10:44 26/12/2015

Người Nhật tính nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc

Thanh Tuyền

Nhiều doanh nhân ngành sản xuất ngọc trai của Nhật đang nghĩ đến Việt Nam

Sản phẩm ngọc trai của Phú Quốc.
Sản phẩm ngọc trai của Phú Quốc.
Vịnh Ago vùng Shima, tỉnh Mie của Nhật là một trong những khu vực nuôi trai lấy ngọc nổi tiếng nhất tại nước này. Tuy nhiên trong những năm gần đây, số lượng các nông trại ngọc trai ngày càng giảm bởi quá thiếu nhân lực, khi số lượng người lao động đến tuổi về hưu ngày một nhiều.

Những doanh nhân ngành sản xuất ngọc trai vùng này đang nghĩ đến một hướng phát triển mới, đó chính là mở rộng hoạt động sản xuất sang những nước có điều kiện tự nhiện phù hợp và lực lượng lao động dồi dào hơn.

Và một điểm đến mà họ đang nghĩ tới là Việt Nam. 

Một bài báo mới đây trên tờ Japan Today đã kể về câu chuyện của ông Tomokazu Tanabe, làm nghề nuôi ngọc trai, năm nay đã 57 tuổi và sống tại Shima. Ông tin rằng việc phát triển hoạt động nuôi ngọc trai tại Việt Nam sẽ giúp hồi sinh ngành nghề truyền thống đang mai một tại Nhật.

Tanabe là thế hệ thứ ba của công ty gia đình Tanabe Pearl Farm trụ sở tại Daiocho. Ông bắt đầu nghĩ đến việc nuôi ngọc trai ở Việt Nam từ mùa hè năm nay, sau những cuộc đối thoại với đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Tanabe kể, đại diện của Bộ nói với ông rằng, họ đang tìm kiếm nhà đầu tư Nhật vào các khu nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc. 

Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), khi kinh tế phát triển và đời sống ngày một cải thiện, người Việt Nam cũng sử dụng ngọc trai nhiều hơn. Hiện nay ngành nuôi trai lấy ngọc ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, phần lớn ngọc trai bán trên thị trường là loại rẻ tiền đến từ Trung Quốc. Hiếm khi người ta nhìn thấy sản phẩm ngọc trai Nhật tại Việt Nam.

Tanabe đã trực tiếp đến Phú Quốc để tìm hiểu. Ông nhận xét điều kiện sông ngòi Phú Quốc có chứa những khoáng chất phù hợp cho việc nuôi ngọc trai. Và sau khi đi tham quan hết đảo, ông cảm thấy Phú Quốc là địa điểm rất thích hợp để phát triển ngành nuôi trai.

Khi quay trở lại Nhật, Tanabe đã sớm khởi động những công việc cần thiết để có thể bắt đầu nuôi ngọc trai tại Việt Nam từ năm 2016. Ông dự tính sẽ đưa một số nông dân Việt Nam sang Nhật đào tạo. Tanabe tin rằng những gì ông đang làm sẽ khuyến khích những nông dân khác trong vùng làm tương tự. 

Kết quả khảo sát của chính quyền tỉnh Mie mới đây cho thấy hiện nay tại tỉnh có 315 nông dân nuôi trai lấy ngọc, tức là chỉ tương đương chưa đến 10% số lượng nông dân làm nghề này vào giữa thập niên 1960.

Không chỉ thiếu nhân lực, ngành nghề này trong tỉnh chịu rất nhiều tác động tiêu cực từ các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như bão hay thủy triều.