09:21 10/07/2008

Ngành in cũng thiếu nhân lực

Mạnh Đức

Hàng năm, ngành in cần bổ sung ít nhất 2.000 lao động mới đáp ứng được yêu cầu thực tế

Hiện cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp in.
Hiện cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp in.
Theo Hiệp hội In Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp in. Số lượng công nhân chiếm 80%, khoảng 40.000 người, số còn lại làm công tác quản lý và lao động gián tiếp, số người về hưu chiếm 5%/năm.

Hàng năm, ngành in cần bổ sung ít nhất 2.000 lao động mới đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhưng số lao động được đào tạo chỉ khoảng 1.213 người.

Hiệp hội In Việt Nam cho biết, không những số lượng lao động trong ngành in chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế mà khâu đào tạo cũng chưa bắt kịp với tốc độ đổi mới về kỹ thuật, công nghệ đang diễn ra chóng mặt hiện nay.

Yếu từ khâu đào tạo

Trên thực tế, môi trường đào tạo trong nước còn nặng về lý thuyết, thiếu cơ sở vật chất thiết bị, phương tiện thực hành. Do đó, sau khi ra trường, các kỹ sư, công nhân in tiếp cận với doanh nghiệp còn khó khăn.

Mặt khác, các cơ sở đào tạo in đang đứng trước một thực tế là thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy một cách trầm trọng. Trước đây, hàng năm, chúng ta có một số sinh viên tốt nghiệp ngành in ở nước ngoài về nước là nguồn bổ sung cho đội ngũ giảng viên, nhưng đến nay, nguồn này không còn nữa. Mặc dù trong những năm gần đây, số sinh viên nước ta đi du học ngày càng nhiều, nhưng không ai chọn ngành in để học.

Một số kỹ sư được đào tạo ngành in, đã nhiều năm làm việc ở cơ sở sản xuất, vừa có lý thuyết lại có kinh nghiệm thực tiễn, sẽ là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ giáo viên. Song họ lại không mặn mà với công việc giảng dạy, vì mức lương của ngành giáo dục trả rất thấp so với thu nhập tại cơ sở sản xuất. Do đó, các trường đào tạo ngành in thiếu giảng viên, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Một thực tế nữa là hiện nay nước ta chưa có một bộ giáo trình chuẩn và thống nhất, phần lớn do từng giáo viên tự viết và dạy. Số giáo viên nhiều năm không được đi đào tạo thêm, không được tiếp thu kiến thức mới chiếm đa số. Họ thường dựa vào sách vở, tài liệu kiến thức cũ đã học trước đây kết hợp với một số thông tin thu lượm để viết. Một số giáo viên không đủ trình độ ngoại ngữ để đọc sách, đọc tài liệu nước ngoài, lúng túng khi biên soạn giáo án, giáo trình.

Việc quản lý đào tạo nhân lực ngành in vẫn mang tính tự phát và manh mún. Đơn vị đào tạo tuyển sinh theo khả năng đào tạo, không theo nhu cầu của ngành.

Doanh nghiệp in lâu nay vẫn coi công việc đào tạo là việc riêng của các cơ sở đào tạo, chưa thực sự quan tâm tới mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng nhân lực. Rất hiếm các doanh nghiệp coi việc đầu tư cho đào tạo là một nghĩa vụ và là chiến lược phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp mình. Các doanh nghiệp in dành quá ít kinh phí để đào tạo lại, đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho người lao động.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Ngô Anh Tuấn, trưởng khoa in và truyền thông, Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM cho rằng việc thống nhất chương trình đào và tổ chức đào tạo liên thông là điều cần thiết. Với cách làm này, sẽ giúp tiết kiệm công sức biên soạn và hiệu chỉnh tài liệu, tạo điều kiện cho các học viên tốt nghiệp các hệ đào tạo bên dưới được chuyển tiếp lên bậc cao hơn. Các đơn vị đào tạo ngành in nên cùng phối hợp chia sẻ nguồn lực và cùng hợp tác nghiên cứu khoa học.

Thực tế cho thấy mỗi đơn vị đào tạo đều có chức năng khác nhau, đối tượng người học cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu các đơn vị ngồi lại với nhau để cùng phối hợp chia sẻ nguồn lực thì những phần dư công suất máy hay trang thiết bị phục vụ thực tập, thí nghiệm của các đơn vị này có thể cho các đơn vị khác sử dụng. Phía cơ quan nhà nước quản lý ngành in, cần tiến hành thống kê toàn diện về nguồn nhân lực và năng lực thiết bị toàn ngành, làm cơ sở xây dựng kế hoạch và phát triển.

Còn về phía Cục Xuất bản thì quan tâm đến mối liên kết giữa 3 đối tượng: cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người học, trong đó mối liên kết giữa đào tạo và doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Vì phía doanh nghiệp hoàn toàn có thể cung cấp thông tin và đặt hàng về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để các cơ sở đào tạo có kế hoạch tổ chức thực hiện.

Hàng năm các doanh nghiệp có thể xem xét cấp học bổng cho một số sinh viên có kết quả học tập xuất sắc; hỗ trợ tạo điều kiện cho sinh viên, học viên các trường được thực tập, tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp.