11:30 17/11/2008

Nguyên Tổng giám đốc HSBC Việt Nam lạc quan về chứng khoán trong nước

Tú Uyên

Nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu về cơ hội của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới

Ông Alain Cany.
Ông Alain Cany.
Hội nghị Đầu tư quốc tế tại Việt Nam do Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế, phối hợp với Quỹ VinaCapital tổ chức tại Tp.HCM vào chiều 11/11 vừa qua, với sự tham gia của khoảng 200 nhà đầu tư trong và ngoài nước, đại diện đến từ 20 tỉnh, thành phố, các bộ ngành hữu quan. VnEconomy xin ghi lại và trích dẫn tham luận của ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, tại hội nghị này.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã và đang làm tốc độ phát triển kinh tế chậm lại trên toàn thế giới.

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã hạ thấp các dự báo về tăng trưởng cho tất cả các nước phát triển từ 3,9% xuống còn 2,9% cho thấy khả năng các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại nếu cuộc khủng hoảng này vẫn tiếp tục kéo dài.

Mỹ và châu Âu đều tăng trưởng âm trong quý 3 vừa qua. Chính quyền mới tại Mỹ với các quyết sách kinh tế mới sẽ dẫn tới 2 khả năng: một là suy thoái kinh tế sẽ kéo dài 8-10 tháng; hai là, sẽ kéo dài 12-18 tháng nữa.

Với Việt Nam, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng nặng nề, đe dọa sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các báo cáo nghiên cứu từ các tổ chức quốc tế lớn vẫn đánh giá tốt về tình hình kinh tế Việt Nam và cho rằng Việt Nam đã được chuẩn bị tương đối tốt để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức sắp tới.

Điển hình, quý 2 vừa qua, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn tạm thời, thể hiện ở các chỉ số sản lượng thóc thu hoạch, lạm phát, tỉ giá USD/VND, vốn FDI, dự trữ ngoại tệ và tỉ giá USD/VND.

Việt Nam chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, vì hệ thống tài chính Việt Nam chưa thực sự kết nối với thị trường tài chính và dòng vốn quốc tế. Mức tăng trưởng GDP trong năm 2009 có thể đạt 6% không phải là thấp.

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua tình trạng khó khăn tạm thời trong quý 3/2008 với nhiều điểm tích cực: các chính sách siết chặt về tài chính và tiền tệ được thực hiện ở quý 2/2008 đã phát huy tác dụng, tỷ giá VND giữ ở mức ổn định, Việt Nam vẫn dành được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài biểu hiện qua luồng vốn FDI đăng ký đạt hơn 57 tỷ USD (tính đến cuối tháng 9/2008), nguồn dự trữ ngoại tệ khoảng 21 tỷ USD giúp cán cân thanh toán quốc tế được cân bằng...

Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục trong thời gian dài thì có thể đe dọa tới sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng tới triển vọng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.

Song nhiều khả năng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nặng do các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam giá rẻ, có thể thay thế những mặt hàng xuất khẩu giá cao hơn của khu vực Đông Á.

Mặt khác, nhu cầu về dầu khí và các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tương đối ổn định. Thế nhưng, do mức tăng trưởng GDP chậm lại trên toàn cầu và giá thế giới giảm nên theo tôi, chỉ tiêu xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2009 có thể phải điều chỉnh giảm từ 10%-15%.

Mặc dù đang suy giảm như nhiều thị trường chứng khoán các nước, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có vị thế tốt hơn so với các nước trong khu vực.

Tại châu Á, chỉ có Việt Nam và Indonesia là hai nước có dòng vốn nước ngoài chảy vào nhiều hơn chảy ra trong năm nay. Theo kênh thông tin tài chính Bloomberg, Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong số ít nền kinh tế mới nổi nhận được vốn đầu tư nước ngoài chảy ròng vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài bán ròng chứng khoán trong thời gian qua không phải là rút vốn. Các chỉ số định giá cổ phiếu hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam tương đương với các thị trường trong khu vực, nhưng Việt Nam có mức tăng trưởng trung hạn cao hơn nhiều so với các nước khác.

Hiện tại, tình hình kinh tế trong thời gian tới vẫn sẽ rất khó dự đoán do cả thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, Việt Nam là thị trường nổi trội điển hình: Việt Nam ít nợ nước ngoài; thị trường thiên về năng lượng, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu...

Và với các chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện, tình hình khó khăn chắc chắn sẽ qua đi trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn trong năm 2009.