07:00 04/11/2009

Nhà đầu tư ngóng tin từ FED, Dow Jones mất điểm

Duy Cường

S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lên điểm nhờ tin mua bán sáp nhập của Berkshire Hathaway, trong khi Dow Jones quay đầu giảm điểm

Giao dịch vẫn khá thận trọng khi nhà đầu tư đang ngóng tin tức về chính sách tiền tệ và triển vọng nền kinh tế từ FED - Ảnh: Reuters.
Giao dịch vẫn khá thận trọng khi nhà đầu tư đang ngóng tin tức về chính sách tiền tệ và triển vọng nền kinh tế từ FED - Ảnh: Reuters.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lên điểm nhờ tin mua bán sáp nhập của Berkshire Hathaway, trong khi Dow Jones quay đầu giảm điểm.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, số đơn đặt hàng mới tại các nhà máy ở nước này trong tháng 9/2009 đã tăng 0,9% - đây là lần tăng thứ 5 trong vòng 6 tháng trở lại đây.

Liên quan đến thông tin đang được truyền thông Mỹ chú ý trong ngày, Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã đồng ý rót 26 tỷ USD để mua lại 77,4% cổ phần của công ty đường sắt Burlington Northern Santa Fe.

Theo kế hoạch, Berkshire Hathaway sẽ trả cho Burlington Northern Santa Fe 100 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt và cổ phiếu. Hiện Berkshire Hathaway đang nắm giữ 22% cổ phần của Burlington Northern Santa Fe. Nếu thương vụ này được thực hiện thì Berkshire Hathaway sẽ nắm giữ gần100% cổ phần Burlington Northern Santa Fe và trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của tỷ phú Warren Buffett trong vai trò là người đứng đầu tập đoàn bảo hiểm, quản lý tài sản này.

S&P 500 lên điểm

S&P 500 và Nasdaq tiếp tục lên điểm nhờ tin mua bán sáp nhập của Berkshire Hathaway, trong khi Dow Jones quay đầu giảm điểm.

Không có tin hỗ trợ đáng kể và phải ngóng đợi quyết định của FED về chính sách tiền tệ, chứng khoán Mỹ đã mở cửa với mức giảm nhẹ, rồi giảm khá mạnh sau đó. Cả ba chỉ số có lúc đã mất hơn 0,8% giá trị rồi duy trì xu thế giằng co mạnh trong cả phiên giao dịch buổi sáng.

Đến đầu phiên buổi chiều, các chỉ số bắt đầu có sự phân hóa khi S&P 500 sớm vượt qua giá trị phiên liền trước, tiếp đó là Nasdaq. Và đến cuối ngày giao dịch, hai chỉ số này đã có được đà tăng điểm. Trong khi đó, với 19/30 cổ phiếu mất điểm, Dow Jones đã không thoát khỏi xu hướng giảm điểm khi kết thúc ngày giao dịch.

Chỉ số Dow Jones khối vận tải đã có được mức tăng 5,3% nhờ tin tích cực từ thương vụ thâu tóm Burlington Northern Santa Fe của Berkshire Hathaway, riêng cổ phiếu công ty đường sắt này tăng 27,3% lên 97 USD/cổ phiếu.

Morgan Stanley đã hạ triển vọng đối với cổ phiếu của Intel và hạ mức giá kỳ vọng xuống 22 USD/cổ phiếu, từ mức 25 USD/cổ phiếu được đưa ra trước đó. Thông tin này đã khiến cổ phiếu Intel giảm 2,68%, đồng thời đẩy nhiều cổ phiếu blue-chip khối công nghệ giảm khá mạnh - Microsoft hạ 1,26%, HP giảm 1,43%...

Cổ phiếu của MasterCard đã giảm 1,55% xuống 219,2 USD/cổ phiếu dù hãng công bố đạt 452 triệu USD lợi nhuận sau thuế, tương đương 3,45 USD/cổ phiếu trong quý 3/2009, từ mức 194 triệu USD (1,48 USD/cổ phiếu) của cùng kỳ năm ngoái.

Trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư đã không thực sự mạnh dạn tham gia vào thị trường bởi đa số vẫn đang ngóng thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về chính sách tiền tệ áp dụng trong thời gian tới, cũng như đánh giá triển vọng về nền kinh tế của FED.

Giới phân tích cho rằng, cho đến khi chưa có thông tin từ FED thì thị trường chứng khoán vẫn sẽ dao động trong biên độ hẹp, nhưng một khi thông tin được công bố thì thị trường sẽ có sự thay đổi nhanh chóng sau đó. Dự kiến FED sẽ công bố thông tin về kết quả phiên họp của Hội đồng Thị trường mở Liên bang vào 14h15 ngày 4/11.

Nhà đầu tư ngóng tin từ FED, Dow Jones mất điểm - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 3/11 - Nguồn: G.Finance.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 3/11: chỉ số Dow Jones giảm 17,53 điểm, tương đương -0,18%, chốt ở mức 9.771,91.

Chỉ số Nasdaq lên 8,12 điểm, tương đương 0,4%, chốt ở mức 2.057,32.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 2,53 điểm, tương ứng 0,24%, đóng cửa ở mức 1.045,41.

Những thông tin đáng chú ý trong tuần:

Thứ Tư: Công bố chỉ số ISM ngành dịch vụ; Chrysler công bố kế hoạch kinh doanh; thông cáo của FED về chính sách tiền tệ; kết quả kinh doanh của Time Warner, Cisco, News Corp và Prudential.

Thứ Năm: Báo cáo về doanh thu bán lẻ; Ngân hàng Trung ương châu Âu và Anh (ECB, BoE) công bố về chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản; công bố kết quả kinh doanh của Toyota, Unilever.

Thứ Sáu: Báo cáo về tình hình thất nghiệp trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Geithner có bài phát biểu quan trọng; công bố về số liệu tín dụng tiêu dùng.

Chứng khoán châu Á tiếp tục mất điểm

Ngày 3/11, chứng khoán châu Á đã có diễn biến tích cực hơn khi biên độ giảm điểm ở nhiều thị trường không còn mạnh như phiên trước đó.

Điểm tích cực đáng chú ý khác là các thị trường mở cửa ngày giao dịch với mức tăng nhẹ hoặc đã giữ được vị thế cân bằng so với giá trị đóng cửa phiên trước đó. Điều này cho thấy tâm lý bi quan của nhà đầu tư trong phiên đầu tuần đã giảm đi rất nhiều.

Do thị trường không có đủ thông tin hỗ trợ để lên điểm nên kết thúc phiên, chỉ có thị trường chứng khoán Trung Quốc là duy trì được sắc xanh trên bảng điện tử. Thị trường Hồng Kông mất gần 2% giá trị, còn các thị trường lớn khác chịu mức giảm dưới 0,7%.

Duy nhất thị trường Việt Nam trong ngày giao dịch này vẫn giữ biên độ giảm đáng lo ngại khi chỉ số VN-Index mất 3,93%, sau khi giảm 4,33% trong phiên trước đó. Chỉ số này đã vượt qua ngưỡng hỗ trợ 550 điểm một cách khá dễ dàng và khiến giới đầu tư lo ngại về mốc điểm hỗ tiếp theo.

Tại Hồng Kông, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật) đã giảm 1,1% xuống 384,74 điểm.

Chuyển qua thị trường Australia, Ngân hàng Trung ương nước này vừa đưa ra quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 3,5%, từ mức 3,25%/năm. Như vậy, đây là lần thứ hai trong hai tháng qua, Australia đã có quyết định đi ngược với xu hướng duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp để hỗ trợ phát triển kinh tế của đa số các nền kinh tế trên thế giới.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số ASX đã có diễn biến tích cực hơn phiên trước đó khi chỉ giảm 0,14%, chốt ở mức 4.540.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan giảm 0,17%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,69%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 1,76%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc trượt 0,59%. Chỉ số BSE của Ấn Độ giảm 0,43%. Chỉ số Shanghai Composite lên 1,22%.

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.789,44 9.771,91  Down  17,53  Down0,18
Nasdaq 2.049,20 2.057,32 Up    8,12 Up0,40
S&P 500 1.042,88 1.045,41  Up    2,53 Up0,24
Anh FTSE 100 5.104,50 5.037,21  Down  67,29  Down1,32
Đức DAX 5.430,82 5.353,35  Down  77,47 Down1,43
Pháp CAC 40 3.639,46 3.584,25 Down  55,21 Down1,52
Đài Loan Taiwan Weighted 7.335,18 7.322,93 Down  12,25 Down0,17
Nhật Bản Nikkei 225 9.802,95 N/A N/A N/A
Hồng Kông Hang Seng 21.620,19 21.240,06 Down380,13 Down1,76
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.559,09 1.549,92 Down    9,17  Down0,59
Singapore Straits Times 2.638,66 2.627,28 Down  18,15 Down0,69
Trung Quốc Shanghai Composite 3.076,65 3.114,23 Up  37,58  Up1,22
Ấn Độ BSE 15.896,28 15.828,01  Down  68,27 Down0,43
Australia ASX 4.546,30 4.540,00 Down    6,30  Down0,14
Việt Nam VN-Index 561,71 539,65 Down  22,06  Down3,93
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg