16:29 16/03/2011

Ngành thuế truy thu các doanh nghiệp khai lỗ

Mai Khanh

Sẽ mở rộng việc thanh kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kê khai lỗ liên tiếp trong nhiều năm

Số liệu các doanh nghiệp có vốn FDI kê khai lỗ  lãi trong của năm 2010 sắp được công bố trong cuối tháng 3 này.
Số liệu các doanh nghiệp có vốn FDI kê khai lỗ lãi trong của năm 2010 sắp được công bố trong cuối tháng 3 này.
Bộ Tài chính cho biết từ năm 2010, cơ quan này đã thí điểm việc thanh kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kê khai lỗ liên tiếp trong nhiều năm, nhưng vẫn duy trì và mở rộng hoạt động.

Năm nay, công tác này sẽ được tập trung lực lượng để mở rộng phạm vi thanh kiểm tra. “Có thể truy thu được khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước từ công tác này”, một lãnh đạo ngành thuế dự đoán. Mặc dù, con số này so với tổng doanh thu là không lớn, nhưng được xem là có ý nghĩa đáng kể trong việc đánh thức các doanh nghiệp tuân thủ quy định về thuế.

Bộ Tài chính cũng cho biết, công tác thanh tra thuế tại các cục thuế địa phương trong năm nay cũng sẽ khác các năm trước. Trong khi những năm trước, cơ quan thuế địa phương tự đặt kế hoạch thanh kiểm tra thuế, nhưng năm nay, Bộ Tài chính trực tiếp giao chỉ tiêu cho từng đơn vị. Chỉ tiêu thanh kiểm tra được căn cứ theo số lượng, đối tượng quản lý, nhân sự của cục thuế.

Một yêu cầu đối với cục thuế các địa phương là phải bố trí tối thiểu 25% nhân sự để thực hiện công tác thanh kiểm tra này. Để thực hiện nhiệm vụ này, các cục thuế được yêu cầu có thể trưng dụng cán bộ của bộ phận khác để hoàn tất nhiệm vụ này.

Cách làm này cũng gây một số lo ngại về khả năng “lọt lưới” một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngành thuế cho biết việc chọn mẫu thanh kiểm tra được thực hiện dựa trên những chỉ tiêu theo định hướng chọn mẫu doanh nghiệp. Việc lựa chọn doanh nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. doanh nghiệp nào có chỉ số kinh doanh bất thường sẽ là đối tượng được chọn mẫu.

Một chỉ tiêu đáng chú ý là tổng số nộp ngân sách/doanh số. Doanh nghiệp nào có chỉ số này ở dạng thấp bất thường so với các doanh nghiệp khác thì được xếp vào danh sách chọn mẫu với định hướng tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng lỗ lớn.

Những doanh nghiệp có dấu hiệu lỗ liên tục nhiều năm, trong khi vẫn tiếp tục mở rộng quy mô họat động, Bộ Tài chính có thể kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét rút giấy phép họat động của doanh nghiệp. Điều này được thực hiện theo nguyên lý là “muốn kinh doanh thì phải có vốn chủ sở hữu, nhưng một khi lỗ nhiều hơn thì còn gì mà kinh doanh?”.

Ngành thuế cũng cho biết số liệu các doanh nghiệp có vốn FDI kê khai lỗ  lãi trong của năm 2010 sắp được công bố trong cuối tháng 3 này. Con số này được dự báo sẽ ở mức thấp hơn năm trước và có thể dưới mức 30%. Tại cuộc họp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tháng 2 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết qua kiểm tra sơ bộ tại 3.400 doanh nghiệp, số lỗ được báo cáo là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Việc thanh tra thuế  của các doanh nghiệp được thực hiện trước tiên thông qua các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thực hiện nộp báo cáo tài chính theo quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Để đẩy mạnh ý  thức tuân thủ thực hiện báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3078/BTC-TCDN đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo thực hiện việc đôn đốc các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI nộp báo cáo tài chính.

Theo chỉ đạo này, sở tài chính các địa phương được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan là sở kế hoạch và đầu tư, cục thuế, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thông báo và đôn đốc các doanh nghiệp FDI đăng ký trụ sở kinh doanh chính trên địa bàn nộp báo cáo tài chính năm 2010 và các năm tiếp theo.

Đối với các doanh nghiệp FDI do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp giấy chứng nhận đầu tư thì cơ quan tài chính tiếp nhận báo cáo là sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính.

Đối với doanh nghiệp FDI do bộ, ngành trung ương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư thì doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính về Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính. Thời hạn nộp báo cáo tài chính về cơ quan tài chính là trước ngày 31/3.

Sở tài chính là đơn vị đầu mối thực hiện tổng hợp đánh giá báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp FDI đăng ký trụ sở kinh doanh chính tại địa bàn, sau đó gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30/4 để tổng hợp chung theo cả nước.