13:44 24/12/2017

Ngân hàng và lựa chọn của "dân tay ngang" Đỗ Minh Phú

Minh Đức

Chủ tịch TPBank cảnh báo cán bộ nhân viên về trật tự hệ thống ngân hàng có thể thay đổi

Ông Đỗ Minh Phú đã lựa chọn ở lại làm Chủ tịch TPBank và sẽ từ nhiệm tại DOJI, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng mà Quốc hội vừa thông qua.
Ông Đỗ Minh Phú đã lựa chọn ở lại làm Chủ tịch TPBank và sẽ từ nhiệm tại DOJI, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng mà Quốc hội vừa thông qua.

Ngày 23/12, lần đầu tiên ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng Tiên Phong (TPBank), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn DOJI có buổi tọa đàm với cán bộ nhân viên hai hệ thống.

Theo cách nói dân dã khi trả lời nhân viên, ông Phú tự nhận mình là "dân tay ngang" với lĩnh vực ngân hàng, và tự hào đã trở thành một "banker", tham gia tái cơ cấu thành công TPBank 5 năm qua.

Ngân hàng đã rảnh tay

Lần đầu tiên ông Đỗ Minh Phú xuất hiện một mình tọa đàm và đối thoại với toàn thể nhân viên TPBank và DOJI (qua các đầu cầu trực tuyến), sau các sự kiện đáng chú ý gần đây.

Sau 5 năm tái cơ cấu, TPBank đã khôi phục toàn bộ lỗ lũy kế, 9 tháng đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm và dự kiến vượt xa với 1.200 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng vừa thực hiện thương vụ bán gần 5% vốn cho đối tác nước ngoài, với giá lên tới gần 30.000 đồng/cổ phiếu. Kế hoạch niêm yết cổ phiếu chính thức dự tính trong quý 2/2018.

Với diễn biến trên, TPBank trở thành một điển hình trong sự hồi phục của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, sau giai đoạn khó khăn 2011 - 2015 (với cao điểm 9 ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu bắt buộc, trong đó có TPBank).

Trả lời nhân viên, ông Phú cho rằng, giai đoạn trên, những vấn đề, tồn tại của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được bộc lộ; cơ quan quản lý tăng cường giám sát, xử lý, cùng những nỗ lực xử lý tự thân.

Trong đà phục hồi chung hiện nay, Chủ tịch TPBank nhấn mạnh đến môi trường và điều kiện cần thiết để các ngân hàng thương mại thúc đẩy hoạt động, lành mạnh và hiệu quả hơn.

"Đến nay kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt trong năm 2016 và 2017 để ổn định lãi suất và tỷ giá. Ngân hàng thương mại đã rảnh tay, không phải lo lắng về vấn đề tỷ giá, hay lo lách trần lãi suất như trước đây, rảnh tay để tập trung làm việc hiệu quả hơn", ông Phú nói.

Với TPBank, ngoài kết quả trên, ông Phú nhấn mạnh đến chiến lược trở thành ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam trong 5 năm tới, nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0; cạnh tranh ở đây không có người đến sau mà cơ hội mở rộng cho tất cả.

Dẫn lại thứ hạng vừa được tạp chí The Banker đánh giá cao vừa qua, nhưng Chủ tịch TPBank cảnh báo nhân viên không chủ quan trong thúc đẩy thứ hạng ngân hàng mình những năm tới, bởi trật tự hệ thống sẽ tiếp tục thay đổi quyết liệt.

Ông Phú tiên lượng, và dùng hình ảnh để nói, hiện nay một số ngân hàng thương mại lớn đang khó khăn, nhưng có thể họ sẽ "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" để đòi lại thứ hạng từng có.

"Không để cảm xúc xen vào"

Là "sếp", nhưng trong cuộc tọa đàm, ông Phú chia sẻ với cán bộ nhân viên cả những kinh nghiệm, góc nhìn của một nhà đầu tư đơn thuần.

Năm tới, nhà đầu tư này đánh giá cao tiềm năng ở lĩnh vực bất động sản. Theo ông, thị trường bất động sản đã khởi sắc, nhưng quan trọng hơn là đã có trật tự và minh bạch, cũng như có nhiều hơn những sản phẩm chất lượng.

Trong khi đó, dù không nhiều biến động và sôi động như giai đoạn trước, Chủ tịch tập đoàn DOJI cho rằng thị trường và hoạt động đầu tư vàng miếng vẫn có đời sống riêng của nó. Người dân Việt Nam vẫn có tâm lý "yêu" vàng, ở giá trị tích trữ tài sản và thuận lợi trong giao dịch, bảo quản…

Tuy nhiên, ông chủ của doanh nghiệp kinh doanh vàng hàng đầu trên thị trường hiện nay cho biết, kinh doanh vàng miếng có biên lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 0,1%, trong khi vàng nữ trang cho biên lợi nhuận tối thiểu lên tới 10-15%. Theo đó, DOJI đã sớm dịch chuyển, đặt trọng tâm ở ngạch cho biên lợi nhuận cao hơn này.

Ngoài kênh gửi tiết kiệm, ông Đỗ Minh Phú nhìn nhận đầu tư ở các kênh khác như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều phải lường định những rủi ro. Dẫn lại những biến động lớn trong quá khứ, cũng như áp lực trong lệch múi giờ giữa Việt Nam với thị trường quốc tế, Chủ tịch DOJI đưa ra lời khuyên cho nhân viên mình rằng: đừng bao giờ mua hết số tiền mình có, cũng như đừng bao giờ bán hết số vàng mình có.

Và với hoạt động đầu tư, ông Phú nhấn mạnh nguyên tắc: không để cảm xúc xen vào quyết định của mình.

Đúc kết và nguyên tắc là vậy, song trên thực tế nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm này cho rằng không hẳn ai cũng tuân thủ được.

Đánh đổi và lựa chọn

Trở lại với hoạt động ngân hàng, ông Phú cho biết điều đến nay ông tự hào là xuất phát từ một người "tay ngang", trở thành một "banker" và tham gia tái cơ cấu thành công TPBank 5 năm qua, với những đánh đổi.

Đó là quãng 5 năm mà ông nói không có đêm nào lên giường trước 12h đêm, bởi những lo nghĩ, tính toán xử lý công việc suốt quá trình tái cơ cấu. Và trong 5 năm đó, lần đầu tiên ông đã phải vào viện điều trị dạ dày.

"Nếu tôi có ước mơ, được thành lập một ngân hàng mới ngay từ đầu, thì chắc chắn nó sẽ đi nhanh hơn TPBank, vì không phải tái cơ cấu", ông Phú trả lời một câu hỏi của nhân viên.

Và trước sự quan tâm của cả hai hệ thống TPBank và DOJI, Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua, tới đây sẽ không được kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo cao cấp hai bên như hiện nay, ông Phú cho biết đã quyết định lựa chọn: ở lại tiếp tục đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank.

"Ở DOJI, chúng tôi đã có những thế hệ kế cận có thể đảm đương việc đó. Thách thức còn, khó khăn còn nhưng những người cộng sự đã làm với tôi cả thời gian qua ở DOJI có thể làm được", ông Phú nói, cũng như cho rằng hành trình tới đây TPBank sẽ cần ông hơn.

Mặt khác, sau 5 năm đánh đổi và vượt qua nhiều thử thách, ông Đỗ Minh Phú cho biết ở TPBank ông vẫn còn nhiều việc để làm, và tái cơ cấu thành công mới chỉ là một sự khởi đầu mới.