17:17 23/01/2022

Người Anh tìm kiếm sản phẩm Việt Nam nhiều nhất trên chợ online

Vũ Khuê

Trong nhóm 10 ngành hàng Việt Nam có tiềm năng trên sàn Alibaba thì Anh là thị trường nằm trong tốp những thị trường có lượng người mua nhiều nhất...

Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được bán trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được bán trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Anh được đánh giá là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhu cầu nhập khẩu của Anh. Thương mại điện tử được coi là chìa khoá cho thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG TRÊN THƯƠNG MẠI SỐ

Tại hội thảo “Thương mại điện tử trong hiệp định UKVFTA –  Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng thương mại Việt Nam - vương quốc Anh”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận xét, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – vương quốc Anh (UKVFTA) mới thực thi trong giai đoạn ngắn nhưng thương mại song phương đã đạt hơn 6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021.

Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có hiệp định.

Con số này cũng thể hiện trong các giao dịch xuất khẩu qua thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chỉ rõ, triển khai xúc tiến xuất khẩu với sàn Alibaba cho doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy, trong tốp 10 ngành hàng Việt Nam có tiềm năng thì Anh là thị trường nằm trong tốp những thị trường có lượng người mua nhiều nhất.

Cụ thể, các ngành hàng thực phẩm, đồ uống, kẹo cao su, rượu whisky, mỳ ăn liền… là những từ khoá được người tiêu dùng Anh tìm kiếm nhiều nhất. Hay với sản phẩm liên quan tới làm đẹp của Việt Nam như từ khoá tóc giả, mỹ phẩm làm đẹp, máy giảm cân… Anh là thị trường có lượng người mua đứng thứ nhì.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng vào thị trường Anh quốc thông qua Alibaba từ 2019 và Amazon, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty DSW chia sẻ, Anh nằm trong tốp 6 quốc gia trong 20 quốc gia có lượt mua hàng, hỏi hàng nhiều nhất trên Alibaba trên tất cả các ngành hàng.

Riêng với ngành hàng của DSW (mặt hàng nông sản miền Tây) 3 tháng cuối năm 2021, doanh nghiệp nhận được trung bình 35 đơn hàng mỗi tháng đến từ Anh, chiếm 12,36% trên tổng các đơn hàng của tất cả các quốc gia gửi vào đơn hàng bên DSW.

Khi UKVFTA chưa được thông qua, bà Yến Phi cho biết, xuất khẩu vào thị trường này rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhưng khi UKVFTA được thực thi, việc giao thương hai bên dễ dàng hơn rất nhiều, thuận tiện khi xuất khẩu hàng vào Anh. Đặc biệt, thông qua sàn thương mại điện tử doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. 

ĐỪNG COI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ LÀ PHÉP MÀU

Song để thuyết phục khách hàng, mỗi doanh nghiệp nên trang bị sản phẩm, kỹ năng giao tiếp để đàm phán thành công thông qua thương mại điện tử. Theo bà Yến Phi, doanh nghiệp cần nắm được nhu cầu, quy tắc của thị trường mình nhắm đến.

Với từng phương thức, nếu xuất khẩu thông qua B2C cần biết cách vận hành của Amazon Anh thế nào để chuẩn bị, lựa chọn phương thức thích hợp.

Còn nếu đưa hàng thông qua thương mại điện tử B2B như Alibaba cần biết quy cách thực hiện hợp đồng thương mại, quy chuẩn vương quốc Anh đặt ra cho sản phẩm. Khách hàng không tập trung chủ yếu vào hình thức bên ngoài mà họ tập trung vào chất lượng nên cần đảm bảo được hàng hoá đủ tiêu chuẩn vào thị trường Anh…

“Để khách hàng lựa chọn mình trong hàng ngàn gian hàng trên sàn thương mại điện tử đó là kỹ năng mà doanh nghiệp cần trang bị nhằm đàm phán thành công đơn hàng trên sàn”, bà Yến Phi chia sẻ.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) lưu ý, UKVFTA là hiệp định thế hệ mới, người tiêu dùng Anh lại có trình độ cao nên họ không chỉ quan tâm về chất lượng hàng hoá, mà còn các quy định về hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt các quy định về phát triển bền vững như người lao động, môi trường. Đây là các vấn đề doanh nghiệp cần chú ý dù xuất khẩu theo bất kỳ hình thức nào.

Cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược kinh doanh bài bản, là một trong những rào cản để xuất khẩu bền vững, vì vậy theo bà Thuý, các doanh nghiệp cần có chiến lược, mục tiêu cụ thể, rõ ràng khi đó mới có kế hoạch thực hiện để đạt mục tiêu đó.

Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam ở các tỉnh thành khi tham gia thương mại quốc tế là các chủ doanh nghiệp thường hạn chế về ngoại ngữ. Đây là rào cản chính trong tham gia thương mại điện tử. Trong khi ngoại ngữ là điều kiện cần trong thương mại xuyên biên giới.

“Đừng nghĩ thương mại điện tử là phép màu. Dù là kênh rất hiệu quả tuy nhiên cũng cần kết hợp nhiều kênh xuất khẩu khác nhau. Ngay cả khi dịch kết thúc, chúng ta cần có hình thức kết hợp vừa trực tuyến vừa trực tiếp, mềm mỏng, linh hoạt với mọi tình huống”, bà Thuý khuyến nghị.

Mặt khác, doanh nghiệp cần xác định nguồn lực khi tham gia thương mại điện tử, gồm nguồn lực về nhân lực, nguồn lực tài chính.

Về nhân lực, bà Thuý cho rằng, tham gia thương mại điện tử không cần thiết có nhân lực hiểu rõ về công nghệ thông tin nhưng cần có nhân lực hiểu biết về cách thức sử dụng, thuyết trình marketing hoặc phân tích thị trường trên nền tảng số.

Đại  diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), bà Bùi Thanh Hằng, Trưởng phòng hợp tác quốc tế, khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao kỹ năng số là ưu tiên đầu tiên để vận dụng, khai thác tối đa nền tảng thương mại trực tuyến.

Bên cạnh đó, tầm nhìn của doanh nghiệp cần thay đổi. Doanh nghiệp phải xác định, chuyển đổi số hay thương mại điện tử là việc bắt buộc phải làm, là một trong những trọng tâm của chiến lược kinh doanh dài hạn, khi đó mới bố trí được đủ nguồn nhân lực, tài chính để triển khai và đạt hiệu quả như mong muốn.

Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước cũng đặc biệt quan trọng trong phối hợp với các bên để tổ chức, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp bắt kịp tốc độ phát triển nền tảng số.