09:49 27/11/2020

Nghị định 126: Ngàn doanh nghiệp trước nguy cơ nhận án phạt thuế mới

Bạch Dương

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp có nguy cơ dính án phạt thuế chậm nộp nếu như đến hết quý 3, doanh nghiệp không ước tính đúng được số doanh thu của quý 4

Cách tính thuế mới khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào nguy cơ nhận án phạt thuế.
Cách tính thuế mới khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào nguy cơ nhận án phạt thuế.

Nghị định 126/NĐ-CP được Bộ Tài chính trình và Chính phủ ban hành có hiệu lực ngày 5/12 tới đây hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế đang gây nhiều tranh cãi trái chiều từ phía các chuyên gia tài chính và cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 8 của Nghị định 126 có quy định, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp ba quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.

Quy định này đã đưa hàng trăm nghìn doanh nghiệp vào nguy cơ dính án phạt thuế chậm nộp nếu như đến hết quý 3, doanh nghiệp không ước tính đúng được số doanh thu của quý 4. Nền kinh tế biến đổi không lường trước, thay đổi từng ngày, từng giờ tác động đến doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp. Việc phải xác định chính xác doanh thu quý 4 với các doanh nghiệp không khác gì đánh đố, nếu dự báo sai thì bị phạt thuế. 

CHƯA BIẾT DOANH THU VẪN PHẢI NỘP ĐỦ THUẾ 

Quy định này được cho là không khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 3 quý đầu, doanh nghiệp đã tạm nộp 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp của cả năm. Đến quý 4, nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn các quý trước thì lại đối mặt với rủi ro phạt chậm nộp nên làm giảm động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Giám đốc một doanh nghiệp dược tại Hà Nội chia sẻ, nếu theo quy định của Nghị định 126/2020, đến 30/10, doanh nghiệp sẽ phải nộp 75% số thuế của năm. Do đó, công ty phải tính được quý 4 doanh thu là bao nhiêu. Chẳng hạn, doanh nghiệp dự số thuế phải nộp là 100 tỷ đồng, ngày 30/10, công ty sẽ phải nộp 75 tỷ đồng. Nếu chỉ nộp 50 tỷ thì sẽ bị phạt phí chậm nộp 0,03%/25 tỷ đồng chậm nộp. 

"Kinh doanh không phải cứ dự định là mọi thứ diễn ra đúng như vậy, nếu quý 4 chúng tôi thua lỗ, chẳng hạn như năm nay Covid-19 doanh nghiệp rất khó khăn, quý 4 doanh thu giảm, thua lỗ thì khoản 75 tỷ đồng nộp trước đó tức chúng tôi bị chiếm dụng vốn rồi", vị giám đốc cho rằng quy định mới này rất vô lý với doanh nghiệp, nộp thiếu thì bị phạt, nộp đúng lại có nguy cơ bị chiếm dụng vốn. 

Theo quy định cũ, Nghị định 91/2014, doanh nghiệp không cần khai thuế thu nhập tạm tính theo quý, nhưng vẫn phải tạm nộp căn cứ theo số thuế năm trước và dự kiến kết quả kinh doanh trong năm để xác định số thuế tạm nộp của từng quý. 

Việc tạm nộp được quy định rằng hết quý 4 số thuế tạm nộp phải đạt 80% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm. Ngoài ra, quy định cũ ngành thuế chỉ tính chậm nộp 4 quý từ sau ngày 31/1 kế tiếp. 

"So với quy định cũ, Nghị định 26 rất khắc nghiệt, bào mòn sức khoẻ của doanh nghiệp. Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30/9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng…nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuế của cả năm. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng", vị giám đốc nêu.

Bày tỏ quan điểm về quy định mới này, chuyên gia về kế toán-ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Australia cho hay, năm 2020 thế giới gặp đại dịch, doanh nghiệp khó khăn chồng chất, 3 quý đầu năm kinh doanh kém dẫn đến thua lỗ. Do đó, doanh nghiệp không tạm nộp được khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Nhưng đến quý 4, mọi thứ phục hồi, cầu tiêu dùng tăng, doanh nghiệp lội ngược dòng có lãi dẫn đến phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. 

"Nếu chiếu theo quy định mới này, 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho năm 2020 bỗng dưng thành nộp chậm và bị phạt chậm nộp. Với các doamh nghiệp xây dựng doanh thu thường được các chủ đầu tư quyết toán dồn vào quyết toán quý 4. Vậy các doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ chịu phạt thuế rất cao vì chậm nộp", ông Long phân tích. 

Vị chuyên gia kế toán này cũng đặt câu hỏi ngược lại rằng, doanh nghiệp phải dự báo trước lãi và thuế để tạm nộp trước, mặc dù 3 quý đầu chưa có thu nhập chịu thuế hoặc thu nhập chịu thuế thấp. Sau khi dự báo cả năm thu nhập chịu thuế cao, nộp thuế 75%, nếu bất ngờ đến quý 4 xảy ra những biến cố lớn chẳng hạn như Covid-19 vừa rồi khiến cả năm bị lỗ, vậy doanh nghiệp có được ngành thuế tính lãi nộp trước thuế cho không?

"Đại dịch toàn cầu, doanh nghiệp khó khăn, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng quy định quản lý thuế lại tréo ngoe", ông Long nói. 

KHÔNG THỂ VÌ MỘT SỐ MÀ PHẠT CẢ NGÀN 

Về quy định tính thuế kiểu mới này, Tổng cục Thuế giải thích rằng, từ khi Nghị định số 91/2014 thực tế triển khai cho thấy bên cạnh các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4 (thông thường vào ngày 30/1 năm sau) mới nộp thuế.

"Khi sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, và sẽ hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm để thực hiện quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm kết thúc năm tính thuế.

Các trường hợp doanh nghiệp có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4 mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến", Tổng cục Thuế nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định quy định quản lý thuế kiểu mới này vắt kiệt sức của doanh nghiệp đi ngược lại các chủ trương chính sách của Chính phủ, bộ ngành đang hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp sống sót qua đại dịch Covid-19. 

Thay vì tháo gỡ, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế lâu dài thì lại tìm mọi cách để đánh thuế, phạt thuế. 

Ông Long cho rằng cần phải sửa đổi quy định này. Còn việc nhiều doanh nghiệp không tuân thủ thì đó là trách nhiệm giám sát, thanh tra của cơ quan thuế, không vì một số doanh nghiệp không tuân thủ quy định mà đánh đồng tất cả được.