09:48 28/04/2008

Ngành dược còn nhiều yếu điểm

Nguyễn Kim

Có tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm, có quy mô thị trường trên 1 tỷ USD, nhưng ngành dược Việt Nam lại có nhiều yếu điểm

Trong 93 doanh nghiệp sản xuất tân dược chỉ có 77 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); toàn bộ 78 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược chưa đạt.
Trong 93 doanh nghiệp sản xuất tân dược chỉ có 77 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP); toàn bộ 78 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược chưa đạt.

Có tốc độ tăng trưởng 16-17%/năm, có quy mô thị trường trên 1 tỷ USD, nhưng ngành dược Việt Nam lại có nhiều yếu điểm.

Ngày 25/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị ngành dược 2008 với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp quân bình cung-cầu để ổn định thị trường dược phẩm Việt Nam cũng như phát triển công nghiệp dược trong thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2003-2007, thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 16-17%/năm và đạt quy mô 1,136 tỷ USD vào năm 2007, dự kiến, năm 2008 sẽ đạt 1,34 tỷ USD.

Công tác sản xuất dược trong nước đã đảm bảo đáp ứng 55% nhu cầu tiêu dùng thuốc trong nước, đồng thời triển khai quản lý chất lượng thuốc toàn diện theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước trong khu vực.

Ngành công nghiệp dược nội địa đã có sự tiến bộ đáng kể khi đáp ứng trên 50% nhu cầu thuốc dự phòng và điều trị bệnh cho người dân cho dù 90% nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư, đổi mới dây chuyền, thiết bị công nghệ bào chế thuốc, sản xuất nhượng quyền các loại thuốc biệt dược..., đã đa dạng hóa chủng loại, số lượng thuốc đặc biệt là nhóm thuốc dung dịch tiêm, kháng sinh, bột đông khô...

Trong số 1.500 hoạt chất có trong các thuốc đã đăng ký thì các doanh nghiệp dược trong nước đã có thể bào chế được 773 hoạt chất.

Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng thuốc điều trị, ngành dược Việt Nam đứng trước rất nhiều thách thức liên quan đến việc phát triển các công nghệ bào chế thuốc tiên tiến, đảm bảo số lượng, chất lượng thuốc khi phân phối đến người tiêu dùng, đặc biệt là duy trì sự bình ổn của thị trường dược phẩm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu thực trạng là việc phát triển của các doanh nghiệp dược vừa tự phát, manh mún lại trùng lắp thiếu định hướng vĩ mô nên thị trường thuốc thừa những loại thuốc thông thường nhưng lại quá thiếu các loại thuốc có dạng bào chế đặc biệt, thuốc chuyên khoa đặc trị. Dù có quy mô thị trường vượt quá 1 tỷ USD nhưng chúng ta vẫn chưa có một trung tâm nghiên cứu dược quốc gia, nguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết thêm, trong 93 doanh nghiệp sản xuất tân dược hiện nay chỉ có 77 đơn vị đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), còn toàn bộ 78 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược chưa đạt. Và để đạt mục tiêu đến ngày 30/6/2008 tất cả các doanh nghiệp sản xuất thuốc phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc là rất khó khăn.

Các doanh nghiệp sản xuất tân dược lại phân bố không đều trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ (72), sau đó đến vùng Đồng bằng sông Hồng (57), sông Cửu Long (19), vùng Tây Bắc và Đông Bắc Bộ chỉ có 7 doanh nghiệp sản xuất thuốc và chưa có nhà máy nào đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc.

Trong khi đó, những yếu tố cơ bản để phát triển ngành công nghiệp dược hiện nay đều ít được quan tâm đầu tư về kinh phí, phối hợp bộ ngành, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý triển khai các dự án cụ thể.

Trong các kiến nghị với Chính phủ, Thứ trưởng Cao Minh Quang đã nêu ra hàng loạt các giải pháp đồng bộ liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nguyên liệu, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển công nghiệp hoá dược trong nước, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới lưu thông, phân phối thuốc....

Cụ thể là việc đẩy nhanh công tác xây dựng, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam; chương trình về phát triển và sắp xếp, tổ chức mạng lưới lưu thông thuốc đến 2015 tầm nhìn 2020... với ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hoá dược, công nghiệp bào chế, công nghiệp dược liệu, công nghiệp bao bì, đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp dược...

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, ngành dược cần tận dụng tối đa lợi thế của Việt Nam là một nước có vùng nguyên liệu sinh thái đa dạng; nguồn lao động rẻ, được đào tạo cơ bản tốt; nhu cầu thị trường lớn với hơn 85 triệu dân, công nghiệp cơ khí đang phát triển... để đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ nhằm đưa công nghiệp dược tăng tốc phát triển trong tương lai.

Bộ Y tế phải khẩn trương quy hoạch hệ thống các cơ sở sản xuất, vùng nguyên liệu gắn liền với xúc tiến đầu tư, quy hoạch hệ thống phân phối, hệ thống kiểm tra, giám sát về giá, chất lượng, tính cạnh tranh.

Đồng thời, việc xây dựng các chương trình, đề án liên quan đến phát triển ngành dược phải tính đến chỉ tiêu hiệu quả trong kinh doanh của các doanh nghiệp, phân tích rõ sự phân bổ giá trị gia tăng từ khi nhập sản phẩm đến tay người tiêu dùng để trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp định hướng mục tiêu phát triển.

Nhà nước sẽ hỗ trợ, giúp đỡ trong việc tập hợp thông tin để định hướng về tiềm năng thị trường cho doanh nghiệp dược phát triển để ngành y tế có thể đạt được mục tiêu đến năm 2015, giá trị thuốc sản xuất trong nước chiếm 70% tổng giá trị thuốc sử dụng và đến năm 2020 con số này là 80%.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần thống kê số nhân lực còn thiếu trong ngành dược để đặt hàng Bộ Giáo dục đào tạo nguồn lực, đáp ứng nhu cầu thực tế. Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành dược cần lựa chọn một vài sản phẩm chế biến từ dược liệu trong nước để xây dựng các sản phẩm mang tính chất quốc gia, sau đó sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiến tới xuất khẩu.