11:47 17/01/2009

Người hùng một thuở của Chrysler

Lê Hường

Những năm 1970, tập đoàn ôtô Chrysler đã từng đứng bên bờ vực phá sản, trước khi được Lee Iacocca vực dậy

Lee Iacocca được gọi là “Ông tổ của Mustang”.
Lee Iacocca được gọi là “Ông tổ của Mustang”.
Hãng ôtô lớn thứ ba thế giới Chrysler không chỉ gặp cơn nguy khốn trong cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, mà trước đó, từ những năm 1970, tập đoàn này đã từng đứng bên bờ vực phá sản. Và người hùng đem lại sức sống cho Chrysler vào thời điểm đó là Lee Iacocca.

Tên thật của Lee Iacocca là Lido A. Iacocca, sinh ngày 25/10/1924 trong một gia đình gốc Italia nhập cư Mỹ. Bố ông đến Mỹ từ năm 1902 khi mới 12 tuổi để làm đủ thứ việc vặt có thể kiếm được cho đến khi kiếm đủ tiền để quay trở về Italia đón người mẹ của mình đến Mỹ sinh sống. Còn mẹ cậu là con gái của một thợ đóng giày luôn phụ giúp bố cậu trong việc khâu vá và dán đế giày.

Khởi nghiệp từ Ford

Bố mẹ Lee đã phải làm việc rất vất vả để kiếm đủ tiền nuôi cả gia đình. Bố cậu tin vào nước Mỹ, ông cho rằng, nước Mỹ cho mọi người sự tự do để được làm điều họ muốn. Sau khi dành dụm đủ tiền, ông mở cửa hàng Orpheum Wiener House, chuyên môi giới cho thuê xe. Ông đã làm được tất cả việc này mặc dù mới học hết lớp 4.

Sự cần cù, chịu khó của Lee được nuôi dưỡng từ những thành viên trong gia đình, đặc biệt là người bố. Lee không bao giờ ngại vất vả. Khi mới 10 tuổi, cậu bé Lee đã có thể tự lái chiếc xe ngựa đến cửa hàng rau quả để mua hàng. Khi 16 tuổi, cậu thường làm việc 16 tiếng mỗi ngày tại chợ hoa quả. Lee có thói quen tiết kiệm từ lúc nhỏ, bất cứ khi nào nhìn thấy sự lãng phí đều làm ông bực mình.

Cuộc suy thoái kinh tế Mỹ vào thập niên 1930 tác động mạnh đến cả nước Mỹ cũng như gia đình Lee. Cậu bé trở nên thực dụng hơn trong tất cả công việc của mình. Khi tốt nghiệp đại học, mục tiêu duy nhất của cậu chỉ là đến năm 25 tuổi có thể kiếm được 10.000 USD/năm và sau đấy sẽ nỗ lực làm việc để trở thành triệu phú.

Từ hồi học trung học Lee luôn phải đối mặt với cảm giác bị xem thường vì ông là người nhập cư. Hai người bạn Do thái của ông thậm chí còn bị đối xử tồi tệ hơn. Đây là cảm giác mà Lee không bao giờ quên được và là động lực để ông liên tục phấn đấu trong sự nghiệp của mình. Ông nhận ra tầm quan trọng của việc ghi nhận sự đóng góp của mọi người chứ không phải sự phân biệt về nguồn gốc.

Lee cố gắng xin đi lính trong Thế chiến thứ 2, nhưng bệnh thấp khớp đã khiến cậu bị loại. Sau đấy, Lee vào trường Đại học Lehigh, với ngành kỹ sư cơ khí. Sau khi tốt nghiệp, Lee gia nhập hãng Ford với vị trí kỹ sư cơ khí.

Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng nhận ra khả năng kinh doanh của mình nên đã xin chuyển sang bộ phận kinh doanh của công ty.

Là một doanh nhân rất bận rộn, nhưng ông vẫn luôn dành thời gian cho gia đình vào các buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.

Một trong những lý do khiến Lee rất thành công trong công việc, đó là khả năng thích nghi nhanh chóng với mọi tình huống. Ông luôn là người chủ động. Lee nói, một phẩm chất quan trọng của một nhà quản lý tốt là tính quyết đoán. Và đấy chính là điều ông đã làm được năm 1956 khi bắt đầu làm việc ở bộ phận kinh doanh của Ford.

Năm đấy, ông là tác giả của chiến dịch “56 cho 56”. Chương trình khuyến mãi này có nghĩa là khách hàng khi mua xe Ford trong năm này, được giảm giá 20% và được nhận 56 USD hỗ trợ hàng tháng trong 3 năm liên tiếp. Nhờ có chiến dịch này, khoảng 75 triệu xe Ford đã được bán.

Một dự án khác mà Lee thực hiện, đó là xây dựng Ủy ban Fairlane. Ủy ban này cho áp dụng dữ liệu nghiên cứu để quyết định loại xe mới nào cần được sản xuất. Dữ liệu này bao gồm các số liệu về nhân khẩu học có xét đến sự gia tăng số lượng người ở độ tuổi 18 đến 34, 20 đến 24 và từ đó suy ra số lượng xe hơi cần cho thị trường trong thời gian tới.

Dựa vào dữ liệu này, yêu cầu về thiết kế xe có diện tích nhỏ nhưng chở được 4 người và giá thành vừa phải. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy dễ chịu khi lái xe đến nhà thờ hoặc các địa điểm công cộng. Mục tiêu cuối cùng đó là phát triển một loại xe hơi có nhiều lựa chọn khác nhau về trang thiết bị, phù hợp với túi tiền và gu thẩm mỹ của nhiều đối tượng khách hàng. Hai dự án này đều thành công và chứng minh khả năng quản lý của Lee.

Ông đã sử dụng dữ liệu nghiên cứu marketing tốt, biết cách tìm hiểu sở thích của những người xung quanh, sẵn sàng lắng nghe. Thêm vào đó, ông là người sẵn sàng đương đầu với rủi ro để giới thiệu sản phẩm mới. Nhờ đó, chiếc xe hơi của Ford, loại Mustang đã gây một tiếng vang lớn trên thị trường nước Mỹ vào thời điểm đó. Và ông được gọi là “Ông tổ của Mustang”.

Sau thành công vang dội của Mustang, Lee được chọn vào ghế Chủ tịch của Ford vào tháng 12/1970. Ông đã nhanh chóng nhận ra công việc ở ghế Chủ tịch khác hẳn với vị trí một người quản lý bộ phận. Lúc đó, ông đã phải cắt giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận thay vì chú trọng vào bán hàng, marketing và thiết kế. Ông bắt đầu chương trình “Khôi phục niềm tin của người mua”.

Trong quá trình cống hiến của mình, tên tuổi của ông đã được gắn liền với những kiểu mẫu xe hơi nổi tiếng của tập đoàn này như Ford Mustang, Lincoln Continental Mark III, Mercury, Mercury Marquis.

Cuối năm 1975, Lee bắt đầu gặp rắc rối tại Ford. Hầu hết những rắc rối này đều xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân giữa Chủ tịch Hội đồng Quản trị Henry Ford II và Lee. Sự căng thẳng tiếp tục leo thang và Lee bị sa thải vào tháng 7/1978.

Tuy nhiên, ông đã không ngồi yên lâu và chính thức gia nhập Chrysler vào tháng 11/1978 với lời mời của John Ricardo, Chủ tịch tập đoàn này.

Làm hồi sinh Chrysler

Với Lee, từ nay giấc mơ trở thành một trong ba lãnh đạo lớn nhất thế giới trong công nghiệp sản xuất xe hơi đã thành hiện thực.

Cũng chẳng mất bao lâu để Lee hình dung ra được tình cảnh nguy cấp của Chrysler. Lee Iacocca bước chân tới Chrysler khi công ty đang trên bờ vực của sự phá sản, phải đối mặt với nợ nần chồng chất đến kỳ phải trả, thị trường của công ty ở châu Âu bị thua lỗ.

Tại đây, sự giao tiếp và tinh thần làm việc nhóm thiếu trầm trọng. Mỗi bộ phận, phòng ban và các cá nhân dường như làm việc độc lập.

Lee buộc phải thực hiện một số quyết định mạnh bạo. Ông đã sa thải nhiều giám đốc bộ phận. Lee Iacocca đã nhanh chóng củng cố lại toàn bộ nhân lực, tạm cắt giảm nhân lực, bỏ thị trường thua lỗ ở châu Âu, đưa về nhiều chuyên gia kỹ thuật và những người tài từ chính công ty cũ của ông.

Đồng thời ông cũng thực hiện một số những dự án mà Ford đã không thực hiện trong thời gian ông còn điều hành như dự án Minimax, cắt bỏ những dự án sản xuất không đem lại lợi nhuận và đưa vào dây chuyền sản xuất những kiểu mẫu xe mới như Dodge Omni và Plymouth Horizon.

Và công ty đã thu được những thành công đáng kể từ hai nhãn hiệu Omni và Horizon. Riêng năm đầu tiên giới thiệu sản phẩm, công ty đã bán được trên 300.000 chiếc. Dù vậy, số tiền thu được cũng không đủ trang trải cho những nợ nần.

Bằng tất cả những nỗ lực có thể, Lee Iacocca đã làm việc tận tụy kể cả những ngày cuối tuần. Trước đây, khi còn ở Ford ông luôn dành những ngày cuối tuần cho gia đình, nay hiếm khi nhìn thấy ông có mặt ở nhà, bởi ông mong mỏi tìm kiếm một biện pháp tối ưu cứu vãn công ty. Song dường như mọi cố gắng của ông như “muối bỏ biển” và công ty vẫn trong tình trạng báo động đỏ. Dù vậy, ông vẫn tin sẽ có con đường cứu vãn tình thế.

Ông cố gắng xây dựng mối quan hệ đối tác giữa Chrysler với Volkswagen, nhưng Volkswagen nhận ra sự lún sâu vào nợ nần của Chrysler nên đã từ chối hợp tác. Lee không thể kéo mọi thứ lại với nhau để làm việc có hiệu quả. Ông phải tìm đến Chính phủ để xin các khoản vay hỗ trợ.

Ông cũng “mặc cả” với liên đoàn lao động để cắt giảm lương và phúc lợi. Ông tự động giảm lương của mình xuống để cho các nhân viên thấy rằng mỗi thành viên trong công ty cần sẵn sàng hy sinh vì sự sống của cả công ty.

Điều này tiếp tục khẳng định khả năng quản lý của ông. Đó là, ông hiểu các nhân viên từ công nhân đến các giám đốc và biết cách kéo mọi người lại với nhau vì lợi ích chung.

Đến năm 1983, Chrysler đã có thể đứng trên đôi chân của mình và đến ngày 13/7/1983, Chrysler đã trả được tất cả các khoản vay của Chính phủ. Chia sẻ với báo chí về niềm vui này, ông nói, Chrysler đã vay tiền của Chính phủ và chúng tôi đã trả được rồi.

Lee cho rằng chìa khóa để thành công của các nhà quản lý là khả năng tập trung và sử dụng thời gian một cách khôn ngoan. Xây dựng thứ tự ưu tiên và biết giải quyết khó khăn là yêu cầu bắt buộc.

Các nhà quản lý cần phải là những người ra quyết định cũng là những người biết thúc đẩy công việc. Cách tốt nhất để thúc đẩy mọi người làm việc là giao tiếp với họ. Một nhà quản lý tốt cần biết lắng nghe ít nhất là bằng với thời gian nói diễn thuyết.

Một trong những điều quan trọng nhất cần nhớ trong kinh doanh đó là mọi vấn đề đều phải giải quyết từ gốc nếu muốn đương đầu với môi trường cạnh tranh ngày nay. Trong đời sống doanh nghiệp, luôn luôn có những người cảm thấy cần có thêm thời gian để nghiên cứu, nhưng sau một thời gian nhất định, khi hầu hết các thông tin đã có được, nhà lãnh đạo cần đưa ra quyết định kịp thời. Biết đương đầu với rủi ro cũng là cần thiết.

“Kinh doanh ngày nay không cho phép sự chậm chạp khi ra quyết định”, Lee nói.

Sự thành công của Lee trong kinh doanh cho thấy ông không chỉ nói về những nguyên tắc thành công mà ông là người đã thực hiện để đạt được thành công.