09:28 10/07/2007

Người tiêu dùng "quay lưng" với gà sạch

Chu Khôi

Người tiêu dùng nay đã "quay lưng" với sản phẩm gà sạch, ngay cả khi dịch cúm gia cầm đang đe doạ

Vắng lạnh các cửa hàng kinh doanh gà sạch.
Vắng lạnh các cửa hàng kinh doanh gà sạch.
Vào cuối năm 2004, khi đại dịch cúm gia cầm xảy ra, sự xuất hiện sản phẩm gà sạch được người tiêu dùng hoan hỉ chào đón, Nhà nước khuyến khích, các cơ quan thông tin tuyên truyền ủng hộ.

Thế nhưng, sau gần 3 năm, người tiêu dùng nay đã "quay lưng" với sản phẩm gà sạch, ngay cả khi dịch cúm gia cầm đang đe doạ.

Qua tìm hiểu có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm gà sạch đã không kiến tạo nổi thị trường, lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Xí nghiệp gà Phúc Thịnh đã phải ngừng kinh doanh mặt hàng này, quay trở lại tiêu thụ gà lông. Các công ty nước ngoài có hoạt động chăn nuôi lớn mạnh tại Việt Nam cũng chưa tìm thấy lối ra cho sản phẩm gà sạch.

Charoen Pokphan, công ty nước ngoài thành công nhất trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam, đã phải tạm ngừng triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm.

Japfa Comfeed Việt Nam - công ty 100% vốn đầu tư từ Indonesia - mới khánh thành nhà máy giết mổ gia cầm tại Hợp Châu (Vĩnh Phúc), công suất 24 ngàn con/ngày, thế nhưng vận hành chỉ cầm chừng, bởi mỗi tháng tiêu thụ chưa nổi 5 ngàn con.

Công ty Green food phải "tự cứu" mình bằng cách chuyển hướng từ đối tượng khách hàng bình dân sang phục vụ cho nhu cầu của các khách sạn, nhằm vào mặt hàng gà ta...

Vì sao người tiêu dùng "quay lưng"?

Theo anh Hùng, nhân viên tiếp thị của Công ty Japfa, đó là vì quy trình sản xuất gà sạch là giết mổ sẵn, cấp đông rồi mới vận chuyển đến đại lý. Với người tiêu dùng nước ta, tập quán sử dụng sản phẩm thịt tươi để chế biến món ăn chưa dễ thay đổi, gà đông lạnh chưa hợp khẩu vị, bởi mùi vị không ngon, thịt xác và khô cứng, nên không được thực khách ưa chuộng.

Chị Hạnh, trưởng bếp ăn tập thể Công ty Thiên Hương phàn nàn: "Trước kia tôi thuyết phục Ban giám đốc cho mua và sử dụng sản phẩm gà sạch. Lúc đầu lãnh đạo công ty ủng hộ, bởi rất muốn công nhân được ăn những thực phẩm an toàn. Nhưng khi chúng tôi mua về chế biến, công nhân đều phàn nàn rằng thịt gà đông lạnh quá khô xác, không ngon. Kể từ đó, mọi người ở đây đều phản đối thịt gà sạch, nên chúng tôi ngừng mua sản phẩm này".

Để xây dựng thị trường tiêu thụ, Công ty Japfa đưa ra nhiều phương thức thu hút: đại lý được cấp tủ lạnh để bảo quản sản phẩm, được lắp đặt miễn phí biển quảng cáo tại cửa hàng, cho nợ tiền hàng...

Thế nhưng vẫn không phát huy hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Bằng, một đại lý kinh doanh gà sạch của Công ty Japfa tại Phố Nối (Hưng Yên) cho biết: "Khi mời hợp tác, công ty dự trù cửa hàng của tôi sẽ tiêu thụ 8 tấn/tháng. Nếu tính mỗi kg, đại lý được hưởng 1 ngàn đồng, chúng tôi sẽ có lợi nhuận 8 triệu đồng/tháng, vì thế tôi rất quyết tâm.

Thời gian đầu khá suôn sẻ, nghe giới thiệu sản phẩm gà sạch, người tiêu dùng rất quan tâm, nhờ đó tôi đã tiêu thụ được gần 2 tấn/tháng. Thế nhưng về sau sản lượng bán ngày càng ít đi, bởi khách hàng không còn tha thiết với thịt gà đông lạnh.

Hiện tại tôi chỉ bán được 200 kg/tháng, thu nhập 200 ngàn đồng, không đủ bù đắp tiền chi phí điện. Khách hàng yêu cầu được mua gà sạch, nhưng phải là gà tươi chưa qua cấp đông, sản phẩm đó công ty không đáp ứng được".

Anh Nguyễn Công Hoàng, một người kinh doanh gà sạch ở Tân Minh (Sóc Sơn - Hà Nội), còn lâm vào tình trạng bi đát hơn. Vì chưa có kinh nghiệm dự đoán khả năng tiêu thụ nên dịp Tết Đinh Hợi, anh đặt mua hẳn 1 tấn gà sạch. Do không bán được, phải bảo quản lâu ngày đưa đến hậu quả hỏng toàn bộ lô hàng, lỗ hơn 20 triệu đồng. Đến nay kiốt vẫn đóng cửa vì không có khách.

Chưa hợp với thói quen tiêu dùng

Phải chăng người tiêu dùng chưa tin tưởng ở độ an toàn vệ sinh của sản phẩm? Chị Huyền, kế toán chi nhánh gà sạch của Công ty Japfa khẳng định: Japfa hoạt động theo quy trình khép kín: từ khâu sản xuất gà giống ông bà, gà giống bố mẹ, nhà máy ấp trứng, hệ thống trang trại chăn nuôi gia công thương phẩm, nhà máy giết mổ, bảo quản, tiêu thụ.

Tất cả các quy trình này đều thực hiện nghiêm ngặt mọi quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, và được cấp giấy chứng nhận của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Sở dĩ chưa tạo được thị trường ổn định là vì gà sạch chưa hợp với khẩu vị, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Hầu hết khách hàng kiến nghị công ty nên bán gà tươi sạch không cần cấp đông.

Nhưng yêu cầu này, công ty chưa đáp ứng được, bởi sản lượng tiêu thụ quá thấp, phải vận chuyển và giao hàng rải rác nhiều nơi, mất nhiều thời gian, nếu không cấp đông thì khó bảo quản sản phẩm đến nơi tiêu thụ.

Công ty Green Food chuyên kinh doanh mặt hàng thực phẩm, trong đó gà sạch là sản phẩm chính yếu. Họ nhập gà lông từ các trang trại chăn nuôi. Nhà máy giết mổ gia cầm đặt tại xã An Thượng (Hoài Đức - Hà Tây), công suất 300 con/giờ.

Anh Đỗ Văn Bạo, Trưởng phòng kinh doanh gà sạch của Công ty Green Food tâm sự: "Gà sạch chưa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của đại bộ phận người tiêu dùng trong nước, nên chúng tôi phải chuyển hướng sang "gà ta sạch" nhằm vào các khách sạn, đối tượng thực khách chủ yếu là người nước ngoài. Nhưng cũng không dễ dàng, thực khách ngoại quốc chưa tin tưởng nhiều vào độ an toàn của sản phẩm chế biến trong nước.

Mặc dù nguồn nguyên liệu gà lông nhập về đều có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục thú y, quá trình giết mổ cũng được các cơ quan chức năng giám sát và cấp giấy chứng nhận. Nhưng hầu hết khách hàng đều chưa tin tưởng vào sự đảm bảo của các giấy tờ này".