10:05 11/12/2008

Ngành công nghệ gặp khó

Cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng khắp toàn cầu và các công ty công nghệ cũng không thể tránh được làn sóng chao đảo này

Cả Sun Microsystems... và Nortel đều gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua và có thể sẽ nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ.
Cả Sun Microsystems... và Nortel đều gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua và có thể sẽ nhờ đến sự trợ giúp của chính phủ.
Cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng khắp toàn cầu và các công ty công nghệ cũng không thể tránh được làn sóng chao đảo này.  

Tình hình bắt đầu xấu hẳn đi kể từ tháng 10i đến nay. Tin tức về các vụ sa thải nhân viên hàng loạt diễn ra khắp các công ty công nghệ hàng đầu, như vụ Sun Microsystems phải cắt giảm 18% nhân lực, tức khoảng 6.000 người, cứ tiếp tục được loan đi.

Các công ty báo cáo sự sụt giảm chưa từng thấy trong đơn hàng, từ cả khối doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng cá nhân. Nhiều giám đốc so sánh tình hình hiện nay với sự sụp đổ bong bóng dot.com năm 2000 khi hàng trăm công ty biến mất và Thung lũng Silicon mất hết một phần năm nhân lực.  

Khó khăn không chừa ai  

Trên bình diện toàn cầu, khối doanh nghiệp và chính phủ chi tiêu chừng 1.750 tỷ USD Mỹ cho hàng công nghệ mỗi năm. Nhưng rõ ràng tầm quan trọng của ngành này còn cao hơn con số đó vì công nghệ thúc đẩy năng suất và đầu tư vào công nghệ là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang phát triển. Nay khủng hoảng tài chính làm mọi công ty phải cắt giảm chi phí, nạn nhân đầu tiên là các công ty công nghệ.  

Trước đây, ngành công nghệ vượt qua khó khăn một phần nhờ sự chi tiêu của người tiêu dùng cá nhân cho máy chơi trò chơi điện tử, điện thoại di động, xu hướng thay máy tính để bàn bằng máy tính xách tay và đặc biệt là sự bùng nổ ti-vi LCD… Nay khó khăn của khối doanh nghiệp đang lan ra với người tiêu dùng cá nhân. Trong tình hình địa ốc suy thoái, tín dụng thắt chặt, không ai muốn mua sắm những món chưa thật sự cần thiết.  

Hãng bán lẻ hàng điện tử Best Buy cho biết sự thay đổi nhanh chóng và đầy bất ngờ trong thói quen tiêu dùng của mọi người đang đẩy họ vào tình trạng khó khăn nhất trong lịch sử 42 năm tồn tại của họ.

Hãng đối thủ của họ là Circuit City đã nộp đơn xin phá sản. Nokia vừa đưa ra dự báo doanh số máy điện thoại di động sẽ sụt giảm trong năm 2009, là lần sụt giảm thứ nhì từ xưa đến nay.

Intel và Cisco Systems cho biết doanh thu đang giảm ở mức chỉ thấy trong lần khủng hoảng dot.com. Doanh số bán hàng của Cisco giảm 9% trong tháng Mười so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo cả quý sẽ giảm chừng 10%, trong khi mới cách đó chưa lâu, Wall Street dự báo doanh thu của hãng này sẽ tăng 7%. Riêng Intel báo động mức sụt giảm doanh số quý 4 năm nay sẽ có thể đến mức 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng máy tính Dell cũng tìm mọi cách để cắt giảm chi phí : ngày 3-11, Tổng giám đốc Michael Dell viết thư nội bộ khuyên nhân viên nên xin nghỉ phép không lương, và cho biết Dell sẽ giảm số lượng các hãng bên ngoài mà Dell đang ký hợp đồng gia công nhiều công đoạn.  

Ngay cả Google, nơi các nhà phân tích tin sẽ tránh được khủng hoảng, cũng không phải là ngoại lệ. Mới cách đây chừng hai tháng, Google thông báo kết quả tài chính khả quan cho quý chấm dứt vào ngày 30-9-2008, giá cổ phiếu lập tức tăng 10%. Nhưng nay giá Google lại sụt 16% so với thời điểm đó, xuống dưới mức 300 USD mỗi cổ phiếu so với mức đỉnh cao là 742 USD. Google từng nổi tiếng với mức chi cho nhân viên hậu hĩnh nay cũng phải bắt đầu thắt lưng buộc bụng.  

Tuy nhiên, nếu so với các ngành khác, như ngành ngân hàng, thì tình hình tài chính của các hãng công nghệ vẫn còn lành mạnh. Tiền mặt của Cisco gần 27 tỷ USD ; Google – 14 tỷ USD ; Apple – 24 tỷ USD. Có thể những công ty có tiềm lực tài chính mạnh nhân dịp này sẽ bỏ tiền ra mua các đối thủ với giá rẻ để củng cố vị thế.  

Những dự báo không mấy sáng sủa  

Trong khi đó, hãng nghiên cứu thị trường IDC cắt giảm mạnh mức dự báo chi tiêu cho công nghệ thông tin (công nghệ thông tin) trong năm 2009. Ở thị trường Mỹ, mức này chỉ tăng 0,9% ; phần còn lại của thế giới tăng trưởng khá hơn nhưng cũng chỉ 3%. Tính chung toàn cầu mức chi tiêu cho công nghệ thông tin chỉ tăng 2,6% so với tốc độ tăng trưởng hai con số của nhiều năm trước đó. Nên nhớ, dự báo của IDC đưa ra trước đây vào tháng Tám là 5,9%.  

Theo IDC, sự sụt giảm chi tiêu cho công nghệ thông tin sẽ rõ nhất ở Mỹ, Nhật và Tây Âu – cả ba thị trường này sẽ tăng chưa đến 1% trong năm 2009.  

Dù sao, theo IDC, thị trường công nghệ thông tin vẫn còn tăng trưởng, dù rất thấp, vì doanh nghiệp ngày nay không thể hoạt động nếu không đầu tư cho công nghệ thông tin. IDC cũng cho rằng không thể trông chờ ngành này phục hồi ở mức 6% – một mức tăng trưởng bền vững cho đến năm 2012, và trong ba năm tới ngành công nghệ thông tin sẽ mất đi 300 tỷ USD doanh thu do cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.  

IDC không phải là hãng duy nhất đưa ra những dự báo kém lạc quan như thế. Vào tháng Chín, các hãng Gartner và Forrester Research đều đưa ra các báo cáo cho rằng mức tăng trưởng của ngành công nghệ chỉ còn 2% trong năm tới. Trước đó, khi xảy ra vụ sụp đổ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, Gartner vẫn còn dự báo mức tăng khá hơn - 3,3%.    

Số phận của năm “ông lớn”  

Tờ Network World còn nói cụ thể hơn khi nêu tên năm hãng lớn có thể cần nhờ đến sự cứu giúp của chính phủ, gồm Sun, Nortel, Motorola, Yahoo! và Sprint.  

Yahoo! thì vừa để cho Tổng giám đốc Jerry Yang ra đi. Còn nhớ hồi tháng Hai, ông này còn tự tin bác bỏ lời chào mua Yahoo! của Microsoft với giá 44,6 tỷ USD và đòi nâng lên 56 tỷ USD mới chịu bán, tức vào khoảng 40 USD mỗi cổ phiếu. Chín tháng sau, giá cổ phiếu của Yahoo! chỉ còn chưa đầy 10 USD, không những không bán được cho Microsoft mà dự tính liên kết với Google cũng không thành.

Nay Yahoo! tuyên bố sẽ sa thải ít nhất 10% lực lượng nhân viên toàn cầu, doanh thu quý 3 năm nay chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lãi quý 3 còn lại 54 triệu USD, bằng một phần ba mức lãi của quý 3 năm ngoái.  

Sun Microsystems, như đã nói ở đầu bài, sẽ cắt giảm 18% số nhân viên, quý 1 lỗ 1,7 tỷ USD so với mức lãi 89 triệu USD trong quý 1/2007. Giá cổ phiếu của Sun sụt trên 80% trong năm qua, còn 16,5 USD/cổ phiếu. Sun cho rằng sự sụp đổ của nhiều hãng Wall Street trong ba tháng qua là nguyên nhân khiến họ mất nhiều khách hàng lớn. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng doanh thu của Sun đã không đạt mức kỳ vọng liên tiếp trong ba quý vì đang gặp khó khăn cho bộ phận kinh doanh máy chủ. Người ta đồn đoán có thể HP hay Fujitsu sẽ nhăm nhe chuyện mua lại Sun.  

Motorola cũng vừa công bố mức lỗ 397 triệu USD trong quý 3 năm nay. Bộ phận sản xuất điện thoại di động lỗ nhiều hơn, đến 840 triệu USD, cao gấp ba lần mức lỗ 248 triệu USD của quý 3-2007. Hãng này cũng tuyên bố sẽ cắt giảm thêm 3.000 chỗ làm, chủ yếu từ bộ phận điện thoại di động. Năm rồi, cổ phiếu Motorola giảm 75%, hiện chỉ còn 4 USD/cổ phiếu.

Hai năm trước Motorola thành công lớn nhờ dòng máy Razr nhưng nay bị tụt hậu nặng nề so với các thiết bị 3G như iPhone của Apple, Instinct của Samsung, BlackBerry Storm của RIM và G1 của HTC. Chiến lược của Motorola hiện nay là tập trung vào dòng máy chạy trên hệ điều hành Android của Google, bỏ bớt các dòng máy chạy hệ điều hành Symbian hay Motorola OS.  

Nortel, một tên tuổi lớn của Canada cũng gặp nhiều khó khăn không kém khi công bố mức lỗ 3,4 tỷ USD trong quý 3. Cùng kỳ năm ngoái, hãng này còn lãi được 27 triệu USD. Cổ phiếu Nortel sụt trên 95%, giá xuống dưới mức 1 USD/cổ phiếu.  

Sprint lỗ thêm 326 triệu USD trong quý 3, kéo mức lỗ trong ba quý đầu năm nay lên đến 1,2 tỷ USD. Tính từ quý 3-2007, Sprint, hãng cung cấp dịch vụ điện thoại lớn thứ ba ở Mỹ, mất tổng cộng 3,5 triệu khách hàng ; giá cổ phiếu sụt 86%, đứng ở mức 2 USD/cổ phiếu.  

Vẫn còn chút hy vọng  

Bất chấp tình hình đang khó khăn gay gắt, vẫn có nhiều dự báo cho rằng ngành công nghệ sẽ là ngành sớm phục hồi nhất và sẽ tăng trưởng bình thường trở lại trong vòng 18 tháng. Những lý do mà các nhà phân tích tương đối lạc quan này đưa ra trước tiên cũng dựa vào dự báo của IDC và Gartner rằng, dù khó khăn, ngành công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng dương.  

Nhiều người cho rằng dù thắt chặt chi tiêu, người ta vẫn không thể từ bỏ chiếc điện thoại di động, không thể không mua máy mới để thay thế nếu máy cũ bị hỏng. Cuộc sống của người tiêu dùng hiện đại đã bị gắn quá chặt với công nghệ nên không dễ gì họ từ bỏ thói quen vào mạng Internet hằng ngày nên vẫn phải cần đến những thiết bị công nghệ thông tin cơ bản.  

Thứ nữa, xu hướng dùng máy tính xách tay thay cho máy để bàn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu chững lại. Loại máy netbook với giá dưới 500 USD vẫn bán chạy. IDC cho biết lần đầu tiên doanh số máy tính xách tay vượt qua máy tính để bàn trong quý 3-2008 với tỷ lệ 55% so với 45%. Riêng Apple chứng kiến mức tăng doanh số máy Mac đến 32%, chủ yếu nhờ dòng máy xách tay.  

Với các hãng viễn thông như AT&T hay Verizon, tình hình tài chính lành mạnh hơn thời kỳ sụp đổ bong bóng dot.com nên họ vẫn có thể triển khai các dự án 3G đầy tham vọng. Đến lượt mình, hạ tầng 3G sẽ thúc đẩy doanh số các thiết bị hay dịch vụ 3G một khi nó bắt đầu phổ biến. Thành công của iPhone là một ví dụ điển hình.  

Một lý do nữa cho xu hướng dự báo lạc quan dài hạn là nhu cầu lưu trữ thông tin của doanh nghiệp ngày càng tăng bất kể khó khăn về tài chính. Chẳng hạn, hãng EMC chuyên về phần cứng và phần mềm lưu trữ cho biết doanh thu quý 3 năm nay vẫn tăng 13% và khác với các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác, EMC vẫn dự báo doanh thu tiếp tục tăng trong quý 4.

Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau cũng là động lực thúc đẩy sự đầu tư vào công nghệ thông tin vì đây chính là nơi phát huy lợi thế cạnh tranh rõ nét nhất. Những thị trường mới nổi như Trung Mỹ, Trung Âu, Đông Âu, Trung Đông tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin, hy vọng bù đắp phần nào mức sụt giảm ở thị trường Mỹ, Nhật và Tây Âu. Đồng USD mạnh lên cũng là yếu tố thúc đẩy doanh thu bên ngoài nước Mỹ dù doanh số tính bằng USD có thể thấp hơn trước.

Vân Cầm (TBVTSG)