Nghiên cứu: 73% dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên dùng điện thoại di động
Theo ITU, 73% dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên sở hữu điện thoại di động; ở các nước có thu nhập thấp, tỉ lệ sở hữu điện thoại di động cao hơn tỉ lệ sử dụng Internet…
Ngày 30/11, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã đề cập đến việc kết nối toàn cầu trong sử dụng Internet và điện thoại di động trên toàn thế giới đến thời điểm này.
Theo báo cáo của ITU trong năm 2022, 73% dân số toàn cầu từ 10 tuổi trở lên sở hữu điện thoại di động. Ở các nước có thu nhập thấp, tỉ lệ sở hữu điện thoại di động cao hơn tỉ lệ sử dụng Internet.
Về sử dụng Internet, ITU cho biết việc sử dụng Internet đến nay đã phù hợp hơn với túi tiền người dùng ở tất cả các khu vực trên thế giới và trong tất cả các nhóm thu nhập so với năm trước. Tuy nhiên, chi phí vẫn là một trở ngại lớn đối với việc truy cập Internet, nhất là ở các nền kinh tế có thu nhập thấp dù đã giảm nhẹ vào đầu năm 2022.
Đầu năm 2022, ITU thống kê có khoảng 2,7 tỷ người vẫn chưa được kết nối Internet. Dù con số này có cải thiện so với năm 2021 nhưng cũng cho thấy tác động của dịch Covid-19 đã khiến sự kết nối Internet đã chững lại phần nào.
Ngoài ra, nam giới sử dụng Internet là 69%. Khoảng cách này ở các nước có thu nhập thấp còn lớn hơn. 75% thanh niên độ tuổi 15-24 có thể sử dụng Internet, tăng từ mức 72% vào năm 2021. Cũng theo ITU, trong tiếp cận kỹ thuật số, hiện vẫn còn khoảng cách giới. Cụ thể, mặc dù phụ nữ chiếm gần một nửa dân số thế giới, nhưng chỉ có 63% số phụ nữ truy cập Internet.
Sau 25 năm kết nối với mạng Internet thế giới, đến nay, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng Internet, theo ước tính của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA). Thống kê của Statista cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới về số người dùng Internet. Ngoài ra, trong bảng xếp hạng của Speedtest, tốc độ Internet tại Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 58 và 59 ở hạng mục mạng di động và mạng băng rộng cố định.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 công bố tháng 11/2021, do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cho rằng nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030.
Theo Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tăng tốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các mục tiêu của chương trình này bao gồm hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, kinh tế số chiếm 30% GDP và thu hẹp khoảng cách số.