11:00 12/04/2023

Nghệ An: Tốc độ tăng trưởng GRDP đứng thứ 14 cả nước

Nguyễn Thuấn

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong quý 1 ước đạt 7,75%, đứng thứ 14 cả nước...

Một góc TP Vinh, Nghệ An
Một góc TP Vinh, Nghệ An

Theo thông tin từ Sở kế hoạch và đầu tư Nghệ An, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng qua của tỉnh Nghệ An ước đạt 520 triệu USD, nhập khẩu ước đạt hơn 274 triệu USD. Lượng khách du lịch tăng 181% và doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 1.460 tỷ đồng, bằng 306% so với cùng kỳ năm 2022. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An quý 1 năm 2023 ước thực hiện 4.467 tỷ đồng, đạt 28,2% dự toán, bằng 90,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) quý 1 ước đạt 7,75% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành của cả nước). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 7,03% (riêng công nghiệp ước tăng 8,65%); khu vực dịch vụ ước tăng 10,23%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 0,91%.

Về thu hút đầu tư, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 32 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 5.454,1 tỷ đồng; điều chỉnh 30 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 12 lượt dự án (tăng 330,5 tỷ đồng); tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là hơn 5.784 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Nghệ An vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước. Tăng trưởng khu vực công nghiệp tại Nghệ An đạt thấp hơn kịch bản đề ra. Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực như linh kiện điện tử, sợi, hàng may mặc, dăm gỗ, bao bì... gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ do lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Một số khoản thu ngân sách đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022; thị trường bất động sản gặp khó khăn nên thu từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất một số địa phương chưa đạt theo kế hoạch...

Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nghệ An trong quý I vẫn còn thấp, tính đến ngày 30/3/2023, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh Nghệ An quản lý đã giải ngân 391,507 tỷ đồng, đạt 7,01%. Riêng khối địa phương còn có 4/21 địa phương chưa thực hiện giải ngân). Tiến độ chuẩn bị đầu tư hồ sơ thủ tục các dự án khởi công mới thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn chậm.

Theo báo cáo của Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Nghệ An, trong năm 2023, tỉnh này được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 9.033 tỷ đồng tổng vốn ngân sách Nhà nước, trong đó, đưa vào kế hoạch đầu tư công tập trung tỉnh quản lý hơn 5.583 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ chi tiết hơn 5.386 tỷ đồng, đạt 96,47%.

Tuy nhiên, đến nay hiện còn 20 dự án, số vốn gần 200 tỷ đồng chưa hoàn thiện thủ tục để giao vốn. Trong đó, huyện Kỳ Sơn 4 dự án, huyện Tương Dương 3 dự án, huyện Con Cuông 10 dự án, huyện Nghĩa Đàn 1 dự án, Sở Văn hóa và Thể thao 2 dự án.

Tiến độ hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục các dự án khởi công mới khá chậm. Đến ngày 10/3, trong 48 dự án khởi công mới thuộc kế hoạch năm 2023 thì chỉ có 4 dự án đã có kết quả đấu thầu xây lắp và khởi công xây dựng; còn 8 dự án mới phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, chuẩn bị/đang triển khai đấu thầu xây lắp.

Có 9 dự án đang lập, trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; 13 dự án mới đang ở bước đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn, 8 dự án đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 3 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh dự án và 3 dự án chương trình phục hồi mới được giao vốn nên chưa triển khai các bước tiếp theo.

Nguyên nhân được Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An đưa ra là do các tháng đầu năm, đối với các công trình chuyển tiếp, các đơn vị đang tập trung thực hiện khối lượng để hoàn tạm ứng kế hoạch giải ngân năm 2022. Đối với các công trình khởi công mới thì đang tập trung triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan để khởi công xây dựng.

Cùng với đó, năm 2023 gặp khó khăn do khối lượng công việc nhiều hơn, nguồn vốn giải ngân lớn hơn. Các yếu tố như giá cả nguyên, nhiên, vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu.

Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục khó khăn, trong đó, vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật.