Ngành hàng không Việt Nam chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế
Vượt qua giai đoạn trầm lắng hậu đại dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ và từng bước thiết lập nền tảng cho chiến lược phát triển bền vững, hướng tới cam kết Net Zero vào năm 2050...

Năm 2025 đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý của ngành hàng không Việt Nam khi thị trường nội địa và quốc tế đều ghi nhận tín hiệu tăng trưởng rõ nét. Trên đà phục hồi, các hãng hàng không không chỉ tái cơ cấu hoạt động mà còn chủ động định hình chiến lược dài hạn, trong đó chuyển đổi xanh dần trở thành trụ cột mới của năng lực cạnh tranh.
TÍN HIỆU KHỞI SẮC TỪ VẬN TẢI ĐẾN TÀI CHÍNH
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng sản lượng vận chuyển hành khách toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 41,3 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt 23 triệu lượt, tăng 13%; khách nội địa đạt 18,4 triệu lượt, tăng 7%. Mức tăng trưởng này phản ánh xu hướng phục hồi ổn định của thị trường, nhất là ở phân khúc quốc tế.
Đáng chú ý, vận tải hàng hóa ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ với sản lượng toàn thị trường đạt gần 696 nghìn tấn, tăng 14,6%. Trong đó, thị trường quốc tế đóng góp hơn 580 nghìn tấn (tăng 17,7%), trong khi thị trường nội địa đạt trên 115 nghìn tấn (tăng 1,3%). Tại hệ thống cảng hàng không, tổng sản lượng hành khách đạt gần 60 triệu lượt, còn hàng hóa xếp dỡ đạt hơn 811 nghìn tấn, lần lượt tăng 9,1% và 12,5%.
Mặc dù tổng lượng khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển giảm 7,3% (còn 28 triệu lượt), nhưng cơ cấu đang có chuyển dịch tích cực. Lượng khách quốc tế do các hãng nội địa khai thác tăng 8%, cho thấy xu hướng mở rộng thị phần ra ngoài biên giới đang dần bù đắp cho sự điều chỉnh ở thị trường nội địa.
Năm 2024, Vietnam Airlines lãi cao nhất trong lịch sử đạt 7.958 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động kinh doanh của Vietjet trong năm 2024 cũng đạt doanh thu hàng không 71,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,27 nghìn tỷ đồng, trong khi doanh thu hợp nhất đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1,4 nghìn tỷ đồng.
Trên nền tảng vận tải dần ổn định, bức tranh tài chính của các hãng hàng không trong nước cũng khá lạc quan. Trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2024, cả Vietnam Airlines và Vietjet, hai doanh nghiệp chiếm thị phần lớn của ngành hàng không Việt, đều báo lãi lớn và cùng đang triển khai kế hoạch mở rộng đội bay. Riêng với Vietnam Airlines, hiện hãng đang xúc tiến thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa riêng biệt, mô hình đang được nhiều hãng quốc tế theo đuổi trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng nhanh chóng.
Cùng với hai “ông lớn” trên, các hãng hàng không khác cũng tái cơ cấu chiến lược. Bamboo Airways sau giai đoạn khó khăn đã kiện toàn nhân sự lãnh đạo để tái định vị dài hạn. Trong khi đó, Vietravel Airlines, sau khi Tập đoàn T&T trở thành cổ đông chiến lược, đang lên kế hoạch mua thêm máy bay, mở rộng mạng bay nội địa và quốc tế, đồng thời tăng năng lực vận hành lên quy mô thương mại lớn hơn.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2025, hãng hàng không Sun Phú Quốc Airways chính thức được thành lập, định vị là hãng bay phục vụ du lịch, khai thác kết nối thẳng tới đảo ngọc Phú Quốc. Đây là hãng hàng không đầu tiên được cấp phép sau đại dịch, không chỉ phản ánh niềm tin vào triển vọng hồi phục thị trường, mà còn thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng vận tải hàng không - một hướng đi phù hợp với chủ trương đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong các ngành kinh tế chiến lược được nêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW.
CHÍNH SÁCH ĐỊNH HÌNH QUỸ ĐẠO PHÁT TRIỂN XANH
Không chỉ phục hồi về sản lượng, ngành hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình chiến lược khi các yêu cầu môi trường và nghĩa vụ quốc tế ngày càng trở thành rào cản kỹ thuật bắt buộc.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ chủ động thúc đẩy xây dựng khung chính sách xanh hóa ngành hàng không, với trọng tâm là triển khai nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và tham gia Chương trình Bù đắp và Giảm phát thải carbon hàng không quốc tế (CORSIA) do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) khởi xướng.
Tại phiên họp ngày 20/5/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định việc tham gia CORSIA là xu thế tất yếu, thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, đồng thời mở ra cơ hội nâng cao năng lực thích ứng của ngành hàng không với hệ thống tiêu chuẩn toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam sớm hoàn thiện thủ tục để Bộ Xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngay sau đó, ngày 30/6/2025, ICAO xác nhận Việt Nam chính thức tham gia giai đoạn tự nguyện của CORSIA từ ngày 1/1/2026, cho thấy quyết tâm lớn từ cơ quan quản lý trong việc sớm đưa Việt Nam hòa vào lộ trình toàn cầu.
Trên thực tế, hệ thống giám sát - báo cáo - thẩm tra (MRV) khí CO2₂ đã được Cục Hàng không Việt Nam thiết lập từ năm 2019 và duy trì báo cáo định kỳ cho ICAO. Điều này thể hiện mức độ chuẩn bị nghiêm túc và bài bản, đặt nền tảng để các hãng bay trong nước đáp ứng được yêu cầu về minh bạch khí thải và trách nhiệm phát thải xuyên biên giới.
Trước sức ép từ lộ trình phát thải toàn cầu, các hãng hàng không trong nước đã chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh nhằm thích ứng dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Nổi bật trong số đó là Vietnam Airlines, hiện hãng đã vận hành toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ châu Âu bằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) kể từ đầu năm 2025.
Tuy nhiên, những chuyển động này cũng đi kèm với áp lực tài chính không nhỏ. Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) trong chính sách ReFuelEU, kể từ năm 2025, các chuyến bay khởi hành từ sân bay EU phải sử dụng tối thiểu 2% SAF; tỷ lệ này sẽ tăng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và 70% vào năm 2050.
Là hãng khai thác nhiều đường bay đến châu Âu, Vietnam Airlines chịu ảnh hưởng trực tiếp. Chỉ riêng trong năm 2025, việc sử dụng SAF khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng thêm khoảng 5-6 triệu USD, tương đương hơn 100 tỷ đồng - chưa kể chi phí sẽ tiếp tục đội lên do giá SAF cao gấp 2-3 lần nhiên liệu thông thường và nguồn cung còn hạn chế.
Trước những thách thức này, Chính phủ đang hoàn thiện khung thể chế đồng bộ. Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định thí điểm về sử dụng SAF và thực hiện CORSIA, bao gồm cả các chuyến bay nội địa. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao xây dựng khung pháp lý cho thị trường carbon. Các bộ Tài chính, Công Thương, Ngoại giao cũng được huy động để thiết kế chính sách tài chính, thuế và các cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất SAF trong nước.
Tổng thể những nỗ lực trên không chỉ nhằm giúp doanh nghiệp hàng không vượt qua các rào cản mới của thị trường quốc tế, mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong xu thế phát triển xanh - nơi tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm phát thải ngày càng trở thành điểm phân định thị phần trên bản đồ hàng không toàn cầu.
Trước sức ép từ lộ trình phát thải toàn cầu, các hãng hàng không trong nước đã chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh nhằm thích ứng dài hạn và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Nổi bật trong số đó là Vietnam Airlines, hiện hãng đã vận hành toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ châu Âu bằng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) kể từ đầu năm 2025. Đây là bước đi mang tính biểu tượng trong cam kết Net Zero của Việt Nam; đồng thời, thể hiện vai trò tiên phong của hãng trong việc nội địa hóa các cam kết tại COP26 thành hành động cụ thể.
DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG KIẾN TẠO LỘ TRÌNH XANH HÓA
Riêng trong năm 2024, Vietnam Airlines đã cắt giảm gần 70.000 tấn CO2₂ nhờ đồng bộ các giải pháp tối ưu đội bay, điều chỉnh hành trình và cải tiến tải trọng, đặt nền tảng để tiến xa hơn trong mục tiêu giảm phát thải bền vững.
Vietjet là đơn vị tiên phong công bố báo cáo ESG, một bước đi cho thấy sự chủ động hội nhập vào chuẩn mực quản trị và phát triển bền vững toàn cầu. Vietjet đã hợp tác với Tập đoàn Safran (Pháp) về tối ưu nhiên liệu, triển khai các chương trình bảo vệ môi trường như trồng cây, làm sạch biển, giảm rác thải nhựa... Đồng thời, hãng cũng thành lập Quỹ “Fly Green” từ năm 2023, trích doanh thu từ mỗi vé để tài trợ cho các chiến dịch môi trường.
Đặc biệt, vào tháng 10/2024, Vietjet đã thực hiện thành công hai chuyến bay thương mại sử dụng SAF từ Việt Nam đến Melbourne (Australia) và Seoul (Hàn Quốc), với nguồn nhiên liệu do Petrolimex Aviation cung cấp. Song song đó, hãng cũng đang nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật khác như tối ưu hành trình bay, giảm tải trọng, thay đổi cấu hình tàu bay để nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu, thể hiện quyết tâm hiện thực hóa cam kết môi trường không chỉ dừng ở chiến lược mà còn đi vào vận hành thực tế.
Đồng hành với lộ trình xanh hóa của doanh nghiệp, Chính phủ cũng đang thúc đẩy nhiều giải pháp hỗ trợ. Các doanh nghiệp xăng dầu trong nước đã được giao xây dựng đề án sản xuất SAF nội địa, lựa chọn công nghệ phù hợp, bố trí quỹ đất và đề xuất chính sách ưu đãi về thuế, tài chính. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đang rà soát bổ sung hạ tầng kho chứa và hệ thống tra nạp SAF tại các cảng hàng không quốc tế lớn.

Mới đây, Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán thành công lô sản phẩm thương mại đầu tiên SAF. Lô hàng này được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu và xăng máy bay (Jet A-1) sản xuất trong nước của doanh nghiệp. Đối tác thương mại đầu tiên tiếp nhận sản phẩm là Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec) để cấp cho các chuyến bay của Vietnam Airlines. Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ triển khai sản xuất các lô SAF quy mô lớn hơn, tiến tới thương mại hóa từ quý 4/2025
Những hành động mang tính hệ thống từ chính sách đến doanh nghiệp cho thấy ngành hàng không không chỉ đang “phủ xanh” trên bản đồ toàn cầu, mà còn dần tái cấu trúc để phát triển song hành giữa tăng trưởng kinh tế và cam kết môi trường. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam bứt phá vị thế cạnh tranh trong kỷ nguyên hậu mới, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-29.html
