Người dân Gia Lai sắp "hết khổ" khi Quốc lộ 19 hoàn thành năm 2023
Bộ Giao thông vận tải phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 trong năm 2023. Riêng đoạn qua địa phận thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang (Gia Lai) do nhiều khó khăn sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 3/2024...
Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai phản ánh dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 đoạn qua địa phận thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang và xã Bình Giáo, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, thời gian thi công kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, khó khăn cho người dân tham gia giao thông.
Do đó, cử tri tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý, khắc phục các tồn tại trong quá trình thi công dự án.
TIẾN ĐỘ THI CÔNG ĐẠT 77,5%
Phản hồi kiến nghị cử tri tỉnh Gia Lai, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là một trong các dự án quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Giao thông vận tải đã tập trung quyết liệt, chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án 2 và các đơn vị liên quan nỗ lực triển khai thực hiện, hiện các gói thầu đang triển khai thi công đồng loạt, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Cập nhật tiến độ triển khai dự án, Bộ Giao thông vận tải cho biết hiện 7 gói thầu xây lắp đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai thảm bê tông nhựa được 97,5/125,7km (77,5%) góp phần nâng cao an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.
Trong đó, có một số gói thầu triển khai thi công cơ bản hoàn thành bê tông nhựa như: XL03 được 8,5/10,0km, XL04B được 17,2/17,9km, XL05 được 13,8/20,0km, XL06 được 17,2/17,9km, XL07 được 18.78/19,5km.
TRANH THỦ THỜI TIẾT THUẬN LỢI, ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, quá trình triển khai thi công dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành tại một số gói thầu.
Cụ thể, thời gian đầu triển khai thực hiện dự án là thời điểm cao trào bùng phát dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tối đa di chuyển nên việc huy động thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với nhân sự tư vấn giám sát người nước ngoài.
Cùng với đó, mùa mưa khu vực Tây Nguyên thường kéo dài từ 5-6 tháng/năm, riêng năm 2022, khu vực Tây Nguyên có mưa lớn kéo dài, liên tục (khoảng 6-7 tháng) nhiều đoạn tuyến đã thi công hoàn thành lớp móng đường cấp phối đá dăm đã bị mưa lũ cuốn trôi, phải làm lại nhiều lần, không thể triển khai thi công các lớp mặt đường.
Bên cạnh đó, từ khoảng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 địa phương hạn chế cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp nền đường. Từ khoảng tháng 3/2023, địa phương có chủ trương tạm dừng cấp phép và gia hạn khai thác để rà soát lại các thủ tục gia hạn thời gian khai thác, cấp mới các mỏ đất san lấp và lấy ý kiến bổ sung của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay vẫn chưa cấp phép lại.
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có rất ít mỏ đất thương mại và khu vực mỏ nằm quá xa dự án nên khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, nhất là việc dừng cấp phép khai thác các mỏ đất đúng vào thời điểm mùa khô.
Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu nên một số nhà thầu thi công cầm chừng, chưa quyết liệt triển khai thi công và có tâm lý chờ bình ổn giá để hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra, quyết liệt chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị liên quan, yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 thực hiện các giải pháp xử lý nghiêm những nhà thầu vi phạm hợp đồng như: điều chuyển khối lượng, bổ sung thay thế nhà thầu tại các gói thầu chậm, trễ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 - chủ đầu tư dự án yêu cầu các nhà thầu thi công lập lại tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục công việc còn lại của từng gói thầu, tập trung huy động máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư vật liệu, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2023.
"Riêng đoạn qua địa phận thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang thi công (cầu, đắp đường đầu cầu…) do hiện tại đang trong mùa mưa Tây Nguyên (dự kiến khoảng tháng 11 mới hết mùa mưa) và khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp… phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2024 để đưa vào khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai quan tâm, có ý kiến với UBND tỉnh Gia Lai và các cơ quan ban, ngành của địa phương tạo điều kiện, hướng dẫn, đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục liên quan đến gia hạn thời gian và cấp phép khai thác mỏ vật liệu đất đắp sử dụng cho dự án để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230km, kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) tiếp giáp với Campuchia đến cảng Quy Nhơn (Bình Định) đang được nâng cấp đồng bộ toàn tuyến, với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến gần 5.600 tỷ đồng. Trước đó, dự án BOT nâng cấp hơn 34km Quốc lộ 19 đoạn km 17+027-km51 +152 có tổng mức đầu tư 1.460 tỷ đồng hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2016.
Hiện nay, 143km Quốc lộ 19 đi qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai (dài 126km) và Bình Định (dài 17km) có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD, tương đương hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thi công từ cuối tháng 8/2021.