09:37 27/07/2019

Nghe "khóc cưới" ở Phù Dung cổ trấn

Tường Bách

Phù Dung cổ trấn được xây dựng cách đây hơn 2.000 năm trên dãy Sùng Sơn huyền bí, là một ngôi làng đẹp như tranh treo mình bên thác nước.


Cách Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc) khoảng 80 km về phía tây nam, Phù Dung cổ trấn tọa lạc trên thác Vương Thôn, nép mình bên dòng Dậu Thủy. Thị trấn được xây dựng trên một ngọn núi. Nơi cao nhất của thị trấn là 927m và điểm thấp nhất là 139m, đứng từ nơi cao nhất của thị trấn bạn có thể ngắm nhìn nét đẹp đơn sơ và giản dị nhưng không kém phần thơ mộng của một thị trấn ngàn năm tuổi, những con đường quanh co như những mảnh lụa mềm mại uốn quanh thị trấn cổ.Từ xa xưa, Phù Dung cổ trấn là nơi sinh sống của nhiều người dân tộc thiểu số, như người Thổ Gia, người H’mông và người Hán. Trong đó, người Thổ Gia chiếm hơn 80% tổng dân số. Những năm 80 của thế kỷ trước, Phù Dung trấn nổi lên và được đông đảo du khách biết đến qua bộ phim cùng tên lấy bối cảnh chính ở tại thị trấn cổ này. Để thăm quan và khám phá hết được nét đẹp của trấn cổ Phù Dung cần khoảng hai giờ đồng hồ nhưng nếu muốn nghiên cứu để hiểu được lịch sử, văn hóa của còn người nơi đây thì phải mất đến vài ngày, thậm chí vài tháng.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 1.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 2.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 3.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 4.
Thời điểm đẹp nhất để đến Phù Dung trấn là vào tháng Tư đến tháng Tám hàng năm. Lúc này, nắng chiếu nhẹ nhàng trên con đường quanh co nối dài từ Phù Dung Trấn đến bến tàu sông Youshui – con đường được du khách gọi bằng cái tên 'Con đường tơ lụa' nhờ cảnh đẹp mỹ miều và hùng vỹ. Bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn thác nước Phù Dung vào thời điểm đẹp nhất trong năm. Như một bức tranh phong thủy hữu tình có núi, có sông, có thác nước chảy, Phù Dung trấn hiện lên mờ ảo, mộng mị trong làn hơi nước.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 5.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 6.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 7.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 8.
Dưới chế độ cai trị của Thổ Vương (kết thúc cách đây khoảng 300 năm) nhà ở, đường sá, hành lang và cầu ở Phù Dung trấn đều được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và không sử dụng đinh sắt. Cách xây dựng này cho phép người Thổ Gia có thể tháo rời các thanh gỗ để chuyển đi khi cần thiết. Trải qua những biến động của thời gian, các ngôi nhà ở trấn cổ đã được tu sửa và xây mới, kiến trúc lâu năm nhất còn sót lại là nhà Thổ Vương với hơn 300 năm lịch sử.Dạo bước trên đường phố trải đá xanh sẽ khiến ta có thể từ trong cảnh đẹp mơ màng ấy tìm thấy những nét độc đáo của thị trấn này, những đường phố, nếp nhà sàn, tường khắc hoa khi ẩn khi hiện, dưới ánh chiều tà, nhà cửa trong thị trấn cổ mộc mạc nằm rải rác đó đây. Hãy nhớ ghé thăm trụ đồng Khê Châu cao gần 4 mét, gồm 8 cạnh, nặng 2 tấn rưỡi, trên khắc hơn 2500 chữ ghi lại đoạn lịch sử của dân tộc Thổ Gia.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 9.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 10.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 11.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 12.
Ngoài những con đường đá rêu phong và nhà cổ, Phù Dung trấn còn nổi tiếng với các thắng cảnh như Bái thủ đường, Thổ tư hành cung và cầu Vương Kiều. Khoảng sân trước Bái thủ đường là nơi tổ chức lễ hội của người dân. Để giới thiệu văn hóa địa phương với du khách, đoàn ca múa kịch sẽ có những tiết mục biểu diễn vào cả ngày thường. Nếu cơ cơ hội, hãy ngồi xuống bên một con ngõ nhỏ để lắng nghe và quan sát  tập tục "khóc cưới" của người Thổ gia. "Khóc cưới" là một tập tục truyền thống, các cô gái Thổ Gia từ 12 - 13 tuổi đã bắt đầu học "khóc cưới". Họ khóc trước ngày cưới một tháng hay hai ba ngày, các cô gái dùng tiếng khóc bày tỏ nỗi lòng mình, hình thức khóc bằng lời ca có nhạc đệm. Bạn sẽ cảm nhận được nền văn hóa dân tộc cổ xưa và huyền bí của người Thổ Gia.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 13.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 14.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 15.
Nghe khóc cưới ở Phù Dung cổ trấn - Ảnh 16.
Ngoài du lịch, người dân địa phương còn phát triển một số làng nghề khác như trồng thảo qua, thịt hun khói, làm mỳ, chế tác sừng, thuốc lá cuốn... Từ xa xưa, người Thổ Gia đã nghĩ ra cách bảo quản thịt bằng cách ướp muối rồi phơi nắng hoặc treo gác bếp. Vì vậy, thịt hun khói từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống và đặc sản vùng này. Các vật dụng được chế tác thủ công từ sừng như lược, thìa, trâm cài tóc… sẽ là những món quà lưu niệm thú vị.
Kinh nghiệm bỏ túi:Nếu bạn đi từ Trương Gia Giới, có thể đi xe buýt tại bến xe Trương Gia Giới để đến Phù Dung trấn. Thời gian di chuyển là khoảng 1h30′ với giá 25 nhân dân tệ.Nếu đi từ Cát Thủ, bạn có thể đi xe buýt tại bến xe Cát Thủ để đến thị trấn Phù Dung. Thời gian di chuyển là khoảng 2 giờ. Còn nếu bạn đi từ Phượng Hoàng Cổ trấn, bạn có thể đi xe buýt tại bến xe Phượng Hoàng và yêu cầu người lái xe cho bạn xuống tại Phù Dung trấn. Thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 2,5 đến 3 giờ.