Người Mỹ "còng lưng" gánh lãi suất cao
Lãi suất tăng cao đang gây áp lực tài chính lên người tiêu dùng Mỹ, đặt ra thách thức đối với triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới...
Theo tờ Wall Street Journal, sức ép này đang thể hiện rõ trên thị trường các khoản vay mua nhà và mua xe. Do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất để chống lạm phát, các khoản vay này “ngốn” của người vay số tiền phải trả hàng tháng lớn hơn nhiều so với ở thời điểm cách đây vài năm. Người vay thẻ tín dụng và các khoản vay khác cũng chịu mức lãi suất cao hơn trước nhiều.
MUA NHÀ, MUA XE KHÓ HƠN VÌ LÃI SUẤT TĂNG
Khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ hồi tháng 9, giới chức Fed phát tín hiệu sẽ giữ lãi suất cao hơn lâu hơn cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế. Đối với những gia đình Mỹ không phải vay mượn, việc Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt có lẽ không có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Nhưng đối với những gia đình có vay mượn, sự cứng rắn của Fed đã bắt đầu cho thấy ảnh hưởng không nhỏ. “Tác động của lãi suất cao bắt đầu được cảm nhận rõ” chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của công ty Charles Schwab nhận định.
Cú sốc lớn hơn đang rơi vào những người vay mua nhà hoặc mua xe. Các khoản vay thế chấp nhà lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm hiện nay có lãi suất khoảng 7%, so với mức chỉ 3% cách đây 2 năm. Sự gia tăng lãi suất này đồng nghĩa một người vay mua nhà sẽ phải chi thêm vài trăm USD mỗi tháng cho việc trả nợ so với hai năm trước. Tương tự như các khoản vay mua nhà, lãi suất các khoản vay mua xe cũng tăng vọt.
Theo nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics, việc mua nhà hay mua xe “bây giờ hoàn toàn nằm ngoài khả năng của hộ gia đình bình thường ở Mỹ vì sự kết hợp giữa lãi suất cao với giá cao”. Ông Zandi ước tính rằng ở thời điểm tháng 8, một hộ gia đình Mỹ điển hình sẽ cần 42 tuần thu nhập để mua một ô tô mới, so với mức chỉ 33 tuần cách đây 1 năm. Còn theo Hiệp hội Quốc gia Các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR), một hộ gia đình điển hình ở Mỹ bây giờ không thể mua được một căn nhà có giá trung bình ở nước này.
Ở thời điểm tháng 5, một thẻ tín dụng điển hình ở Mỹ có mức lãi suất 20,7%/năm, từ mức 14,5%/năm vào tháng 2/2022 – theo dữ liệu của Fed. Năm nay, dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ đã vượt mốc 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử.
Daniel Waddell bắt đầu tìm mua nhà ở St. Paul, Minneasota hồi tháng 1 năm nay. Lãi suất vay thế chấp nhà liên tục tăng lên trong thời gian Waddell tìm nhà để mua. Vào mùa xuân, người đàn ông 25 tuổi làm nghề tư vấn này cuối cùng đã mua được một căn nhà 3 phòng ngủ, 1 phòng tắm sau khi đưa ra mức giá cao hơn giá chào bán. Lãi suất của khoản vay thế chấp nhà mà Waddel vay là 6,5%.
Sau khi mua được nhà, Waddell và vợ là Payton Waddell phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác, vì mỗi tháng họ phải bỏ ra 2.600 USD để trả khoản vay thế chấp nhà. Waddell cũng muốn đổi chiếc xe mà anh đã lái từ hồi đi học, nhưng phải trì hoãn kế hoạch mua xe mới lâu nhất có thể để tập trung vào việc trả nợ khoản vay mua nhà.
Dù sao, Waddell nói rằng anh vui mừng vì đã mua được nhà, vì vợ chồng anh đã có lúc tính bỏ cuộc. “Lãi suất đang rất cao và có vẻ sẽ không sớm giảm”, anh nói.
Gánh nặng nợ nần của người tiêu dùng Mỹ ở thời điểm hiện tại vẫn còn tương đối thấp vì nhiều người đã chốt được lãi suất thấp đối với các khoản vay mua nhà hoặc mua xe từ trươcs khi Fed bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất. Nhiều người cũng hưởng lợi khi tiền trong tài khoản tiết kiệm của họ được trả lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, một số người phải tiêu nhiều bằng thẻ tín dụng đang cảm thấy áp lực đặc biệt lớn. “So với cách đây 2 năm, dư nợ thẻ tín dụng của người Mỹ lớn hơn nhiều. Luôn có những người mà bất kỳ sự gia tăng nào của lãi suất cũng đặt ra sức ép”, ông Charlie Wise, trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn toàn cầu tại TransUnion, phát biểu.
NGƯỜI GIÀU, NGƯỜI NGHÈO ĐỀU "KHÓC"
Ryan Gomez bắt đầu phải sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu vào năm 2020 sau khi mất việc trong một nhà máy sản xuất thực phẩm và nhập học một trường cao đẳng cộng đồng. Khi giá thuê nhà ở Portland, Oregon tăng lên, anh phụ thuộc vào thẻ tín dụng để trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu và những hoá đơn thú y bất ngờ của chú mèo cưng. Khi lãi suất tăng, lãi suất thẻ tín dụng của Gomez tăng lên mức gần 25%. Khoản phải trả hàng tháng cũng tăng theo, và đến lúc việc trả nợ thẻ tín dụng trở thành một cuộc vật lộn đối với người đàn ông này.
“Lãi suất bây giờ cao quá. Bạn không thể thoát ra khỏi cái hố đó”, Gomez, 38 tuổi, nói. Cuối cùng, anh phải xin sự trợ giúp của một tổ chức phi lợi nhuận để được chiết khấu số dư nợ thẻ tín dụng 17.000 USD. Ngoài ra, Gomez kiếm việc làm thêm để thực hiện khoản thanh toán hàng tháng 340 USD, đồng thời phải trì hoãn việc mua những thứ như nước rửa bát. “Thứ duy nhất mà tôi có thể cắt giảm bây giờ là những nhu cầu cơ bản của con người”, anh nói.
Ngay cả một số đối tượng người tiêu dùng khá giả cũng bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao. Lãi suất của các khoản vay thế chấp bằng danh mục đầu tư chứng khoán đã tăng lên mức khoảng 8% hiện nay, từ mức khoảng 3% trước khi Fed bắt đầu nâng lãi suất.
Ông Mike Law, 71 tuổi, muốn mua một căn nhà ở Estero Florida, vào mùa thu năm ngoái, nhưng không muốn phải thực hiện các thủ tục rườm rà của vay thế chấp nhà. Bởi vậy, vị cựu kế toán viên này đã dùng danh mục đầu tư của mình để thế chấp, vay một khoản 600.000 USD. Ngân hàng tính lãi suất khoản vay này bằng lãi suất cho vay qua đêm có đảm bảo (SOFR) cộng thêm 2,4 điểm phần trăm. Do lãi suất SOFR tăng lên, tổng lãi suất mà ông Law phải trả đã tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm.
Lãi suất cao là một cú sốc sau hơn 1 thập kỷ lãi suất thấp. “Tâm lý của tôi không quen với mức lãi suất như bây giờ”, ông Law nói, và cho biết đã bán một phần danh mục đầu tư để trả bớt khoản nợ thế chấp bằng danh mục này. “Nếu lãi suất không tăng, có lẽ tôi đã không phải bán nhiều cổ phiếu và trái phiếu như vậy”, ông nói.