07:41 14/10/2016

Nguyên Bộ trưởng Giáo dục quay về dạy tại trường cũ

Nguyên Hà

Ông Phạm Vũ Luận có thể tham gia giảng dạy tại Đại học Thương mại trong 10 năm nữa

Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng là Hiệu trưởng Đại học Thương mại.<br>
Nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng là Hiệu trưởng Đại học Thương mại.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định liên quan đến việc điều chuyển công tác đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

Cụ thể, tại Quyết định 1963/QĐ-TTg, Thủ tướng quyết định ông Phạm Vũ Luận, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển về Trường Đại học Thương mại để làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo quy định tại Nghị định 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ.

Ông Phạm Vũ Luận sinh năm 1955, là giáo sư, tiến sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng Khóa 11, Đại biểu Quốc hội Khóa 13.

Từ năm 1976-1983, ông là giảng viên khoa kinh tế thương mại, Trường Đại học Thương mại.

Sau khi nghiên cứu sinh tại Liên Xô, từ năm 1987 tới năm 2004, ông quay trở về công tác tại Đại học Thương mại với chức danh cao nhất là Hiệu trưởng.

Từ 2004 tới tháng 4/2016, ông lần lượt làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Phạm Vũ Luận từng đưa ra một số đề án về đổi mới giáo dục gây nhiều ý kiến trái chiều.

Sau khi bàn giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho người kế nhiệm Phùng Xuân Nhạ hồi cuối tháng 4/2016, ông Luận đã đủ điều kiện để nghỉ hưu theo chế độ.

Tuy nhiên, theo Nghị định 141/2013 nói trên, đối với những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học thì được kéo dài  thời gian làm việc tối đa 5 - 10 năm (tùy trình độ) kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận.

Như vậy, có thể hiểu, ông Phạm Vũ Luận đã có nguyện vọng quay trở lại làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Thương mại và được Thủ tướng chấp thuận.