12:03 13/12/2023

Ngành điện, điện tử: “Nam châm” hút doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam

Thủy Diệu

Hai lĩnh vực điện và điện tử tại Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư hợp tác. Các lĩnh vực này có thể ví như những “thỏi nam châm” có sức hút các nhà đầu tư từ đất nước tỷ dân Ấn Độ đến với Việt Nam...

Sự kiện gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển trong lĩnh vực điện, điện tử, do Công ty Invest Global phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức trong tuần qua, đã thu hút sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và đoàn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử Ấn Độ (IEEMA).

NGÀNH ĐIỆN TỬ NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN

Theo ông Nguyễn Nội, Phó Tổng giám đốc Invest Global, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực điện tử Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng phát triển nhờ hàng loạt lợi thế như: nguồn nhân lực có tay nghề khéo; chính sách thu hút đầu tư ưu đãi và nhất quán; hạ tầng cơ sở không ngừng được cải thiện; vị trí thuận tiện cho giao thương quốc tế; thị trường nội địa gần 100 triệu dân và thị trường xuất khẩu 600 triệu dân ASEAN cùng thị trường rộng lớn các nước mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA)... Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm điện tử và điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ thương mại, đầu tư rất rộng mở và đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA)… Các hiệp định này đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử tại Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế xuất khẩu, hầu hết ở mức 0%, khi xuất khẩu sang thị trường các nước có ký kết FTA với Việt Nam như: EU, Hoa Kỳ, ASEAN...

 
Ông Nguyễn Nội, Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Nội, Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài.

 Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ gần đây tăng trưởng nhanh, năm 2022 kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD, tăng 13,6% so năm 2021. Thương mại hai nước đang hướng tới mốc 20 tỷ USD/năm. Tuy vậy, những con số về thương mại và đặc biệt là đầu tư nêu trên còn rất khiêm tốn, và đó cũng chính là tiềm năng và dư địa để phát triển thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Nội, hầu hết các tập đoàn điện tử lớn của thế giới như Intel (Mỹ), Samsung, LG (Hàn Quốc), Foxconn (Đài Loan), Sharp, Canon (Nhật Bản) đều đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và đều có các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam, trong đó có dự án vốn đầu tư tới hàng chục tỷ USD. Các dự án này đều rất thành công, có lợi nhuận cao, đóng góp lớn cho kinh tế và xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ riêng xuất khẩu của Samsung đã chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có bảy mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thì trong đó có hai mặt hàng là máy tính và linh kiện đạt 48,9 tỷ USD; sản phẩm điện thoại và linh kiện đạt 46,2 tỷ USD.

Về tiềm năng và cơ hội của ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm qua, lĩnh vực điện tử luôn chiếm tỷ trọng lớn. Với mảng xuất khẩu điện thoại và linh phụ kiện, thị trường xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ, trong khi đó thị trường Ấn Độ chỉ chiếm 1,97%, còn với máy tính và linh phụ kiện Ấn Độ chiếm 3,52%.

Đối với nhập khẩu điện thoại và linh kiện, Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, trong khi Ấn Độ chỉ chiếm 0% và 0,06% với máy tính và linh phụ kiện máy tính.

“Điều này cho thấy cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa Ấn Độ và Việt Nam còn rất nhiều, trong đó riêng trong lĩnh vực điện tử doanh nghiệp hai nước có thể và cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa”, bà Hương nhấn mạnh.
Dẫn thông tin trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (tháng 12/2021), đại diện VAFIE cho biết, Chủ tịch Quốc hội đã mời gọi khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử.

Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới trong tương lai.

CƠ HỘI TỪ QUY HOẠCH ĐIỆN VIII

Theo ông Vũ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách, Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua khá cao (có năm trên 8%) đã thúc đẩy sự phát triển của ngành điện, vì tăng trưởng kinh tế phải song hành với tăng trưởng điện để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thông tin cụ thể tiềm năng về ngành điện, ông Vũ Quang Hùng cho biết: trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 điện thương phẩm đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% đến 9,36%.

Đối với phương án phát triển điện lực, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 121.757-145.989 MW (không bao gồm điện mặt trời mái nhà, nguồn cấp phụ tải riêng và đồng phát), trong đó: thủy điện 27.353-28.946 MW (tỷ lệ 19,8-22,5%); nhiệt điện than 30.127-36.327 MW (20,6-29,8%); nhiệt điện khí trong nước và điện khí thiên nhiên hóa lỏng 30.330-39.430 MW (24,9-27%); năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) 21.871-39.486 MW (18-27%); nhập khẩu điện 4.076-5.000 MW (3,3-3,4%).

Đồng thời tập trung đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây, cụ thể: điện gió trên bờ tăng từ 16.000 MW (11%) vào năm 2030 tới 56.000 MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000 MW (4,8%) vào năm 2030 lên tới 64.500 MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên tới 76.000 MW (19,6%) vào năm 2045.

Ông Hùng cho biết: tỷ trọng điện năng của các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) trong tổng điện năng sản xuất đạt 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045, giúp tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Các nhà máy nhiệt điện than dự kiến đốt kèm nhiên liệu sinh khối hoặc amoniac sau 20 năm vận hành với tỷ lệ đốt kèm bắt đầu từ 20%, tăng dần lên 100%. Định hướng tới năm 2050 sẽ không còn nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong hệ thống điện.

Các nhà máy điện khí dự kiến đốt kèm hydro từ sau năm 2030, bắt đầu từ tỷ lệ 20%, tăng dần lên 100%. Trong tương lai, nếu công nghệ được hoàn thiện, giá thành hydro giảm thì sẽ xây dựng các nhà máy điện thế hệ mới sử dụng hoàn toàn hydro. Định hướng đến năm 2050, phần lớn các nhà máy nhiệt điện khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro. Khối lượng hydro cần thiết để thay thế nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng LNG nhập khẩu đến năm 2035 khoảng 0,7-1,4 triệu tấn, năm 2045 khoảng 9,5-11,3 triệu tấn, năm 2050 khoảng 16-17,4 triệu tấn. Ước tính sơ bộ cho thấy tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước đảm bảo sản xuất đủ hydro xanh cho sản xuất điện.

“Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Hiện nay đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP26”, ông Hùng chia sẻ; đồng thời, ông Hùng cho rằng chính sách này sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Ấn Độ, tăng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo ông Lê Kỳ Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), Quy hoạch điện VIII cho thấy bức tranh ngành điện hiện tại và tương lai của Việt Nam và từ đó có thể khẳng định cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực điện là rất lớn.

TĂNG TRƯỞNG GDP VÀ NHU CẦU HẤP THỤ VỐN

Theo ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, sản xuất điện và thiết bị điện và điện tử đều là những lĩnh vực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, do vậy sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ mở ra nhiều cơ hội về hợp tác kinh doanh, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Đối với lĩnh vực điện, tổng giá trị thương mại các mặt hàng điện giữa Ấn Độ - Việt Nam hiện mới đạt hơn 200 triệu USD. Theo ông Sandeep Arya, con số này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Ấn Độ cũng như khả năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực điện, điện tử và các lĩnh vực liên quan như truyền tải điện, phân phối điện.

Đặc biệt, theo Đại sứ Sandeep Arya, hiện Việt Nam và Ấn Độ đang có tốc độ tăng trưởng GDP gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu và đó cũng là cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai nước hợp tác. “Với Quy hoạch điện VIII của Việt Nam vừa được phê duyệt, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực này”, ông Sandeep Arya nhấn mạnh.

 
Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.
Ông Sandeep Arya, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Hiệp hội Các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử Ấn Độ (IEEMA) là hiệp hội hàng đầu, đại diện cho các nhà sản xuất thiết bị điện, điện công nghiệp và các thiết bị phụ trợ. Với 900 hội viên gồm các nhà sản xuất các thiết bị trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành phát điện, truyền tải và phân phối, với doanh thu hàng năm đạt trên 50 tỷ USD và xuất khẩu trên 10 tỷ USD, đóng góp 90% các loại thiết bị điện được lắp đặt tại Ấn Độ.

Còn theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội, với lĩnh vực thiết bị điện, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư. Cụ thể theo Quy hoạch điện VIII (Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), giai đoạn 2021- 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm). Trong đó, việc phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển được đặc biệt chú trọng.

Ngoài ra, cũng theo ông Nội, tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên năm lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các đối tác quốc tế là IPG và GFANZ đã cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Trong đó 7,75 tỷ USD do Nhóm IPG cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại; còn GFANZ (Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0) cam kết huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn quốc tế.

Theo quy định pháp lý của Việt Nam, các lĩnh vực đầu tư sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất điện, truyền tải điện, thiết bị điện đều không thuộc diện đầu tư có điều kiện. Nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Ấn Độ có thể đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, hoặc theo phương thức M&A mua cổ phần, chuyển giao công nghệ với công ty Việt Nam.

Ông Nguyễn Nội cho rằng với các dự án sản suất sản phẩm điện tử, thiết bị điện, nên chọn địa điểm đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Việt Nam có hệ thống hơn 400 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó 291 khu công nghiệp đang hoạt động ở cả 3 miền. Đầu tư trong khu công nghiệp sẽ rất thuận tiện, do có hạ tầng đồng bộ (điện, nước, thông tin) và sẵn mặt bằng đất sạch để có thể xây dựng ngay nhà máy...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2023 phát hành ngày 11-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành điện, điện tử: “Nam châm” hút doanh nghiệp Ấn Độ đến Việt Nam - Ảnh 1