Ngành thuế tra xét hành vi kê khống bảng kê sau vi phạm của “ông lớn” kinh doanh thuốc lá
Sau vụ việc Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm tại Vinataba chấp nhận bảng kê khống chi phí của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung, ngành thuế yêu cầu kiểm tra chặt các loại bảng kê chi phí đầu vào không cần hóa đơn...
Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua hàng hóa bằng hình thức bảng kê.
Tổng cục Thuế cho biết đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và công văn của Thanh tra Chính phủ về thực hiện kiến nghị tại Kết luận thanh tra số 966/KL-TTCP ngày 06/02/2024.
Kết luận thanh tra chỉ ra rằng nguồn gốc một số nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung bán cho các công ty thành viên của Vinataba có dấu hiệu hợp thức hóa nguyên liệu không hợp pháp.
Theo đó, tại kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Thanh tra Chính phủ nêu rõ trong thời gian từ 2013-2017, Công ty Thuốc lá Bến Tre, Công ty cổ phần Hòa Việt, Công ty Thuốc lá An Giang, Công ty Thuốc lá Đồng Tháp, Công ty Thuốc lá Cửu Long - các công ty thành viên thuộc Công ty Thuốc lá Sài Gòn, có một số hợp đồng mua nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung có trụ sở tại thôn Bình Lợi, xã Hào Đước, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh).
Hồ sơ Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung cung cấp thể hiện một số nguyên liệu thuốc lá mua trực tiếp của người trồng cây thuốc lá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, thực hiện lập bảng kê hàng hóa mua vào không có hóa đơn.
“Kết quả xác minh việc mua nguyên liệu thuốc lá của Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung cho thấy nhiều người có tên trong bảng kê thu mua nguyên liệu thuốc lá của người trồng nhưng thực tế họ không trồng, bán nguyên liệu thuốc lá cho Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung".
Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế kiểm tra việc kê khai và nộp thuế đối với các trường hợp thu mua nguyên liệu thuốc lá của các hộ nông dân được thực hiện bằng hình thức bảng kê.
Từ đó, xác định giá tính thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp, xác định lại thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung do bảng kê mua nguyên liệu thuốc lá không phù hợp.
Căn cứ kết quả thanh tra, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại các Công văn số 5092/TCT-TTKT ngày 14/11/2023 và 106/TCT- TTKT ngày 10/01/2024 về kiểm tra việc kê khai của doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung, báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế) trước ngày 30/4/2024 và tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế tăng cường xác minh các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức bảng kê được quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015) để xác định tính hợp lý, hợp pháp. Từ đó, có căn cứ xác định chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý, đúng quy định, tránh thất thu ngân sách nhà nước.
“Lưu ý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm như Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Dung đã nêu tại Kết luận Thanh tra số 966/K1-TTCP ngày 20/9/2022 của Thanh tra Chính phủ”, Tổng cục Thuế đề nghị.
Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh nếu phát hiện các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định, nếu có dầu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bảng kê mua hàng là chứng từ dùng để kê khai mua vật tư, công cụ, hàng hóa hay các dịch vụ trên thị trường tự do với các trường hợp người bán thuộc diện không cần phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra, khi đó, doanh nghiệp phải tiến hành lập bảng kê mua hàng hóa theo quy định để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn, được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu khi doanh nghiệp mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; hoặc mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra.
Doanh nghiệp khi mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra; mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua đồ dung, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra; hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng 100 triệu đồng/năm, đều được phép lập bảng kê mua hàng hóa mua vào không có hóa đơn.
Do đó, nhiều doanh nghiệp thường cố tình gian lận bằng nhiều cách, trong đó có lập bảng kê khống để được khấu trừ, hoàn thuế, từ đó, gây ra hiện tượng “lỗ giả, lãi thật” và gây thất thu ngân sách. Đến khi cơ quan thuế xác minh mới phát hiện trên thực tế không có người bán hay một số người không có địa chỉ thật ở địa phương.