07:00 11/04/2023

Ngành tài chính Trung Quốc "quay cuồng" vì cuộc chiến chống tham nhũng

Ngọc Trang

Theo tờ báo Financial Times, ngành tài chính Trung Quốc đang quay cuồng với hàng loạt vụ án tham nhũng và những cuộc kiểm toán đột xuất tăng lên đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm...

Điều này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh siết quản lý đối với ngành công nghiệp được cho là chưa phục vụ tốt cho nền kinh tế nói chung.

Giữa lúc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Bắc Kinh (CCDI) tăng cường cảnh báo về “chủ nghĩa hưởng thụ” và “lối sống cao cấp”, nhiều ngân hàng ở Trung Quốc đã mạnh tay cắt giảm lương và thưởng của các giám đốc điều hành trong bối cảnh nhiều cựu quản lý cấp cao bị điều tra.

Từ tháng 2 năm nay, hơn chục lãnh đạo doanh nghiệp bị điều tra và bị phạt khi CCDI khởi động một chiến dịch mới nhằm “kiên quyết” chống lại những hành vi sai trái trong lĩnh vực này và loại bỏ “tư tưởng theo đuổi các hành vi sai trái” của các giám đốc doanh nghiệp nhằm gia nhập giới tinh hoa tài chính.

Trường hợp nổi bật nhất gần đây là Liu Liange, cựu chủ tịch Bank of China, một trong những ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, bị điều tra vào cuối tháng 3.

Các chuyên viên tài chính làm việc với các hợp đồng cho thuê, khoản vay mua thiết bị và hậu cần trong lĩnh vực công nghiệp cũng là đối tượng điều tra của CDI. Cong Lin, một cựu giám đốc bộ phận cho thuê thuộc Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới, cũng thuộc nhóm đối tượng điều tra. Ông Cong - người bắt đầu làm việc cho công ty tài chính China Renaissance vào năm 2020 và Bao Fan, người sáng lập công ty ty này, được cho là đang bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Bao Fan, người được báo cáo "mất tích" hồi tháng 2, được cho là đang bị cơ quan chức năng bắt giữ - Ảnh: Bloomberg
Bao Fan, người được báo cáo "mất tích" hồi tháng 2, được cho là đang bị cơ quan chức năng bắt giữ - Ảnh: Bloomberg

Tại ICBC, ông Cong từng làm việc cùng Li Xiaopeng cựu chủ tịch tập đoàn tài chính nhà nước China Everbright Group. Đầu tháng này, CCDI cho biết ông Li đang bị điều tra vì “vi phạm phát luật nghiêm trọng”.

Cũng trong tháng này, Li Li, cựu chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải, bị cáo buộc nhận hối lộ khoảng 14 triệu USD khi ký các khoản vay với doanh nghiệp tại tỉnh Vân Nam.

Ngày 9/4, CCDI cho biết đã tiến hành một đợt thanh tra mới đối với hơn 30 tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực gồm tài chính, quốc phòng và năng lượng.

Các cuộc kiểm tra đặc biệt của CCDI đã mở rộng sang nhiều tổ chức khác như Sàn giao dịch vàng Thượng Hải. Trong khi đó, các nhà đầu tư mạo hiểm ở Bắc Kinh cho biết họ đang bị tăng cường kiểm tra thuế và áp lực pháp lý với lĩnh vực này ngày càng lớn.

Theo một phân tích của Financial Times với hơn 20 tổ chức môi giới tài chính tại Trung Quốc đại lục, khoảng 75% công ty đã giảm tiền lương của đội ngũ quản lý trong năm ngoái. CICC, một ngân hàng đầu tư hàng đầu tại Trung Quốc, đã giảm hơn 10% lương của đội ngũ quản lý trong năm 2022, còn tiền thưởng có thể giảm tới 40%, theo nguồn tin của Financial Times.

Chính tại các cơ quan quản lý tài chính, tiền lương của cán bộ sau khi bị giáng chức cũng dự kiến bị cắt giảm trong các đợt cải cách gần đây.

Nhiều năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng lĩnh vực tài chính nên phục vụ “nền kinh tế thực sự” tốt hơn. Tháng 10 năm ngoái, ông cam kết sẽ thực hiện cải cách cấu trúc sâu rộng hơn và “đưa tất cả các loại hoạt động tài chính vào khuôn khổ quản lý”.

Theo ông Victor Shih, giáo sư về kinh tế chính trị Trung Quốc tại Đại học California San Diego, Bắc Kinh có “sự hoài nghi sâu sắc với lĩnh vực tài chính” và có thể sẽ có nhiều động thái mạnh tay để điều chỉnh lĩnh vực này.

Từ năm 2012, Trung Quốc đã tăng cường điều tra tham nhũng đối với hơn 4 triệu quan chức Chính phủ, cả cấp cao lẫn cấp thấp. Ban đầu tập trung vào khoảng 100 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng từ năm 2017, CCDI đã mở rộng phạm vi điều tra sang các tổ chức có yếu tố nhà nước cũng như các công ty thuộc khu vực tư nhân.

Năm 2021, khi Chính phủ Trung Quốc công bố chiến dịch “vì sự thịnh vượng chung” nhằm chống lại sự “thái quá” và “bất bình đẳng” trong xã hội, CCDI đã dành nhiều tháng để điều tra hơn 20 tổ chức tài chính, bao gồm ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm, các sàn giao dịch chứng khoán, các ngân hàng thương mại và công ty quản lý tài sản.

Bà Zhu Jiangnan, một chuyên gia về tham nhũng tại Trung Quốc đang làm việc tại Đại học Hồng Kông, cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy “vấn đề nghiêm trọng” về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.

“Nhà cầm quyền lo lắng về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực này. Đây là thực trạng đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau và liên quan đến cán bộ ở nhiều cấp, cũng như ở nhiều loại hình cơ quan tài chính khác nhau. Điều này có thể gây mất an toàn cho nền tài chính của đất nước”, bà Zhu phát biểu.