13:11 26/04/2023

Ngành du lịch và hàng không “bắt tay” tìm giải pháp lâu dài

Tường Bách

Khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không luôn chiếm tỉ lệ cao nhất (hơn 80%, năm 2019) so với đường bộ, đường biển. Vì thế, ngành hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Tổng cục Du lịch.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Tổng cục Du lịch.

Ngày 25/4/2023, tại TP. Nha Trang, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Khánh Hòa và các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác Hàng không - Du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế” theo sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là Hội thảo quan trọng triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch vừa diễn ra ngày 15/3/2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” nhằm góp phần thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

CÁC DOANH NGHIỆP LÊN TIẾNG

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, sau hơn 1 năm mở lại đường bay quốc tế (từ ngày 15/2/2022) và mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới (từ ngày 15/3/2022), hàng không thật sự đã góp phần hiệu quả thúc đẩy vận tải, giao thương, kết nối, hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm lợi thế cạnh tranh quốc gia. Mặc dù vậy, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa được như kỳ vọng, năm 2022 chỉ đạt 3,5 triệu lượt, tương đương 70% so với kế hoạch đề ra.

Năm 2023, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất đã làm cho giá vé máy bay tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của doanh nghiệp lữ hành. Vì vậy để để ngành du lịch đạt được mục tiêu phục vụ 102 triệu lượt khách du lịch nội địa, 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng trong năm 2023 thì vai trò phối hợp, hỗ trợ của hàng không là rất quan trọng.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề xuất các giải pháp như mở rộng các đường bay quốc tế đến Việt Nam, nâng cao năng lực điều hành tại các cảng hàng không của Việt Nam; mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng ngành hàng không, xây dựng hệ sinh thái ngành hàng không - du lịch trên cơ sở cùng phát triển và kết nối với các ngành khác, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; phát triển đội ngũ nhân lực ngành hàng không và du lịch; tăng cường áp dụng công nghệ mới, tăng cường phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá...

Ngành du lịch đặt mục tiêu phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Ngành du lịch đặt mục tiêu phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp lữ hành, hiện nay, lĩnh vực hàng không vẫn còn nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam. Chẳng hạn như: Giá vé còn cao, chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, các thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh còn kéo dài....

Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Ha Noi Tourism phản ánh: “Thường các đợt cao điểm du lịch trong năm, các đơn vị lữ hành phải đặt vé trước với các hãng hàng không và giá vé rất cao, nhưng đến ngày đi, giá vé thực tế lại thấp hơn nhiều. Điều này gây tâm lý không tốt cho du khách, thậm chí nhiều người hủy tour. Vì vậy, các hãng hàng không và lữ hành cần có sự hợp tác để điều phối vấn đề này. Bên cạnh đó, vấn đề hủy chuyến, hoãn chuyến của các hãng cũng gây ảnh hưởng rất lớn cho ngành du lịch...”.

Ông Bùi Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Thương mại Phương Thắng (Victory Tour & Trading) lại cho rằng, "điểm nghẽn" lớn nhất là Việt Nam mới chỉ miễn visa cho công dân 25 quốc gia (hộ chiếu phổ thông). Trong danh sách này, các nước như: Chile, Panama… rất ít khách có nhu cầu đi du lịch Việt Nam nên có miễn cũng không hiệu quả. Để thu hút du khách quốc tế tốt hơn cần mở rộng các nước được miễn visa sang các thị trường nhiều tiềm năng hơn, như: Úc, các nước Bắc Mỹ…

KẾT NỐI ĐƯỜNG BAY ĐỂ PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG

Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến, thị trường hàng không quốc tế trong các tháng hè sẽ đạt mức từ 2,5 triệu khách đến 3 triệu khách/tháng với tỷ lệ hồi phục tăng dần từ 78% đến 80% so các tháng ứng cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không quốc tế sẽ hoàn toàn hồi phục như giai đoạn trước dịch Covid-19 vào các tháng cuối năm 2023.

 
Tính cho cả năm 2023, dự báo thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đạt khoảng 34 triệu khách, bằng xấp xỉ 84% so với năm 2019.

Về cơ bản, ngoại trừ thị trường Nga thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục lại toàn bộ các đường bay đến các điểm đến như giai đoạn trước dịch. Hơn nữa, các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways) cũng mở thêm các đường bay mới đến các điểm ở Ấn Độ, Úc, Kazakstan và đáng chú ý là các hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc khai thác các đường bay từ Cam Ranh, Đà Nẵng, Đà Lạt đến hơn 40 thành phố ở Trung Quốc theo hình thức thuê chuyến và thuê chuyến du lịch để phục vụ khách du lịch.

Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho hoạt động khai thác quốc tế; khuyến khích các hãng hàng không khai thác các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng, Cam Ranh, Huế, Phú Quốc, Vân Đồn, Cát Bi…; tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch trong việc phát động các thị trường khách nguồn, hợp tác hàng không - du lịch và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn… sau đại dịch để kích cầu du lịch quốc tế”.

Lãnh đạo các đơn vị chụp ảnh lưu niệm cùng hành khách trên chuyển bay đến Cam Ranh vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Lãnh đạo các đơn vị chụp ảnh lưu niệm cùng hành khách trên chuyển bay đến Cam Ranh vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại phiên thảo luận, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và các diễn giả, đại biểu cùng nhau làm rõ hơn thực tế thu hút khách quốc tế, giải pháp thu hút khách quốc tế ở các địa phương; xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tình hình mới; xúc tiến du lịch tới các thị trường trọng điểm và hợp tác để cùng nhau xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn với giá cả cạnh tranh...

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm cũng nêu lên những quan điểm, các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi, gia tăng lượng khách quốc tế và nâng mức chi tiêu của du khách khi tới Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các chính sách phù hợp, cắt giảm những quy trình thủ tục nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ hơn, hạn chế vi phạm và xâm hại tài nguyên du lịch, làm ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái, bảo đảm lợi ích lâu dài đối với cộng đồng, khách du lịch trong nước và quốc tế.