Vành đai và Con đường sa sút, Trung Quốc chi hàng trăm tỷ USD “giải cứu” các nước nặng nợ
Việc Trung Quốc nổi lên thành một “người cho vay cuối cùng” (lender of last resort) có mức độ ảnh hưởng lớn đặt ra thách thức lớn đối với những định chế do phương Tây dẫn đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)...
Trung Quốc đã mở rộng mạnh mẽ hoạt động cho vay “giải cứu”, trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này bị cho là thất bại sau một loạt vụ xoá nợ, những dự án ngập bê bối và các cáo buộc tham nhũng ở những quốc gia tham gia sáng kiến - tờ Financial Times cho hay.
Dẫn một báo cáo công bố ngày 27/3, tờ báo cho biết Trung Quốc đã cấp 104 tỷ USD vốn vay giải cứu cho các nước đang phát triển trong thời gian từ 2019-2021. Con số này lớn gần tương đương mức cho vay giải cứu của Trung Quốc trong cả 2 thập kỷ trước đó cộng lại. Đây là nghiên cứu được thực hiện bởi AidData, Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel, được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên nhằm nắm bắt toàn bộ hoạt động cho vay giải cứu của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.
Theo báo cáo, từ năm 2000 đến cuối năm 2021, Trung Quốc thực hiện 128 chương trình cho vay giải cứu với 22 quốc gia mắc nợ, tổng trị giá của các khoản vay giải cứu đạt 240 tỷ USD.
Việc Trung Quốc nổi lên thành một “người cho vay cuối cùng” (lender of last resort) có mức độ ảnh hưởng lớn đặt ra thách thức lớn đối với những định chế do phương Tây dẫn đầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - tổ chức giữ vai trò bảo vệ ổn định tài chính toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
“Cấu trúc tài chính toàn cầu đang trở nên ít gắn kết hơn, ít thể chế hoá hơn và ít minh bạch hơn. Bắc Kinh đã tạo ra một hệ thống toàn cầu mới cho việc cho vay giải cứu xuyên biên giới, nhưng họ làm vậy theo một cách ít minh bạch và không có sự phối hợp”, Giám đốc điều hành Brad Parks của AidData thuộc trường College of William and Mary ở Mỹ nhận định.
Lãi suất tăng trên toàn cầu và xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD đã dẫn tới lo ngại về khả năng trả nợ của các quốc gia đang phát triển. Một số nước đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ, trong khi sự thiếu phối hợp giữa các chủ nợ bị cho là nguyên nhân khiến cho khủng hoảng nợ nần của một số nước nặng nợ bị kéo dài.
Tuần trước, Tổng thống Ranil Wickremesinghe của Sri Lanka đã kêu gọi Trung Quốc và các chủ nợ khác của nước này nhanh chóng đạt một sự nhượng bộ về tái cấu trúc nợ sau khi IMF phê chuẩn một chương trình cho vay 3 tỷ USD kéo dài 4 năm cho Sri Lanka.
Trung Quốc từ lâu luôn từ chối tham gia vào các chương trình đa phương về xử lý nợ, cho dù nước này là một thành viên của IMF. Ghana, Pakistan và các nước nặng nợ vay nhiều của Trung Quốc đều đang theo dõi sát sao trường hợp Sri Lanka.
“Chủ trương song phương nghiêm ngặt của Trung Quốc khiến việc điều phối hoạt động giữa các nhà cho vay khẩn cấp khác trở nên khó khăn hơn nhiều”, ông Parks nhận định.
Một số nước trong số 22 quốc gia mà Trung Quốc đã cho vay giải cứu - gồm Argentina, Belarus, Ecuador, Ai Cập, Lào, Mông Cổ, Pakistan, Suriname, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, và Venezuela - cũng là những nước nhận sự giúp đỡ của IMF.
Tuy nhiên, có những khác biệt lớn trong các chương trình cho vay của IMF và các vụ giải cứu của Trung Quốc. Một trong số đó là vốn vay của Trung Quốc không hề rẻ. “Một khoản vay giải cứu điển hình từ IMF có lãi suất 2%. Lãi suất bình quân của một khoản vay giải cứu từ Trung Quốc là 5%”, nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, không phải quốc gia nào tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường muốn vay tiền của Trung Quốc cũng có thể vay. Những nước nhận được nhiều hỗ trợ tài chính từ sáng kiến này - đồng nghĩa với rủi ro lớn đối với các ngân hàng Trung Quốc - có khả năng cao hơn nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp của Trung Quốc.
“Xét cho cùng Trung Quốc đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính nước này. Đó là lý do vì sao Trung Quốc dấn thân vào một công việc đầy rủi ro là cho vay giải cứu quốc tế”, giáo sư Carmen Reinhart của Harvard Kennedy School, một cựu chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định.
Trung Quốc cho vay theo hai dạng. Dạng đầu tiên là “hạn ngạch hoán đổi”, trong đó tiền Nhân dân tệ được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giải ngân, đổi lại là đồng tiền của nước nhận khoản vay. Khoảng 170 tỷ USD đã được cho vay theo cách này. Dạng thứ hai là thông qua hỗ trợ can cân thanh toán, với khoảng 70 tỷ USD đã được cam kết, chủ yếu từ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là chương trình đầu tư hạ tầng xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay trên thế giới. Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Washington DC, ước tính giá trị của các dự án hạ tầng do Trung Quốc cẫn đầu và các giao dịch khác được nhận diện là thuộc “Vành đai và Con đường” đạt mức 838 tỷ USD trong thời gian từ 2013 đến 2021.
Việc Trung Quốc mạnh tay cho vay giải cứu đã làm lộ ra những thiếu sót trong thiết kế của sáng kiến mà Chủ tịch nước này, ông Tập Cận Bình, từng gọi là “dự án của thế kỷ”. Theo chuyên gia Christoph Trebesch của Viện Kiel, có một vấn đề là các nhà cho vay Trung Quốc “thực sự muốn vào những quốc gia mà hoá ra lại có những vấn đề rất nghiêm trọng”.
Những thiếu sót khác của sáng kiến đến từ sự thiếu vắng nghiên cứu khả thi và thiếu minh bạch - theo nghiên cứu.
Một số dự án đã trở thành câu chuyện gây tranh cãi quanh việc làm thế nào để không nhận vốn vay phát triển. Một dự án đường 1 tỷ USD “chẳng dẫn đến đâu” ở Montenegro vẫn chưa được hoàn thiện và chìm trong những cáo buộc tham nhũng, trì hoãn và các vấn đề môi trường.
Những công trình tốn kém và không mấy hữu ích như cảng Hambantota và tháp Lotus của Sri Lanka được xem là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng nợ của nước này, trong khi có hơn 7.000 vết nứt được phát hiện tại một con đập ở Ecuador do nhà thầu Trung Quốc xây dựng gần một ngọn núi lửa đang hoạt động.