Ngân hàng Nhà nước ra mắt thêm 2 chi nhánh Khu vực, tập trung đẩy mạnh tín dụng cho nền kinh tế
Trong 2 ngày 3 và 4/4, tại Hà Tĩnh và Thanh Hoá, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ra mắt thêm 2 khu vực 8 và 7, nhằm ổn định bộ máy tổ chức theo Nghị quyết 18-NQ/TW, qua đó tập trung các giải pháp đẩy mạnh tín dụng, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay...

Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành sớm nhất trong khối bộ ngành về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy rút gọn từ 63 tỉnh thành còn 15 chi nhánh khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng xuyên suốt và liên tục.
"VỪA CHẠY VỪA XẾP HÀNG"
Trong đó, Khu vực 7 gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; trụ sở NHNN Khu vực đặt tại Thanh Hóa; Khu vực 8 gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, trụ sở đặt tại Hà Tĩnh.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8, cả 3 tỉnh này đều có thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, cảng biển nước sâu, nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản.
Thời gian qua, ngành ngân hàng Khu vực 8 đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đã đạt kết quả khá tích cực. Đến cuối tháng 2/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 8 đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,5% so với cuối năm 2024, đã tính cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, một mặt Ngân hàng Nhà nước vừa ổn định tổ chức, bộ máy; mặt khác, tập trung vận hành ngay bộ máy để không làm gián đoạn việc kết nối cung cầu tín dụng trên cả nước.
Một báo cáo khác của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cho biết, đến cuối tháng 3/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại đây ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc.
Xác định 7 tỉnh nói trên là khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, một mặt Ngân hàng Nhà nước vừa ổn định tổ chức, bộ máy; mặt khác, tập trung vận hành ngay bộ máy để không làm gián đoạn việc kết nối cung cầu tín dụng trên cả nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo hệ thống đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp Chỉ thị số 01, 02 và các văn bản chỉ đạo khác. Cùng đó, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn duy trì ổn định lãi suất tiền gửi và triển khai quyết liệt các biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; nghiêm túc thực hiện việc công bố thông tin về lãi suất cho vay, chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất (nếu có) đến với khách hàng.
Ngoài ra, nhà điều hành cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát theo chức năng nhiệm vụ; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp phối hợp với ngành ngân hàng triển khai tốt các chính sách, chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các Sở, ban, ngành nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.
TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG GẮN VỚI CHẤT LƯỢNG KHOẢN VAY
Tại hai hội nghị ở hai khu vực nói trên, các doanh nghiệp đề xuất một số ý kiến, tập trung vào các nhóm sau.
Thứ nhất, tạo thuận lợi tiếp cận vốn và lãi suất ưu đãi cho nhóm khách hàng là nông dân trong chuỗi của các doanh nghiệp lớn (hộ trồng mía cung cấp cho Nhà máy đường Lam Sơn). Hiện tại, nhóm khách hàng này gặp khó khăn vay vốn do tài sản đảm bảo không phù hợp với quy mô món vay, do đó ngân hàng cần mở rộng hình thức thế chấp bằng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và nhà máy.
Thứ hai, có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ sản xuất, điều chỉnh lịch trả nợ linh hoạt để phù hợp với dòng tiền thực tế của doanh nghiệp và nông dân.
Thứ ba, cần tăng cường các chương trình tín dụng đặc thù, mang tính dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào cơ giới hóa, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, chế biến sâu, đầu tư cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất.
Thứ tư, tiếp tục nâng cao sử dụng công nghệ số trong hồ sơ tín dụng, áp dụng công nghệ mã hoá dữ liệu nhằm vừa giảm thiểu chi phí giao dịch, vừa minh bạch thông tin.
Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, hầu hết mọi nhu cầu vay hội tụ đủ điều kiện của doanh nghiệp và người dân trong thời gian qua đều được đáp ứng một cách đầy đủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khách hàng năng lực tài chính yếu, sổ sách kế toán thiếu minh bạch, phương án kinh doanh không rõ ràng…; đối với những khách hàng này, các ngân hàng cử cán bộ hướng dẫn làm thủ tục, hoàn thiện hồ sơ và lên phương án kinh doanh và giải ngân theo đúng khả năng hấp thụ vốn của từng dự án/phương án khả thi.
Theo ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tối thiểu 8%, đòi hòi toàn ngành ngân hàng phải nỗ lực ở mức cao nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế năm nay đối diện không ít thách thức đến từ những biến cố khó lường, chẳng hạn như chính sách thuế đối ứng mà Mỹ vừa công bố ngày 3/4.
Để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 8% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
(Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Ông Dũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo hệ thống chi nhánh các khu vực và các tổ chức tín dụng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước tại địa phương về các giải pháp tiền tệ, tín dụng ngân hàng; đặc biệt là Chỉ thị 01 và 02 năm 2025 của Thống đốc
Hai là, Ngân hàng Nhà nước đôn đốc các tổ chức tín dụng sớm hoàn thành việc phân bổ chỉ tiêu kinh doanh để chi nhánh chủ động triển khai các biện pháp huy động và tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch.
Ba là, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đặc biệt, các đơn vị cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; tiếp tục công bố thông tin về lãi suất cho vay, các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân…