22:29 23/12/2014

Ngân hàng Nhà nước “muốn” cho vay nhiều hơn

Hoàng Vũ

Nguồn vốn cho vay dự kiến sẽ đẩy ra nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì buổi họp báo cuối năm.<br>
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chủ trì buổi họp báo cuối năm.<br>
Chiều 23/12, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2014 và định hướng năm 2015.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cập nhật: tính đến ngày 19/12/2014, tín dụng đã tăng 11,8% so với cuối năm 2013; dự kiến đến hết năm nay sẽ tăng trưởng trên 12%.

Mặc dù tăng trưởng âm đầu năm và chật vật kéo dài, nhưng năm nay tín dụng vẫn hoàn thành chỉ tiêu định hướng Ngân hàng Nhà nước xác định đầu năm, tăng trưởng từ 12% - 14%.

Với kết quả trên, nhà điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục định hướng sẽ giữ nhịp độ tín dụng ở mức cao hơn một chút trong năm 2015. Bà Hồng cho biết, năm tới dự kiến mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ ở khoảng 13% - 15%.

Mức định hướng trên là cao hơn năm nay, cũng như cao hơn hẳn diễn biến những năm gần đây, kể từ sau năm 2010. Theo vị lãnh đạo trên, sở dĩ tăng trưởng tín dụng năm tới định hướng cao hơn là nhằm hỗ trợ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đã thông qua, cao hơn với 6,2% trong năm 2015.

Ngoài những thông tin trên, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, tính đến 19/12/2014, tổng phương tiện thanh toán đã tăng 15,65% so với cuối năm 2013, phù hợp với chỉ tiêu định hướng 14-16% đề ra từ đầu năm.

Tổng phương tiện thanh toán tăng khá cao một phần lớn do hoạt động mua vào ngoại tệ với lượng lớn trong năm nay để gia tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Lượng tiền cung ứng theo đó là khá lớn, ước tính có thể lên tới trên dưới 120 nghìn tỷ đồng.

Trong năm 2014, dù lãi suất cho vay và huy động đều giảm trên dưới 2%/năm so với cuối năm 2013, nhưng huy động vốn vẫn tăng trưởng cao. Tính đến 19/12/2014, huy động vốn đã tăng 15,15%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng khá cao 16,31% so với cuối năm 2013.

Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp - cũng theo thông cáo của Ngân hàng Nhà nước.

Trong tăng trưởng huy động, tốc độ gia tăng tiền gửi VND một lần nữa cho thấy giá trị của đồng nội tệ vẫn được đảm bảo trong năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát ở mức rất thấp (dự kiến năm nay chỉ ở khoảng quanh 2%).

Cùng đó, tỷ giá USD/VND ổn định, biến động trong phạm vi rất hẹp, khiến USD đã bớt hấp dẫn trong dân cư. Tình trạng đô la hóa theo đó tiếp tục giảm; tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013.

Về chi phí vay vốn nói chung, mặc dù lãi suất huy động VND đã giảm rất sâu và ổn định ở những mức rất thấp trong hai năm qua, nhưng đến nay vẫn còn một tỷ trọng đáng kể các khoản vay chịu lãi suất cao.

Cụ thể, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm hiện vẫn chiếm khoảng 3,9% tổng dư nợ cho vay VND, dù đã giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm vẫn chiếm 10,65%, dù đã giảm khá mạnh so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.