09:03 02/10/2023

Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa vào phút chót dù phe Cộng hoà chia rẽ

An Huy

Với đạo luật này, nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn mà chỉ được đẩy lùi đến giữa tháng 11...

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy - Ảnh: Reuters.

Quốc hội Mỹ đã có một cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ Bảy vừa rồi với kết quả giúp chặn đứng nguy cơ đóng cửa Chính phủ vào phút chót. Theo đó, Chính phủ Mỹ tiếp tục có ngân sách để hoạt động đến giữa tháng 11, nhưng đạo luật ngân sách tạm thời này không có hạng mục viện trợ cho Ukraine.

Vào đêm ngày 30/9 theo giờ Washington, tức chỉ vài giờ trước khi Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần vì kết thúc năm tài khoá cũ mà chưa có kế hoạch ngân sách cho tài khóa mới, Thượng viện Mỹ phê chuẩn một đạo luật ngân sách tạm thời đã được Hạ viện thông qua trước đó cùng ngày. Các thượng nghị sỹ thông qua dự luật này với 88 phiếu thuận và 9 phiếu chống. Tại Hạ viện, dự luật nhận được 335 phiếu thuận và 91 phiếu chống.

BẤT ĐỒNG TRONG PHE CỘNG HOÀ

Tổng thống Joe Biden đặt bút ký dự luật trên thành luật ngay trước khi bước sang ngày 1/10 - thời điểm bắt đầu năm tài khoá mới. Nếu không có đạo luật này, hàng trăm nghìn công chức Mỹ sẽ phải tạm thời nghỉ việc và nhiều chức năng của Chính phủ liên bang sẽ tê liệt.

Đạo luật ngân sách tạm thời có thời hạn 45 ngày được thông qua là một bước ngoặt đầy kịch tính ở Washington, vì mới chỉ trước đó một ngày, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa đã được cho là không thể tránh khỏi. Với đạo luật này, nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn mà chỉ được đẩy lùi đến giữa tháng 11.

Quá trình thông qua đạo luật trên cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ phe Cộng hoà tại Quốc hội Mỹ. Trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, toàn bộ 9 phiếu chống đến từ các nghị sỹ đảng Cộng hoà. Tại Hạ viện, duy nhất một nghị sỹ Dân chủ không gia nhập với phần đông các nghị sỹ Cộng hoà ủng hộ dự luật. Trong khi đó, có tới 90 nghị sỹ Cộng hoà bày tỏ bất đồng với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, một người Cộng hoà, bằng cách bỏ phiếu chống.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, ông Biden đánh giá cao dự luật vì “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng không cần thiết có thể gây ra tổn thất không cần thiết đối với hàng triệu người lao động Mỹ chăm chỉ”. Ông cũng chỉ trích các nghị sỹ Cộng hoà “cực đoan” ở Hạ viện phản đối dự luật này.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói việc viện trợ cho Ukraine không thể được phép dừng, rằng ông hy vọng ông McCarthy “giữ vững cam kết của ông ấy đối với nhân dân Ukraine và thông qua biện pháp hỗ trợ cần thiết cho Ukraine ở thời điểm quan trọng này”. “Trong bất kỳ tình huống nào, tôi cũng không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine bị gián đoạn”, ông nói.

Thượng nghị sỹ Dân chủ Michael Bennet đến từ bang Colorado đã doạ không bỏ phiếu thông qua dự luật tại Thượng viện để bày tỏ không đồng tình với việc dự luật không bao gồm viện trợ cho Ukraine. Ông này chỉ thay đổi lập trường sau khi ông McCarthy và ông Chuck Schumer, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, ra tuyên bố chung cam kết sớm nối lại việc viện trợ cho Kiev.

“Trong lúc tất cả đối tác, đồng minh và đối thủ đều nhìn vào chúng ta, chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng trong vai trò lãnh đạo của nước Mỹ và quyết tâm củng cố vai trò đó ở mọi nơi, từ châu Âu tới Ấn Độ-Thái Bình Dương”, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ viết.

RỦI RO ĐỐI VỚI CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ

Cuộc bỏ phiếu ngày thứ Bảy ở Hạ viện diễn ra sau nhiều ngày nỗ lực thoả hiệp thất bại đặt ra hoài nghi về năng lực lãnh đạo của ông McCarthy. Theo giới quan sát, mức độ chống đối của các hạ nghị sỹ Cộng hoà đối với thủ lĩnh của họ trong cuộc bỏ phiếu này sẽ tiếp tục làm dấy lên những câu hỏi về uy tín của ông McCarthy. Nhiều nghị sỹ Cộng hoà thuộc phái cứng rắn đang tính tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với vị Chủ tịch Hạ viện này.

“Nếu ai đó định hành động chống lại tôi, thì cứ việc. Tôi vẫn sẽ làm những điều tốt nhất cho đất nước”, ông McCarthy phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu hôm thứ Bảy.

Ở thời điểm ngày thứ Sáu, Chính phủ Mỹ gần như đã cầm chắc khả năng phải đóng cửa, sau khi 21 hạ nghị sỹ Cộng hoà chống lại một dự luật ngân sách tạm thời khác do ông McCarthy đề xuất. Phe Dân chủ tại Hạ viện cũng chống lại dự luật này vì dự luật bao gồm việc mạnh tay cắt giảm ngân sách.

Đảng Dân chủ đã chỉ trích mạnh đảng Cộng hoà về nguy cơ Chính phủ đóng cửa. Sự chỉ trích này xuất phát từ việc một nhóm nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn các nghị sỹ Cộng hoà thuộc phái cứng rắn trong Hạ viện liên tục cản trở các đề xuất ngân sách được đưa ra trong những ngày gần đây.