Nghiên cứu khuyến nghị dừng bảo hộ ngành ôtô trong nước
Về khuyến nghị dừng bảo hộ ngành công nghiệp ôtô trong nước nêu trên báo chí, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu trong quá trình điều hành và hoàn thiện chính sách phát triển ngành ôtô và công nghiệp hỗ trợ
Văn phòng Chính phủ cho biết, báo chí ngày 19/11/2020 có đưa thông tin: Chính phủ dự định nghiên cứu chính sách thuế, tín dụng để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước như không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế hay có gói tín dụng ưu đãi cho công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Thực chất đây cũng là một dạng bảo hộ nhưng có thể không bị kiện vì tác động không lớn. Vấn đề cần quan tâm là rút kinh nghiệm từ thất bại của nhiều giải pháp trước đây để sáng suốt dừng bảo hộ, mở cửa thị trường ô tô cho cạnh tranh tự do. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã củng cố cho khuyến nghị chấm dứt bảo hộ.
Tại Việt Nam, việc không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, hoặc việc cung cấp gói tín dụng ưu đãi, chẳng qua chỉ là một dạng bảo hộ khác so với các biện pháp nêu trên, đều có mục đích cuối cùng là phân biệt đối xử, làm cho ô tô nhập khẩu trở nên đắt hơn, hoặc làm cho ô tô sản xuất trong nước trở nên có giá thành rẻ hơn so với ô tô nhập khẩu.
Về nguyên tắc, mọi vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng của WTO như vậy sẽ bị các nước có quyền lợi liên quan khiếu kiện. Có chăng chỉ nên hy vọng rằng, quy mô và tác động của những chính sách của Việt Nam trên thực tế là không đáng kể, không "đáng" để các nước bị ảnh hưởng bỏ công khiếu kiện.
Thay vì trả lời câu hỏi có nên tiếp tục bảo hộ ngành ô tô nội địa không, câu hỏi có ý nghĩa thiết thực và sát sườn hơn là tại sao không rút kinh nghiệm từ những thất bại của bao nhiêu giải pháp trong quá khứ để đi đến quyết định sáng suốt là chấm dứt bảo hộ, hạ thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường trong nước cho cạnh tranh tự do?
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự thất bại của chính sách quy định tỷ lệ nội địa hóa lên sự phát triển của công nghiệp phụ trợ trong nước, hoặc làm giảm sản lượng sản xuất và xuất khẩu thành phẩm cũng như giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp nội địa vào linh kiện/phụ tùng nhập khẩu.
Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu trong quá trình điều hành và hoàn thiện chính sách phát triển ngành ô tô và công nghiệp hỗ trợ.