15:32 29/01/2009

Nghề chủ tịch hội đồng quản trị

Có người hiện nay cùng một lúc giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của nhiều công ty khác nhau

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (giữa) tại cuộc họp ở Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt - Ảnh: Thanh Đạm.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (giữa) tại cuộc họp ở Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt - Ảnh: Thanh Đạm.
Chưa bao giờ hoạt động mua, bán, sáp nhập, thành lập mới công ty nở rộ như thời gian qua.

Nhiều công ty ra đời đồng nghĩa với nhu cầu cần người lãnh đạo. Có người hiện nay cùng một lúc giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của nhiều công ty khác nhau. Có người giữ đến năm, sáu, thậm chí bảy ghế chủ tịch hội đồng quản trị.

Thân này ví xẻ làm đôi

Kỷ lục cùng một lúc giữ nhiều chức danh chủ tịch hội đồng quản trị hiện nay có thể kể đến ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Bảy ghế chủ tịch hội đồng quản trị và hội đồng thành viên (Công ty FSC, Công ty Chế biến gỗ Tân Phú, Công ty Đầu tư và Kinh doanh vàng bạc đá quý Quốc tế, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt...), một ghế phó chủ tịch hội đồng quản trị và bốn ghế thành viên hội đồng quản trị là những chức danh mà doanh nhân trẻ này đang gánh trên vai.

Một phần trong các chức danh trên ông Quỳnh giữ vai trò là người đại diện của PNJ, một phần là của chính mình.

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam - cũng giữ nhiều chức danh. Ngoài việc nắm giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đồng Tâm, còn kiêm luôn chức danh chủ tịch hội đồng quản trị của 5-6 công ty khác. Trong khi đó, số người nắm giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của 3-4 công ty hiện đang khá phổ biến.

“Có một câu nói tôi không nhớ của ai nhưng vận vào mình rất hay, đại khái là không có trường nào dạy làm nghề tổng thống cả nhưng tất cả đều có thể học. Bản thân tôi phải vừa làm vừa học”, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh nói về sự “đa đoan” của mình.

Ngoài ba buổi sáng trong tuần đưa con đi học cộng với một ngày cuối tuần, nếu không đi công tác xa, là thời gian dành cho gia đình, phần còn lại ông chia đều hết cho công việc.

Là “ông chủ tịch” của bảy công ty, ông Quỳnh phải lên lịch ưu tiên mỗi ngày cho một công ty, phần chính vẫn dành cho “công ty mẹ” là PNJ.

“Tôi phải cảm ơn công nghệ thông tin, vì tôi chủ yếu giải quyết công việc bằng email và qua điện thoại. Bởi vậy, dù việc nhiều nhưng tôi vẫn cứ béo tròn”, ông Quỳnh nói vui. Ngày làm việc của ông Quỳnh thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ.

Cũng là người giữ cùng lúc nhiều ghế chủ tịch hội đồng quản trị, ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn - thừa nhận: “Phần lớn thời gian của tôi vẫn dành cho Giấy Sài Gòn. Chức danh ở những công ty khác tôi chỉ tham gia chủ yếu để làm công tác đối ngoại là chính, còn lại anh em phải điều hành”.

Chủ tịch hội đồng quản trị là ai?

“Ngoài việc phải có năng lực, uy tín mới được hội đồng quản trị bầu làm chủ tịch, người làm chủ tịch hội đồng quản trị còn phải có năng khiếu đối ngoại, giao tiếp”, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vincom, chia sẻ.

Là người tiếp xúc, chia sẻ kinh nghiệm lẫn kiến thức với nhiều đối tượng khác nhau trong giới doanh nhân, ông Giản Tư Trung - Tổng giám đốc Trường Doanh nhân PACE - phác họa: “Chủ tịch hội đồng quản trị phải là người vạch ra chiến lược và phản biện được chiến lược do ban giám đốc đề xuất. Vị chủ tịch hội đồng quản trị phải là nơi khởi nguồn cho mọi sự cải tổ”.

Ông Trung cho biết đa số chủ tịch hội đồng quản trị trong những công ty Việt Nam đều phải làm những phần việc của giám đốc. “Bởi thế để tiện điều hành, nhiều công ty chọn giải pháp chủ tịch kiêm tổng giám đốc”, ông Trung nhận xét.

Ở vai trò chủ tịch hội đồng quản trị, ngoài nhiệm vụ chính là vạch ra chiến lược, hướng đi đúng với thế mạnh của từng công ty, từng giai đoạn, ông Quỳnh cũng không tránh khỏi việc phải giải quyết những công việc sự vụ.

“Đôi khi mình phải làm trọng tài để giữ hòa khí trong hội đồng quản trị, lúc phải đặt bút ký một hợp đồng làm ăn mà tổng giám đốc nhát tay, hay phải phán quyết việc sa thải một trường hợp mà những người điều hành khó xử..., bởi thật khó đưa ra một lý do xác đáng mà chủ yếu vì cảm tính”, ông Quỳnh tâm sự.

Ông thừa nhận có lần mất ngủ cả đêm do phải quyết định sa thải nhân viên. “Nhưng khó nhất vẫn là những công việc liên quan đến nhân sự. Phải ứng xử sao cho tế nhị, có tình có lý, bởi tôi là người trẻ nhất trong cả hội đồng quản trị lẫn ban giám đốc các công ty. Phải luôn luôn đánh giá khách quan và chính xác mới làm mọi người tâm phục khẩu phục được. Muốn vậy phải quan sát, lắng nghe nhiều kênh”, ông Quỳnh rút ra kinh nghiệm.

Ký duyệt hàng đống giấy tờ mỗi ngày, nhiều khi phải ký chi chỉ 2 triệu đồng là những phần việc mà theo ông Võ Quốc Thắng, ở cương vị chủ tịch hội đồng quản trị phải “đoạn tuyệt” để dành thời gian cho những cái lớn hơn.

Ông Thắng thừa nhận: “Mỗi ngày có thể làm việc đến mười giờ là tối đa, còn làm nhiều hơn thế mà kéo dài thì đúng là không thể chịu nổi nữa”.

Nhận ra những điều lâu nay không chuyên nghiệp của mình, ông Thắng tiết lộ: “Chúng tôi đang làm một cuộc tái cấu trúc cho công ty. Tôi sẽ không còn giữ nhiều ghế chủ tịch hội đồng quản trị nữa mà sẽ chỉ còn duy nhất chức danh chủ tịch của Tập đoàn Đồng Tâm, công ty mẹ, để tập trung cho chiến lược phát triển, những phần việc mang tính vĩ mô. Ở bên dưới, từ chủ tịch hội đồng quản trị đến tổng giám đốc các công ty con sẽ được trao quyền rõ ràng”.

Một trong những thay đổi lớn của Đồng Tâm là thuê ngay một tổng giám đốc nước ngoài có kinh nghiệm điều hành công ty đa quốc gia. “Sự thay đổi sắp tới của Đồng Tâm có thể coi như một cuộc cách mạng của chính mình mà ở đó vai trò của vị chủ tịch là chủ đạo”, ông Thắng chia sẻ.

Phải “có nghề” hơn

Mô hình công ty cổ phần đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, vì thế vai trò của chủ tịch hội đồng quản trị ngày càng quan trọng, đòi hỏi phải chuyên nghiệp.

Theo ông Giản Tư Trung, do rất nhiều công ty, tập đoàn ở Việt Nam đi lên từ kinh tế hộ gia đình, mang tính cha truyền con nối, làm theo kinh nghiệm nên quản lý doanh nghiệp mang tính “cai trị” hơn là “quản trị”.

Còn Luật sư Nguyễn Ngọc Bích cho rằng các ông chủ doanh nghiệp này quản lý theo sự thuận tiện hơn là khoa học. “Nhiều vị chủ tịch hội đồng quản trị hôm trước đặt bút ký hợp đồng, hôm sau có thể thẳng tay xé phăng nó ngay bởi họ làm theo cảm tính mà không theo quy trình, nguyên tắc. Thời đại bây giờ đã khác, muốn làm ông chủ thì phải biết chuyên nghiệp!”, ông Trung chia sẻ.

Cũng là người kiêm nhiệm nhiều chức vụ, ông Trần Minh Loan - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu khí An Pha - cho rằng do đặc thù tình hình phát triển nên nhiều công ty phải tập trung quyền lực và thống nhất chiến lược, hướng đi cho nhóm công ty của mình về một người.

Ông Loan nói: “Nhưng đó chỉ mang tính tạm thời phục vụ giai đoạn phát triển nhanh này thôi. Ở Việt Nam cũng có những công ty áp dụng mô hình chủ tịch hội đồng quản trị là người không nắm giữ cổ phần nào cả mà vẫn điều hành hội đồng quản trị một cách chuyên nghiệp, nhưng đó là chuyện hiếm. Tôi nghĩ qua giai đoạn phát triển “nóng” này, hoạt động của hội đồng quản trị ở các công ty sẽ chuyên nghiệp hơn. Về lâu về dài phải phân nhiệm, sắp xếp lại mới ổn được về mặt cấu trúc, phát triển bền vững”.

Lê Nguyên Minh (Tuổi Trẻ)