16:34 08/12/2021

Nhà giàu Ấn Độ đổ xô sang Mỹ, Dubai tiêm mũi vaccine tăng cường

Phương Linh

Đến nay chính phủ Ấn Độ vẫn giữ lập trường cho rằng chưa cần tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba đối với các vaccine có liệu trình tiêu 2 mũi) để duy trì hiệu quả miễn dịch, do đó, giới giàu nước này tự xoay xở bằng cách đổ xô ra nước ngoài để tiêm...

Một khu chợ tạm được thiết lập cho lễ hội Durga Puja ở Kolkata, miền đông Ấn Độ - Ảnh: EPA
Một khu chợ tạm được thiết lập cho lễ hội Durga Puja ở Kolkata, miền đông Ấn Độ - Ảnh: EPA

Chính phủ Ấn Độ đang đối mặt áp lực ngày càng lớn với việc triển khai tiêm vaccine tăng cường cho người dân trong bối cảnh biến thể Omicron gây lo ngại về một làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron, được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn, khiến cộng đồng khoa học và ngành y tế Ấn Độ gia tăng áp lực để chính phủ nước này thay đổi lập trường về mũi tăng cường.

Đây là vấn đề đau đầu với chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi, vốn đang phải vật lộn triển khai mũi cơ bản. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ, đến nay, mới chỉ có 49% trong số 1,4 tỷ dân nước này được tiêm hai mũi vaccine. Hiện tại, khoảng 8% nhân viên y tế, 30% người trên 60 tuổi và hơn 60% người trong độ tuổi 45-59 tại Ấn Độ chưa được tiêm vaccine đầy đủ mũi cơ bản.

Các nhà khoa học về gen hàng đầu  Ấn Độ đều đồng loạt kêu gọi chính phủ nước này tiêm mũi tăng cường cho người dân. Hiệp hội giải trình tự gen  Sars-CoV-2 Ấn Độ(Insacog) - một mạng lưới các phòng thí nghiệm quốc gia do chính phủ thành lập để theo dõi các biến thể Covid-19, mới đây kêu gọi tiêm mũi vaccine tăng cường cho nhóm người trên 40 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên người có bệnh nền hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao.

Lãnh đạo đảng đối lập cũng thúc giục Chính phủ của ông Modi thay đổi lập trường về mũi tăng cường của mình. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy có sự thay đổi như vậy.

Một số bang tại nước này đang tự triển khai các biện pháp riêng để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới do biến thể Omicron, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm đủ 2 mũi cơ bản cho người dân thông qua chiến dịch tiêm tại nhà, đồng thời nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế.

Trong khi đó, ở nhiều bang, những nỗ lực như vậy có dấu hiệu chững lại khi số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước bắt đầu giảm mạnh sau đợt bùng phát dịch kỷ lục do biến thể Delta hồi tháng 5 năm nay.

Còn giới giàu Ấn Độ tự tìm con đường riêng khi cùng gia đình ra nước ngoài để tiêm vaccine tăng cường. Điểm đến phổ biến là Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), Anh hoặc Mỹ. Trong đó, việc đến Anh và Mỹ giờ đây dễ dàng hơn sau khi chính phủ hai nước này nới lỏng các hạn chế đi lại.

“Tôi đã tiêm mũi thứ hai vào khoảng tháng 3-4 năm nay sau khi xét nghiệm máu cho thấy lượng kháng thể trong cơ thể tôi giảm đáng kể. Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định. Do đó, đây là một rủi ro lớn về sức khỏe với một người 60 tuổi như tôi, người đã mất cha do biến thể Delta hồi tháng 5”, CEO của một công ty đa quốc gia có trụ sở tạ Bangalore cho biết.

Tháng trước, vị CEO này đã cùng vợ và ba con tới Dubai để tiêm vaccine tăng cường.

Một nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của hành khách đi tàu đến Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: AP
Một nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của hành khách đi tàu đến Mumbai, Ấn Độ - Ảnh: AP

Việc này gợi nhớ làn sóng đổ xô ra nước ngoài tránh dịch của người giàu Ấn Độ hồi tháng 5. Tình trạng thiếu giường bệnh, ôxy và thuốc điều trị gây  ra hỗn loạn lớn. Nhiều người thậm chí bỏ ra hàng triệu Rupee để thuê máy bay riêng tháo chạy sang châu Âu, UAE. Làn sóng này khiến các hãng cho thuê máy bay cá nhân quá tải.

Theo Tiến sĩ Kirit Parekh của bệnh viện Fortis tại New Delhi, dù chưa cần thiết phải sợ hãi, nhưng vẫn nên thận trọng bằng cách tiêm vaccine tăng cường cho những người trên 60 tuổi và thanh niên bị suy giảm miễn dịch, có bệnh nền.

“Thông thường, một người sẽ được tiêm mũi tăng cường sau khi khả năng miễn dịch từ những mũi cơ bản bắt đầu suy yếu sau 8-10 tháng. Mũi tăng cường được thiết kế để giúp mọi người duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào về việc mũi tăng cường có gây hại hay không và mức độ bảo vệ nó mang lại như thế nào. Cũng chưa rõ mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron hoặc các nhóm tuổi dễ bị nhiễm biến thể này nhất”, ông cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Hiện tại, hơn 36 quốc gia, trong đó Israel, Anh, Mỹ, Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Pháp, Đức, New Zealand, Hungary, Lithuania, Luxembourg, Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italy và Chile, đã bắt đầu tiêm vaccine tăng cường cho người dân. Trong khi đó, biến thể Omicron đã lây lan sang 48 quốc gia và vùng lãnh thổ.