10:56 18/05/2023

Ngành ngân hàng đã chi hơn 15.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số

Tùng Thư

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Trong 4 năm gần đây, tăng trưởng về thanh toán số tại Việt Nam được duy trì ở mức 40%, là một trong những nước tăng trưởng nhanh về ứng dụng ngân hàng số…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại sự kiện "Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết đến nay, nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; khoảng 74,63% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản ngân hàng. Đến cuối tháng 3/2023, 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

THANH TOÁN QUA QR CODE TĂNG TRƯỞNG HƠN 200% CẢ VỀ SỐ LƯỢNG VÀ GIÁ TRỊ GIAO DỊCH

Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới.

Hạ tầng mạng lưới thanh toán tiếp tục được đầu tư, phát triển. So với năm 2021, trong năm 2022, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý khoảng 155,2 triệu giao dịch với giá trị đạt trên 196,36 triệu tỷ đồng, tăng 29,90% về giá trị.

 

So với cùng kỳ năm 2022, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị. Đến cuối tháng 3/2023, số lượng ATM toàn thị trường đạt 21.347 máy; POS 430.625 máy....

Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý gần 4,83 tỷ giao dịch với giá trị đạt khoảng 46,82 triệu tỷ đồng, tăng 96,63% về số lượng và 87,30% về giá trị. Đến cuối năm 2022, số lượng ATM trên toàn thị trường đạt 21.038 máy, số lượng POS đạt 410.743 máy, tăng tương ứng  3,11%32 và tăng 26,94% so với năm 2021. Số lượng máy ATM tăng thấp cho thấy đây là dấu hiệu tích cực và người dân ngày càng chuộng thanh toán không dùng tiền mặt.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh. Đến cuối năm 2022, có 82 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua internet và 51 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua mobile. Có 48 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian đang hoạt động trên thị trường.

So với cùng kỳ năm 2021, đến cuối năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 89,05% về số lượng và 32% về giá trị. Trong đó, qua kênh internet tăng 98,54% về số lượng và 50,24% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 139,32% về số lượng và 106,54% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 225,36% về số lượng và 243,92% về giá trị. Đến cuối năm 2022, có hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động; hơn 2,8 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở với khoảng 70,4% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,....

So với cùng kỳ năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng. Trong đó, qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,71% về số lượng và 43,84% về giá trị; qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị; qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị.

Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi. Đến cuối năm 2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã phục vụ hơn 4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3,53 nghìn tỷ đồng. Có khoảng 61% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị. Trong đó: lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đạt: 42% (tăng 5% so với năm 2021); chế độ bảo hiểm xã hội một lần đạt: 92% (tăng 7% so với năm 2021); trợ cấp thất nghiệp đạt: 96% (tăng 3% so với năm 2021).

NHIỀU QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CHƯA THEO KỊP TỐC ĐỘ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, để hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng hiệu quả, trong thời gian tới cần chú ý tới 5 nhóm giải pháp: hoàn thiện thể chế; tăng cường ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng; nâng cấp cơ sở hạ tầng; ưu tiên bố trí nguồn lực bao gồm nhân lực và tài chính và truyền thông hiệu quả.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng lưu ý rằng các quy định pháp lý hiện hành về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng,... còn cần phải rà soát, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới.

Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có sự đồng bộ và chuẩn hóa của cơ sở hạ tầng giữa các ngành, lĩnh vực để tạo điều kiện thuận tiện nhất cho việc kết nối, tích hợp tạo lập hệ sinh thái số.

Liên quan đến bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số, ông Tuấn nhấn mạnh chuyển đổi số đòi hỏi vốn đầu tư, chi phí lớn. Hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số.

Thách thức cuối cùng nhưng là trở ngại lớn nhất cho công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay, theo lãnh đạo Vụ Thanh toán là xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ với những thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, khó lường, gia tăng rủi ro an ninh mạng và vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng số.

Hiện nay, tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp  xảy ra trong nhiều ngành, lĩnh vực (cờ bạc, lừa đảo, gian lận thương mại, trốn  thuế, ma túy, mại dâm…). Tuy nhiên, hoạt động thanh toán chỉ là khâu cuối cùng  để hoàn tất một giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ; việc quản lý và xác định tính  hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành có  chức năng quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ đó.

Trên thực tiễn, ngành ngân hàng không thể xác định tính hợp pháp của các hàng hóa, dịch vụ để có thể  thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn phù hợp; do đó, cần có  sự phối hợp, cung cấp thông tin thường xuyên và chặt chẽ của các bộ, ngành có liên quan.

Các đại biểu tham dự sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng 2023.
Các đại biểu tham dự sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành ngân hàng 2023.

Một số vấn đề mới phát sinh gần đây (như thanh toán cho các dịch  vụ xuyên biên giới của các tổ chức công nghệ lớn trên lãnh thổ Việt Nam) diễn  biến phức tạp, chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên đòi hỏi phải có sự phối hợp,  xử lý của nhiều bộ, ngành. 

Trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức ký kết Kế  hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, trong đó có nội  dung kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch dữ liệu khách  hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp của ngành ngân hàng; rà soát đối tượng  nghi ngờ, giả mạo các loại giấy tờ với dữ liệu sinh trắc học của căn cước công dân phục vụ  công tác phòng, chống tội phạm. Bước đầu, đã có khoảng 25 triệu hồ sơ tín dụng của khách hàng được “làm sạch”.