Người Iran bất bình, thế giới lên án mạnh việc bắn rơi máy bay chở khách Ukraine
Việc Iran bắn rơi máy bay chở khách Ukraine đã vấp phải phản ứng mạnh của người dân Iran và cộng đồng quốc tế
Lời thú nhận của Iran rằng nước này bắn rơi một máy bay chở khách Ukraine, gây ra cái chết của toàn bộ 176 người trên máy bay, đã khiến cộng đồng quốc tế nổi giận và các cuộc biểu tình phản đối ở Iran.
Iran ngày 11/1 thừa nhận rằng vào hôm thứ Tư, lực lượng phòng không của nước này đã phóng nhầm một tên lửa trúng chiếc Boeing 737-800 của Ukraine International Airlines vừa cất cánh từ thủ đô Tehran.
Hành động mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani gọi là "sai lầm tai hại" này xảy ra vào thời điểm Iran vừa tiến hành cuộc không kích nhằm vào hai căn cứ có lực lượng Mỹ ở Iraq. Trước khi thừa nhận gây ra vụ rơi máy bay, Iran mấy ngày trước đã liên tục phủ nhận nghi ngờ của một số nước phương Tây cho rằng chuyến bay xấu số bị tên lửa bắn hạ.
Cho dù các nhà lãnh đạo cấp cao nhất và quân đội nước này cùng lên tiếng xin lỗi, làn sóng biểu tình phản đối hành động bắn rơi máy bay chở khách đã dâng cao tại hàng loạt thành phố lớn của Iran gồm Tehran, Shiraz, Esfahan, Hamedan và Orumiyeh.
Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ của ông dành cho người biểu tình ở Iran. "Chúng tôi đang dõi theo chặt chẽ cuộc biểu tình của các bạn và ấn tượng trước sự dũng cảm của các bạn… Cả thế giới đang dõi theo", ông Trump viết.
Thủ lĩnh Phong trào Xanh - phe đối lập của Iran - là ông Mehdi Karroubi, kêu gọi lãnh tụ tối cao của nước này, đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, từ chức vì vụ bắn hạ chuyến bay 752.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng chỉ trích việc bắn hạ máy bay, trong đó Ukraine đòi bồi thường. Tuy nhiên, Canada, Ukraine và Anh, những nước có công dân thiệt mạng trong vụ rơi, đều cho rằng việc Tehran thừa nhận là một bước đi ban đầu quan trọng.
"Việc mà Iran thừa nhận là vô cùng nghiêm trọng. Bắn hạ một máy bay dân sự là điều khủng khiếp. Iran phải chịu trách nhiệm hoàn toàn", Thủ tướng Justin Trudeau của Canada, quốc gia có 57 công dân trên chuyến bay bị bắn rơi, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ottawa. "Canada sẽ không ngồi yên cho tới khi đòi được trách nhiệm, công lý và sự bù đắp cho các gia đình có người thân trong thảm họa này".
Tại Tehran, khoảng 1.000 người biểu tình đã xuống đường hô khẩu hiệu phản đối Chính phủ, hãng thông tấn FARS của Iran cho biết trong một bản tin hiếm hoi về biểu tình phản đối Chính phủ nước này. Trên mạng xã hội Twitter lan truyền nhiều đoạn video cho thấy người biểu tình đòi ông Khamenei từ chức.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 11/1, Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine cho biết ông đã nhất trí với người đồng cấp Iran Rouhani về bắt đầu hợp tác để giải mã hộp đen của máy bay rơi. Ông Zelensky cũng kêu gọi cac đối tác quốc tế của Ukraine đoàn kết và thống nhất cho tới khi hoàn tất cuộc điều tra.
Việc Iran bắn rơi chở khách làm gia tăng sức ép quốc tế đối với nước này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Iran liên tục leo thang những tháng gần đây.
Giới chuyên gia nói rằng sự giám sát gia tăng của cộng đồng quốc tế đã khiến Iran không thể tiếp tục che giấu những dấu hiệu của việc tên lửa nước này đã bắn rơi máy bay. Sự giám sát này khiến Iran buộc phải đưa ra lời "thú tội" thay vì tiếp tục chống đỡ sự chỉ trích và giận dữ của thế giới cũng như trong nước. Nhiều nạn nhân trong vụ rơi máy bay này là người Iran có hai quốc tịch.