00:49 07/03/2024

Người Việt chi cho các dịch vụ qua nền tảng ứng dụng khoảng 31,5 triệu USD

Nhĩ Anh

Người dùng Việt có xu hướng ưa thích sử dụng các ứng dụng miễn phí hoặc dịch vụ miễn phí trên các ứng dụng...

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo thường kỳ chiều ngày 6/3/2024.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo thường kỳ chiều ngày 6/3/2024.

Đánh giá tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 6/3/2024, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết mặc dù Việt Nam giữ vị trí top 11 toàn cầu về tổng số lượt tải trên thiết bị di động nhưng mức chi tiêu cho các dịch vụ qua nền tảng chỉ đạt 31,5 triệu USD. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ 35 quốc gia có doanh thu trên các ứng dụng cao nhất toàn cầu, đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN.

Họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 2/2024; kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi với các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành được dư luận quan tâm. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chủ trì họp báo.

Có thể thấy, các ứng dụng số đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống của người dân. Tuy nhiên để phổ cập được rộng rãi, từ thực tiễn triển khai các ứng dụng hiện nay cho thấy sự thành công đến từ việc tiếp cận theo 2 hướng.

Theo đó, đi từ các nhu cầu cơ bản, sở thích và đặc trưng văn hóa của người Việt (nhu cầu giải trí, nhu cầu thể hiện bản thân… có sử dụng ngôn ngữ Việt hoặc đáp ứng văn hóa Việt như ca nhạc, tin tức) hoặc đi từ các quy định, chính sách quản lý, thúc đẩy của cơ quan nhà nước (như cung cấp dịch vụ có điều kiện, dịch vụ công…)

Người dùng Việt có xu hướng ưa thích sử dụng các ứng dụng miễn phí hoặc dịch vụ miễn phí trên các ứng dụng.

Minh chứng điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo số liệu thống kê trong tháng 1/2024, mặc dù Việt Nam giữ vị trí top 11 toàn cầu về tổng số lượt tải trên thiết bị di động, tuy nhiên mức chi tiêu cho các dịch vụ qua nền tảng (revenue in app-purchase) ước đạt 31,5 triệu đô, xếp thứ 35 quốc gia có doanh thu trên các ứng dụng cao nhất toàn cầu, chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philipppines).

Trong tháng 2/2024, Cục Tần số đã xử lý 7 vụ vi phạm về sử dụng tần số, trong đó, phạt tiền 2 vụ, cảnh cáo 5 vụ. Qua công tác kiểm soát tần số, đã kịp thời phát hiện 1 đối tượng đi xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP.Hồ Chí Minh và đã phối hợp với Công an thành phố bắt giữ.

Số liệu từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia tiếp tục ghi nhận có 31 đơn vị (19 tỉnh, thành phố và 12 Bộ, ngành) còn tồn tại các website của đơn vị bị lợi dụng để tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại, chủ yếu đến từ các game bài, cờ bạc đổi thưởng…

Cũng trong tháng 2/2024, Bộ đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, Quyết định số 14/QĐ-XPVPHC do Cục Trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử  ký ban hành, xử phạt Công ty Cổ phần Omnicom Media Việt Nam số tiền 15 triệu đồng do đặt sản phẩm quảng cáo trên Kênh mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Quyết định số 7/QĐ-VPHC do Chánh Thanh tra Bộ ký ban hành, xử phạt Công ty TNHH một thành viên Thương mại TIKI số tiền 22,5 triệu đồng do không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản khi thay đổi địa điểm trụ sở chính; không làm thủ tục đăng ký lại hoạt động phát hành xuất bản phẩm khi thành lập chi nhánh và không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo cập nhật hơn 3.000 kênh nội dung được khuyến nghị chọn quảng cáo. Đây là lần thứ 3 danh sách này được Bộ công bố công khai. Việc xây dựng và công bố White List và Black List là một trong những giải pháp được Bộ triển khai từ giữa năm 2022 nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet.

Theo ghi nhận của Bộ có hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ, KOL và influencer có lượng theo dõi cao quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng tiếp tục tái diễn. Đáng chú ý, đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này còn ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi.

Bộ đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát hiện và cảnh báo; đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này.

Cũng tại buổi họp báo, các đơn vị thuộc bộ đã chia sẻ, cung cấp thông tin làm rõ một số vấn đề báo chí quan tâm về lừa đảo trực tuyến, vi phạm trên mạng xã hội, việc dừng công nghệ 2G, đấu giá băng tần và thương mại hóa 5G...