năm 2008, năm vừa qua tăng trưởng tín dụng của khối cổ phần nhảy lên 59,9%, mức tăng mạnh nhất trong số các ngân hàng. Còn các ngân hàng nước ngoài vẫn “bình chân như vại” trong mảng tín dụng. Họ dường như không quan tâm lắm đến nâng dư nợ cho vay. Kết quả là tăng trưởng tín dụng của họ năm ngoái âm - 0,66%.
Vậy điều gì đã tạo nên sự bứt phá lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài? Ở một ngân hàng nước ngoài lớn, trong cơ cấu lợi nhuận 40% là kinh doanh ngoại hối và trái phiếu; thu phí thanh toán xuất nhập khẩu và các phí khác của khách hàng doanh nghiệp chiếm 20%; cho vay tiêu dùng cá nhân cộng dịch vụ 20%, dịch vụ khác chiếm tỷ trọng còn lại. Ở một số ngân hàng nước ngoài khác, lợi nhuận từ kinh doanh ngoại tệ và ngân quỹ cũng chiếm 40% lợi nhuận.
Rõ ràng, dịch vụ ngoại hối và phí mới là nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng nước ngoài. Khi mà ngân hàng nội địa bị ràng buộc bởi hàng loạt các quy định hành chính liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, không thể lách luật, thì ngân hàng nước ngoài tỏ ra linh hoạt.
Suốt một thời gian dài họ mua bán Đô la Mỹ với doanh nghiệp thông qua một ngoại tệ thứ ba để đạt được tỷ giá mong muốn và khi Ngân hàng Nhà nước cấm nghiệp vụ này, họ vẫn sử dụng ngoại tệ thứ ba thông qua một ngân hàng thứ ba.
Thí dụ doanh nghiệp XYZ muốn mua Đô la Mỹ của họ, thì đầu tiên doanh nghiệp đó phải mua Euro của ngân hàng nội địa XYZ với một tỷ giá thỏa thuận. Họ bán Euro cho ngân hàng XYZ để XYZ bán cho doanh nghiệp. Có Euro rồi, doanh nghiệp bán lại cho họ cũng theo giá thỏa thuận vào ngày hôm sau, làm sao tương ứng với sự chênh lệch của Đô la Mỹ (giữa giá niêm yết của ngân hàng và giá thị trường tự do) mà họ bán cho doanh nghiệp. Trên hợp đồng, giá mua bán Đô la vẫn tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhưng trên thực tế, sau một sự lòng vòng, giá thực mua - bán đã khác nhiều.
Ngoài ra một số ngân hàng nước ngoài áp dụng phí ngoại tệ linh hoạt (flexible fees) khi doanh nghiệp chuyển khoản ra nước ngoài, mở L/C, bảo lãnh… Với các công ty đa quốc gia, việc đưa ra các mức phí càng thuận lợi hơn, nhất là khi các công ty này nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu, triển khai dự án đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên, các công ty của nước nào thì thường giao dịch với ngân hàng của nước ấy mở ở Việt Nam. Chẳng hạn các công ty Hàn Quốc giao dịch với ngân hàng Hàn Quốc, Đài Loan với Đài Loan, Pháp với Pháp, Úc với Úc… Ngân hàng trong nước không thể “bắt chước” cách kinh doanh ấy của ngân hàng nước ngoài vì nếu làm vậy có thể bị thanh tra, kiểm tra liên tục.
Tuân thủ đúng quy định, ngân hàng nội khó tìm lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối. Một khi giá mua bán Đô la Mỹ chuyển khoản và tiền mặt luôn kịch trần và bằng nhau, các ngân hàng cổ phần chỉ còn cách giới thiệu các doanh nghiệp với nhau để tự thương lượng. Hậu quả là doanh thu kinh doanh ngoại tệ năm 2009 của nhiều ngân hàng cổ phần sụt giảm mạnh, có ngân hàng thậm chí lỗ ở mảng này.
Lợi nhuận từ dịch vụ thấp, ngân hàng cổ phần lao vào tín dụng. Cho vay chỉ cung cấp 20% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng nước ngoài, nhưng lại chiếm đến 75-80% lợi nhuận của ngân hàng nội. Sự lệch pha đó dẫn đến sự lệch pha về chất lượng tín dụng của hai khối.
Năm 2009 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng nước ngoài ở Tp.HCM chỉ chiếm 0,63% tổng dư nợ. Tuy nhiên với ngân hàng cổ phần, tỷ lệ này là 1,39%, gấp hơn hai lần tỷ lệ của ngân hàng nước ngoài. Còn so với ngân hàng quốc doanh, nơi nợ xấu chiếm 2,02% tổng dư nợ, thì tỷ lệ nợ xấu của nước ngoài chỉ bằng một phần ba.
Cùng một môi trường kinh doanh như nhau, cùng chịu ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như nhau, vì sao ngân hàng ngoại lãi nhiều, ngân hàng nội lãi ít? Phải chăng sự khác nhau về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấy chỉ thuần túy do ngân hàng nước ngoài nhiều kinh nghiệm, công nghệ cao hay đằng sau đó còn là sự quản lý ở mức độ khác nhau đối với tổ chức tín dụng nội và ngoại của Ngân hàng Nhà nước?
Hải Long (TBKTSG)