Nghiên cứu: Biến chủng Omicron có thể đánh bật biến chủng Delta
Phát hiện trên có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những quốc gia như Mỹ, nơi Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt...
Người mắc Covid-19 do biến chủng Omicron có thể có miễn dịch tăng cường để chống lại biến chủng Delta – một nghiên cứu mới từ Nam Phi cho hay. Theo các nhà khoa học nước này, hệ quả có thể là Omicron đánh bại Delta.
Hãng tin CNBC cho biết, phát hiện trên có thể có ý nghĩa quan trọng đối với những quốc gia như Mỹ, nơi Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt nhưng Delta – loại được đánh giá là có khả năng gây nhập viện và tử vong cao hơn so với biến chủng mới – cũng đang tiếp tục lây lan.
“Kết quả của nghiên cứu phủ hợp với nhận định cho rằng Omicron sẽ thay thế Delta, vì biến chủng mới này có thể tạo ra miễn dịch trung hoà Delta, khiến cho nguy cơ tái mắc Covid do Delta giảm xuống”, nhóm nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Y tế châu Phi nhận định.
Nếu Omicron thay thế Delta và có khả năng gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước, “số lượng ca Covid nặng cũng sẽ giảm và sự lây nhiễm có thể trở nên ít nguy hiểm hơn với cá nhân và xã hội”, theo báo cáo.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11. Đến nay, Omicron đã lan ra hàng chục quốc gia trên thế giới và trở thành biến chủng chính ở nhiều nước, trong đó có Mỹ. Nghiên cứu của Nam Phi hiện vẫn đang được cộng đồng khoa học đánh giá.
Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên 13 người, trong đó có 11 người mắc biến chủng Omicron. 7 người trong số này đã được tiêm vacine, gồm 3 người tiêm hai mũi Pfizer/BioNtech và 4 người tiêm Johnson & Johnson.
Phản ứng kháng thể của những người bị mắc Omicron có vẻ làm gia tăng sự bảo vệ chống lại Delta, với mức tăng hơn 4 lần trong 2 tuần kể từ khi bắt đầu được nghiên cứu. Ngoài ra, khả năng của kháng thể chống lại tái nhiễm Omicron ở những người này cũng tăng gấp 14 lần.
Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học cũng cảnh báo rằng hiện chưa rõ sự bảo vệ tăng cường đó có được là do kháng thể có được sau khi nhiễm Omciron, do tiêm vaccine, hay do miễn dịch từ việc đã mắc Covid trước đây. Những người đã tiêm vaccine trong nghiên cứu này cũng cho thấy sự bảo vệ mạnh hơn.
Tại Mỹ trong tuần trước, Omicron chiếm 58% tổng số ca Covid được giải mã trình tự gen, còn Delta chiếm 41% - theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Với tốc độ lây nhanh, Omicron đang tạo ra một làn sóng lây nhiễm lớn ở Mỹ. Trong vòng 7 ngày tính đến hôm thứ Hai, bình quân mỗi ngày Mỹ có hơn 237.000 ca nhiễm mới, tăng 66% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, số bệnh nhân Covid đang phải nằm viện ở Mỹ là hơn 70.000 người, chỉ tăng 3%.
Dữ liệu thế giới thực từ Nam Phi và Anh đều cho thấy những người nhiễm Omicron đều có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với Delta.
Cơ quan An ninh Y tế Anh (HSA) phát hiện thấy rằng những người mắc Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn 50-70% so với mắc Delta. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý rằng phát hiện đó là “tạm thời và chưa có gì chắc chắn” do ở thời điểm hiện tại mới có một số ít ca nhập viện do Omicron, do chưa thể xác định được tình trạng lây nhiễm trước đây, và do Omicron chưa lây mạnh ở người cao tuổi và những nhóm dễ tổn thương hơn.
Các nhà khoa học Nam Phi phát hiện thấy rằng người mắc Omicron có nguy cơ bệnh nặng giảm 70% so với mắc Delta. Tuy nhiên, họ cũng nói nghiên cứu này còn chưa có đầy đủ thông tin về tình trạng vaccine hay lây nhiễm trước đây của bệnh nhân.
Các nhà dịch tễ học đã cảnh báo rằng cho dù Omicron có ít nguy hiểm hơn Delta, thì biến chủng mới này vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế bởi tốc độ lây nhanh hơn nhiều so với Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói Omicron lây nhanh hơn bất kỳ biến chủng Covid nào trước đây. Một nghiên cứu của Hồng Kông nói Omicron nhân đôi nhanh gấp 70 lần trong đường hô hấp, nhưng ít gây tổn thương ở phổi hơn so với Delta.