Nguy cơ hàng Việt bị “mượn danh” trong “trade war” nhìn từ nghi án Asanzo
Một rủi ro mà Việt Nam cần thận trọng chính là việc hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi "mượn danh" hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế
Ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn Asanzo đã không ít lần thể hiện tham vọng đưa thương hiệu điện tử Việt vươn ra thế giới. Tuy nhiên, trước nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt của Asanzo, giới kinh tế lo ngại một viễn cảnh không mấy tốt đẹp khi hàng Việt mang danh đi xuất khẩu thế giới nhưng hàm lượng giá trị của Việt Nam rất thấp, chủ yếu là gia công, thậm chí nhập nguyên chiếc về "xé nhãn" phù phép thành hàng Việt.
Đây không chỉ là câu chuyện trong nghi án của Asanzo, mà là sự cảnh báo giới doanh nghiệp Việt trong bối cảnh Việt Nam được nhận định là sẽ hưởng lợi nhiều nhất trong quá trình dịch chuyển dòng vốn toàn cầu do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, hay còn gọi là "trade war".
Rủi ro lớn khi hàng Việt bị "mượn danh"
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 tới dẫn tới việc chính quyền Tổng thống Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn.
"Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỷ USD (tức khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018)", báo cáo nêu.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các nhóm hàng liên quan đến các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng cao đột biến so với mức tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đó cũng như các thị trường khác.
Cơ hội luôn đi cùng với rủi ro, công ty này cảnh báo thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng nhanh có thể khiến chính quyền của Tổng thống Trump "để mắt", xem xét sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
"Một rủi ro mà Việt Nam cần thận trọng chính là việc hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi "mượn danh" hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế. Hàng Việt Nam xuất khẩu gia tăng mạnh có thể khiến Mỹ tăng cường các hoạt động kiểm tra về xuất xứ.
Nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch. Do vậy, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh rủi ro trên", BVSC cảnh báo.
Thực tế, nhiều vụ việc đã lĩnh hệ lụy lớn gây ảnh hưởng đến cả ngành. Gian thương tìm cách nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam để hợp thức hóa đơn, chứng từ, dán nhãn mác hàng Việt rồi tiếp tục xuất đi Mỹ nhằm hưởng ưu đãi. Điều đó khiến các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng (tính đến tháng 11/2018 đã có 19 vụ).
Vừa qua, Tổng cục Hải quan cho biết đã phát hiện nhiều giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm giả mạo trên các hàng nông nghiệp, dệt may, sắt và nhôm. Sau đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục trưởng cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với hàng hoá nhập khẩu theo đúng quy định về xuất xứ hàng hoá, ghi nhãn hàng hoá, đặc biệt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng gian lận thương mại, lẩn tránh thuế của các công ty Trung Quốc. Họ dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để né thuế xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ. Do đó, cơ quan Thương mại Mỹ ra thông báo với nội dung điều tra 5 công ty của Mỹ nhập khẩu ván ép từ Việt Nam. Đây là động thái của phía Mỹ khi họ nghi ngờ các công ty này nhập khẩu ván được sản xuất từ Trung Quốc, dán mác Việt Nam để xuất đi Mỹ.
Theo Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ cuối năm 2018 đến nay, Mỹ đánh thuế cao hàng Trung Quốc khi nhập khẩu vào Mỹ nên tiềm ẩn nguy cơ gia tăng tình trạng hàng Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu vào thị trường này.
Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh dự báo một số hành vi gian lận về nhãn mác, xuất xứ có thể phát sinh trong thời gian tới như hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sau đó thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản như thay bao bì, gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Hoặc thương nhân nước ngoài thuê thương nhân Việt Nam gia công đơn giản, sau đó lấy xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất sang Mỹ hưởng ưu đãi.
Thậm chí, một số doanh nghiệp nhập khẩu có thể có hành vi làm giả C/O (giả chữ ký, con dấu của người có thẩm quyền ký và cấp C/O) để hưởng ưu đãi của Việt Nam, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu làm giả C/O của Việt Nam để xuất khẩu hàng Trung Quốc sang Mỹ.
Năm 2018, Bộ Công Thương đã phải phát đi bản tin cảnh báo thép Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ tăng đột biến sau khi Mỹ có quyết định áp 14 loại thuế chống bán phá giá và 10 loại thuế tự vệ trong hai năm 2016 và 2017 với thép Trung Quốc. Do đó, Mỹ nghi ngờ Việt Nam nhập thép Trung Quốc và sau đó xuất khẩu sang thị trường này.
Lo bị Mỹ trừng phat
Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại Việt Nam có thể bị Mỹ trừng phạt khi cho phép hàng giả "Made in Vietnam" được xuất khẩu sang Mỹ.
Các trường hợp gian lận nói trên bao gồm việc dán nhãn hàng hóa Trung Quốc thành "Made in Vietnam" trước khi hoàn thành giấy chứng nhận xuất xứ. Chẳng hạn, hải quan Mỹ phát hiện ván ép Trung Quốc được chuyển đến Mỹ thông qua một công ty Việt Nam.
Về việc phát hiện hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam để xuất sang Mỹ và trốn thuế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 20/6 cho biết: "Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác. Tổng cục Hải quan của Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn các hành vi loại này và bảo vệ hàng sản xuất trong nước".
Việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giả mạo xuất xứ ngày càng gia tăng, trước hết là do Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, nhiều dòng thuế được cắt giảm. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có quy định về tiêu chí hàng hóa để được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.