Ngành ngân hàng cần chuẩn bị ứng phó với các rủi ro phi tài chính
Giám đốc quản lý rủi ro của các ngân hàng trên thế giới đang dành sự ưu tiên cho các loại rủi ro phi tài chính, chẳng hạn rủi ro biến đổi khí hậu…
Tại Hội thảo về quản lý rủi ro trong ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã thảo luận sâu về các rủi ro phi tài chính mà ngành ngân hàng trên toàn cầu phải đối diện.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA khẳng định quản trị rủi ro là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các ngân hàng nhằm quản lý và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn.
Các cuộc khủng hoảng gần đây như sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature ở Mỹ, biên độ lãi sụt giảm mạnh tại các ngân hàng Trung Quốc do nợ xấu trong ngành bất động sản của nước này, hay sự đóng cửa của ngân hàng đầu tư lớn trên thế giới Credit Suisse… một lần nữa đã bộc lộ rõ những yếu kém trong công tác quản trị rủi ro trong ngân hàng nói chung và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng và vận hành được một hệ thống quản trị rủi ro hữu hiệu hơn.
Tại hội thảo, ông Ilya Androsov, Giám đốc Oliver Wyman Singapore đã chia sẻ kết quả khảo sát thực hiện với 44 CRO (giám đốc quản lý rủi ro) tại các ngân hàng ở Bắc Mỹ. Theo đó, các CRO hiện không chỉ tập trung ưu tiên các rủi ro truyền thống như xếp hạng tín dụng, khả năng trả nợ… Nhiều rủi ro mới xuất hiện nhưng đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng, trong đó có nhiều rủi ro phi tài chính như: sự tuân thủ của khách hàng, tấn công mạng, rủi ro hạ tầng công nghệ và kỹ thuật, biến động quản trị,…. Ngoài ra, thường xuất hiện rủi ro chéo.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý thường chậm trễ trong việc giải quyết những rủi ro mới và yêu cầu các ngân hàng xây dựng khuôn khổ trước khi có hướng dẫn đầy đủ về quy định.
Mặt khác, rủi ro biến đổi khí hậu cũng rất được quan tâm hiện nay. Đây là vấn đề vốn không được ưu tiên nhiều trước đây nhưng hiện đang là mối quan tâm của nhiều ngân hàng trên thế giới hiện nay.
Các chuyên gia lấy ví dụ: Cháy rừng ở Indonesia gây thiệt hại kinh tế 5,2 tỷ USD; lũ lụt ở Malaysia là “dấu hiệu mới nhất của châu Á về việc cần hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” bởi đã gây thiệt hại kinh tế và khấu hao tài sản 1,4 tỷ USD.
Hay như Singapore cam kết sẽ là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á loại bỏ ô tô chạy bằng xăng, với việc cấm bán xe động cơ đốt trong (ICE) sau năm 2030. Theo đó, doanh số bán xe điện đạt 8,4% tổng doanh số bán ô tô trong nửa đầu năm 2022 (gấp đôi tỷ lệ của năm 2021).
Còn đối với Việt Nam, có thể thấy đất nước đang phải đối mặt với việc dừng hoạt động sớm các nhà máy nhiệt điện than 28 GW trước năm 2040, dẫn tơi việc đền bù đáng kể cho các cổ đông hiện hữu cũng như nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, cần lượng hoá rủi ro biến đổi khí hậu trong danh mục cho vay của các ngân hàng, bởi rủi ro này sẽ khuếch đại thành rủi ro tín dụng/tài chính và danh tiếng hiện có của các ngân hàng.
Sự giám sát ngày càng tăng từ cộng đồng khách hàng và nhà đầu tư toàn cầu sẽ đặt trách nhiệm ngày càng lớn đối với ngân hàng về việc phải làm điều đúng đắn. Theo đó, chuyển đổi quy mô lớn giữa các ngành và khách hàng sẽ thay đổi nguồn doanh thu cho các ngân hàng, tạo ra rủi ro chiến lược.
Đứng trước vô vàn các rủi ro truyền thống và rủi ro mới xuất hiện, các ngân hàng đã có nhiều cải tiến trong cơ cấu quản trị rủi ro để đảm bảo ngân hàng có thể vận hành thông suốt và hiệu quả.
Điều quan trọng đầu tiên đối với quản lý rủi ro là cần tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tuân thủ các quy định thôi là chưa đủ. Nếu quản quản trị rủi ro chỉ dựa trên yêu cầu từ cơ quan quản lý thì sẽ không đi sâu vào bản chất của rủi ro.
Bên cạnh yếu tố tuân thủ pháp lý, ngân hàng cần xác định và tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro tiềm ẩn, trong khi đó cũng phải ứng phó và thích ứng với các cuộc khủng hoảng đã xảy ra. Hơn nữa, ngân hàng cần nhanh chóng vực dậy và học hỏi từ các rủi ro đã trở thành hiện thực, nỗ lực giảm thiểu tác động của chúng đối với hệ thống.