18:29 05/10/2011

Ngân hàng Nhà nước: Đủ điều kiện và giải pháp bình ổn tỷ giá

Minh Đức

Trước biến động của tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông điệp và những cơ sở để bình ổn thị trường

Ngân hàng Nhà nước chính thức cho biết sẽ nhanh chóng có giải pháp mạnh để xử lý bất ổn trên thị trường vàng tác động tới tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước chính thức cho biết sẽ nhanh chóng có giải pháp mạnh để xử lý bất ổn trên thị trường vàng tác động tới tỷ giá.
Trước biến động của tỷ giá USD/VND những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra thông điệp và những cơ sở để bình ổn thị trường.

Cuối chiều nay (5/10), Ngân hàng Nhà nước công bố bản phân tích chi tiết các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND, cũng như tiếp tục khẳng định sẽ đảm bảo giữ ổn định, có các điều kiện cần thiết để giữ ổn định từ nay đến cuối năm 2011.

Cũng như những thông tin đưa ra trước đó, cơ sở đầu tiên mà nhà điều hành đề cập là sự thuận lợi từ biến chuyển của cán cân thanh toán tổng thể. Thuận lợi này đã được dự báo trước đó, cũng như ghi nhận trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua.

Theo Ngân hàng Nhà nước, điểm nổi bật trong diễn biến kinh tế đối ngoại là cán cân thanh toán tổng thể chuyển sang thặng dư nhờ cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2011, cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư trên 5 tỷ USD; trong đó mức thặng dư cải thiện qua từng quý, trong đó quý 1/2011 thâm hụt, quý 2 và quý 3 đạt mức thặng dư cao.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và thu hút chuyển tiền kiều hối đều đạt mức tăng ấn tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 146,9 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ 2010; nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 76,9 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2010.

“Đây là những mức tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn và biến động khó lường. Diễn biến cho thấy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều có xu hướng tăng qua từng quý nhưng xuất khẩu luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhập khẩu, nhờ đó, nhập siêu được cải thiện dần”, Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Nhập siêu trong quý 1/2011 ở mức 3,5 tỷ USD, giảm xuống còn 2,94 tỷ USD trong quý 2/2011 và xuống mức rất thấp 403 triệu USD trong quý 3/2011. Tính chung 9 tháng đầu năm 2011, nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu chỉ ở mức 9,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiểm soát nhập siêu 16% đã được Quốc hội thông qua.

Cán cân dịch vụ cũng được hỗ trợ nhờ hoạt động xuất khẩu du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2011, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 4,3 triệu lượt người, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2010. Nhờ đó thu từ xuất khẩu du lịch đạt 2,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và ước đạt trên 4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2011.

Chuyển tiền một chiều của khu vực tư nhân trong 7 tháng đầu năm 2011 có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2010. Trong 7 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã thu hút được 5,6 tỷ USD chuyền tiền một chiều của khu vực tư nhân (bao gồm cả chuyển tiền của người lao động Việt Nam ở nước ngoài và kiều hối), tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Với những yếu tố tích cực nêu trên, cán cân vãng lai đã được cải thiện đáng kể. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân vãng lai chỉ thâm hụt ở mức 748 triệu USD, bằng chưa đến 1/3 mức thâm hụt 2,5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, trong quý 2/2011, cán cân vãng lai đã chuyển sang thặng dư nhẹ 166 triệu USD, mức thặng dư đầu tiên kể từ quý 1/2009. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, cán cân vãng lai thặng dư 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2010 thâm hụt 3,2 tỷ USD).

Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 7 tháng đầu năm 2011, vốn FDI thực hiện của phía nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD. Nếu trừ đi 530 triệu vốn FDI của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, lượng vốn FDI vào ròng trong 7 tháng đầu năm 2011 đạt 4,17 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2011, FDI ước tính đạt 6,1 tỷ USD, tương đương mức cùng kỳ năm 2010.

Về vốn đầu tư gián tiếp (FII), mặc dù thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng trên thị trường chứng khoán và tăng cường góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp chưa niêm yết. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, vốn đầu gián tiếp vào Việt Nam ước đạt 700 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010 và trong 9 tháng đầu năm 2011, ước đạt 1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2010 (9 tháng đầu năm 2010, nếu không tính việc phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ trên thị trường quốc tế, vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đạt 940 triệu USD).

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tích cực rút tiền gửi ngoại tệ ở nước ngoài và huy động vốn trên thị trường quốc tế để đáp ứng nhu cầu mở rộng tín dụng ngoại tệ trong nước trong 7 tháng đầu năm 2011, trở thành nguyên nhân quan trọng góp phần cải thiện cán cân vốn và tài chính. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2011 cán cân vốn và tài chính thặng dư 9,8 tỷ USD, tăng hơn gấp 2 lần mức thặng dư 4,57 tỷ USD của cùng kỳ năm 2010.

Bên cạnh cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, chu chuyển vốn ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng diễn ra theo chiều hướng tích cực, đảm bảo an toàn thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và góp phần ổn định lãi suất, ngoại tệ, tỷ giá USD/VND. Mặc dù nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng từ thị trường quốc tế trong tháng 9/2011 giảm đáng kể do các khoản vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế đến hạn trả nợ (tính đến ngày 29/9/2011 giảm 745 triệu USD, tương đương 7,52% so với cuối tháng 8/2011), nhưng luồng vốn ngoại tệ chuyển vào hệ thống ngân hàng qua kênh huy động vốn ngoại tệ từ nền kinh tế và thu hồi các khoản cho vay ngoại tệ đến hạn đã đảm bảo chi trả đầy đủ các khoản nợ ngoại tệ đến hạn của hệ thống ngân hàng.

Tính đến ngày 29/9/2011, huy động vốn ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng từ nền kinh tế tăng 0,07% (tương đương 17 triệu USD) so với cuối tháng 8/2011. Dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ (thu nợ ngoại tệ) giảm 792 triệu USD, tương đương 2,71% so với cuối tháng 8/2011. Như vậy, trong tháng 9/2011, phần thu ngoại tệ (809 triệu USD) vẫn lớn hơn phần chi ngoại tệ trả nợ (745 triệu USD) của hệ thống ngân hàng là 64 triệu USD.

Mặt khác, tiền gửi ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước tăng cao trong tháng 9/2011 cho thấy thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tiếp tục được đảm bảo. Tính đến ngày 29/9/2011, tiền gửi ngoại tệ của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước tăng 45,1% so với cuối tháng 8/2011, tương đương với mức tăng thêm 586 triệu USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối được củng cố và thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng được đảm bảo trong những tháng vừa qua là cơ sở quan trọng để ổn định tỷ giá USD/VND và lãi suất ngoại tệ trên thị trường trong nước trong những tháng còn lại của năm 2011.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong thời gian gần đây, giá vàng thế giới biến động rất mạnh và bất thường cộng với tập quán mua vàng vào của người dân vào quý 4 và tâm lý nhận định giá vàng thế giới tiếp tục lên đã thúc đẩy hoạt động đầu cơ, buôn bán vàng trong nước tăng mạnh, từ đó gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.

Để đối phó với nhu cầu mua vàng gia tăng đột biến trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước tiết lộ là sẽ có ngay các biện pháp đủ mạnh để ổn định giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng thế giới, chống đầu cơ, buôn lậu vàng qua biên giới ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường ngoại hối, tỷ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường, giải quyết đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cần thiết của nền kinh tế, đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm với mức biến động không quá 1%.

“Tình hình trên cho thấy có đầy đủ cơ sở thực tiễn đảm bảo thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định trong những tháng còn lại của năm 2011, tạo điều kiện để cải thiện tốt hơn trong năm 2012”, Ngân hàng Nhà nước dự tính.